Cuối tháng 4, đầu tháng 5 là thời điểm thu hoạch xoài rộ ở Đồng Nai. Năm nay, nông dân trồng xoài gặp rủi ro kép vì xoài chính vụ chịu ảnh hưởng của thời tiết nên năng suất thấp, giá bán lại giảm sâu. Nhiều nhà vườn ở vùng sâu, vùng xa của huyện Định Quán không tìm được người mua đành bỏ xoài chín rục ngoài rẫy.
3kg xoài = 1 kg rau muống
Về những vùng trồng xoài lớn ở các xã: Thanh Sơn, La Ngà (huyện Định Quán), Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), Xuân Bắc, Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) dễ dàng bắt gặp các vườn xoài ba mùa mưa (xoài bưởi) chín vàng trên cây mà chưa thu hoạch.
Sự chậm trễ thu hoạch là do đầu ra khó khăn, thương lái chê ỏng chê eo chỉ ưu tiên mua ở các vườn gần. Những vườn xa khó đi lại, thương lái không vào, nhà vườn muốn bán được hàng phải thuê người hái và vận chuyển ra tận đường lớn hoặc đến tận các đại lý.
Xoài tại vườn khó bán, gia đình ông Phùng Văn Truyền, ấp Mít Nài, xã La Ngà (huyện Định Quán) thuê xe chở lên gần Khu công nghiệp Biên Hòa 2 để bán.
Ông Phùng Văn Truyền, ấp Mít Nài, xã La Ngà (huyện Định Quán), kể: “Hơn 6 ha xoài ba mùa mưa của gia đình tôi đến thời điểm thu hoạch, nhưng tìm mãi không được người mua. Cuối cùng tôi nghĩ ra cách tự hái và thuê xe chở về TP Biên Hòa bán lẻ cho công nhân ở các khu công nghiệp. Nhưng hàng bán rất chậm, chỉ mong huề vốn”.
Ông Nguyễn Đăng Bông, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch Phú lý (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu), nói: “2 năm nay, vào chính vụ xoài ba mùa mưa rớt giá xuống còn 1.500-2.000 đồng/kg. Hiện hợp tác xã còn trên 300 tấn xoài đã đến kỳ thu hoạch đang tìm người mua. Với giá xoài gần 2 ngàn đồng/kg, nếu tìm được người mua tại vườn, may ra mới huề vốn”.
Do trồng ào ạt?
Xoài ba mùa mưa đầu ra bấp bênh, vào chính vụ giá thường giảm sâu khó bán, nhưng nhiều nông dân Đồng Nai khi trồng xoài vẫn chọn giống này. Bởi giống xoài này dễ trồng, năng suất cao, vốn đầu tư thấp, khoảng 45-50 triệu đồng/ha/năm, còn trồng xoài Hòa Lộc năng suất chỉ bằng một nửa xoài ba mùa mưa mà chi phí đầu tư cao hơn 10-15 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Thành Tiến ở ấp Mít Nài (xã La Ngà) cho hay: “Tôi có 9 ha xoài, nhưng trong đó chỉ trồng gần 2 ha xoài cát Hòa Lộc, còn lại là xoài ba mùa mưa”.
Theo ông Tiến, xoài cát Hòa Lộc rất khó chăm sóc, năm nào thời tiết thuận hòa, năng suất chỉ đạt 11-12 tấn/ha/năm, còn xoài ba mùa mưa chăm sóc tốt có khả năng đạt gần 30 tấn/ha/năm. Tuy nhiên, giá xoài cát Hòa Lộc luôn cao gấp 5-6 lần xoài ba mùa mưa và đầu ra khá thuận lợi.
Cụ thể, như hiện tại giá xoài ba mùa mưa chỉ còn 1.500-2.000 đồng/kg, trong khi đó thương lái vẫn tìm mua xoài cát Hòa Lộc với giá 10-12 ngàn đồng/kg. Ngoài ra, thị trường cho xoài cát khá rộng mở, nhiều nước đang có dự định sẽ nhập khẩu xoài cát từ Đồng Nai nếu đáp ứng được số lượng và chất lượng.
Ông Nguyễn Hữu Hiểu, Phó tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, cho biết: “Một số doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc đã ngỏ ý với tổng công ty sẽ nhập khẩu xoài từ Đồng Nai với số lượng lớn. Sau khi tìm hiểu, loại xoài hợp với sở thích của họ là xoài cát Hòa Lộc, Cát Chu. Nhưng hiện nay, xoài cát Hòa Lộc, Cát Chu ở Đồng Nai rất ít, khó đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu”.
Cũng theo ông Hiểu, xoài ba mùa mưa có vị chua nên người tiêu dùng Nhật Bản và Hàn Quốc không thích. Đồng thời, xoài ba mùa mưa còn có nhược điểm lớn là khó vận chuyển. Trái cây xuất khẩu sang các nước trên phải vừa chín tới và đưa vào cấp đông để bảo quản, nhưng xoài ba mùa đưa vào cấp đông chỉ từ 2-3 ngày, vỏ ngoài sẽ nhăn nheo rất xấu.
Như vậy, một lần nữa xoài Đồng Nai lại vuột mất cơ hội, tương tự như chôm chôm và sầu riêng. Diện tích lớn, sản lượng nhiều, nhưng chất lượng lại không đáp ứng được do chưa nắm được nhu cầu thị trường.
Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, toàn tỉnh có gần 11 ngàn ha xoài mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 79 ngàn tấn trái. Xoài là một trong 3 loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh. Giống xoài trồng nhiều ở Đồng Nai là xoài ba mùa mưa. Loại xoài này ngoài tiêu thụ trong nước, chỉ xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, các thị trường khác không “hảo” loại xoài này do vị không ngon bằng xoài giống khác.
Bình luận (0)