Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.
Khoảng 17 giờ ngày 7-10-2013, Phạm Anh Tuấn điều khiển xe gắn máy 64HA- 00229 chạy trên đường liên xã từ hướng Thuận An (TX Bình Minh, Vĩnh Long) về nhà ở xã Mỹ Thuận (Bình Tân). Đến đoạn ấp Thuận Phú (xã Thuận An), bất ngờ có vật lạ bay vào mắt trái của Tuấn.
Thay vì giảm tốc độ và dừng xe, Tuấn vẫn cho xe chạy tiếp. Được một đoạn thì mắt đau và cay nên Tuấn vừa nhắm mắt, vừa chạy xe dẫn đến xe do Tuấn điều khiển chạy lấn sang phần đường bên trái và đụng liên tiếp vào 2 xe gắn máy chạy hướng ngược lại, làm một người chết, 2 người bị thương.
Tại phiên tòa lưu động xét xử hành vi “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” gây hậu quả nghiêm trọng của Phạm Anh Tuấn, chủ tọa hỏi: “Bị cáo có học Luật Giao thông đường bộ chưa?”
Tuấn cho biết: “Bị cáo bận làm thuê ở Sài Gòn, không có thời gian đi học”. “Vậy bị cáo có biết khi tham gia lưu thông trên đường gặp chướng ngại vật, người điều khiển xe phải xử lý như thế nào không?”
Tuấn trả lời: “Chỉ được chạy bên trái, gặp chướng ngại vật phải giảm tốc độ và dừng xe để tránh nguy hiểm”. “Bị cáo biết thế, sao lại nhắm mắt chạy xe khi có vật lạ bay vào mắt?”- chủ tọa chất vấn.
Tuấn ngập ngừng, thừa nhận: “Lúc đó, bị cáo nhắm mắt theo quán tính, không kịp nghĩ đến hậu quả. Bị cáo nhắm mắt khoảng 5 giây rồi mở ra thì xe đã chạy lấn sang phần đường bên trái, đụng vào xe gắn máy 64K7- 0290 và xe 64U1- 0603”.
Thực tế, rất nhiều vụ tai nạn cho thấy người điều khiển xe trên đường “mở mắt” nhưng lơ là, chủ quan đôi khi còn gặp bắt trắc huống chi là nhắm mắt… chạy xe như Tuấn.
Do đó, sau khi tai nạn xảy ra, dư luận rất bức xúc mong cơ quan chức năng xử nghiêm hành vi xem thường luật pháp và tính mạng người khác của Tuấn để răn đe và ngăn ngừa số vụ tai nạn giao thông đang xảy ra ngày càng nhiều, nhất là trên các tuyến đường nông thôn.
Được biết, gia đình nạn nhân Nguyễn Thanh Hồng (SN 1964- ngụ ấp Thuận Tiến A, xã Thuận An) thuộc thành phần lao động nghèo. Hôm xảy ra tai nạn, anh Hồng điều khiển xe 64K7- 0290 chở Ngô Trí Dũng đến đoạn đường nêu trên thì bị xe của Tuấn đụng vào làm người và xe đều ngã.
Sau đó, xe do Tuấn điều khiển tiếp tục va chạm nhẹ vào xe gắn máy 64U1- 0603 do anh Phạm Văn Tiền (SN 1979- ngụ ấp Mỹ Khánh 2, xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) điều khiển chạy phía cùng chiều với anh Hồng.
Tai nạn xảy ra làm anh Hồng bị thương nặng ở đầu được nhân dân đưa đến bệnh viện cấp cứu. Đến ngày 12-10-2013, anh Hồng tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) do chấn thương sọ não nặng. Tuấn và anh Tiền, anh Dũng cũng bị thương nhưng chỉ xây xát nhẹ.
Hiện gia đình anh Hồng yêu cầu Tuấn bồi thường các khoản viện phí, đám tang, tổn thất tinh thần,… là 120 triệu đồng nhưng “do nhà nghèo nên Tuấn mới khắc phục được 12 triệu đồng”.
Xét hành vi của Tuấn là nguy hiểm cho xã hội đã làm thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe người khác nên Tuấn phải chịu trách nhiệm hình sự trước những sai phạm đã gây ra. Theo đó, HĐXX của TAND TX Bình Minh đã tuyên án sơ thẩm phạt Tuấn 9 tháng tù giam tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” (ảnh).
Riêng việc Tuấn không có giấy phép lái xe nhưng khi gây tai nạn, Tuấn điều khiển xe có dung tích xi lanh 49cm3 là phù hợp với độ tuổi của Tuấn, được Luật Giao thông đường bộ cho phép nên HĐXX không đặt ra xem xét.
Tại khoản 1, Điều 202 Bộ luật Hình sự quy định tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” như sau: Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản người khác thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Bình luận (0)