Bố mất sớm, mẹ làm công nhân với tiền lương thấp, nhưng vẫn cố gắng nuôi hai chị em Luân học hành nên người. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, để đỡ đần mẹ hàng tháng, Luân xin vào làm ở Nhà hàng Ánh Dương, với công việc hàng ngày là bưng, bê, dọn dẹp, chào mời khách, thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/tháng.
Ngày 6-2 vừa qua là ngày cuối cùng Luân làm việc ở Nhà hàng Ánh Dương, vì hôm sau Luân đi học an toàn ở Công ty TNHH MTV Than Hạ Long - Vinacomin rồi về làm công nhân ở đó. Hôm đó đã gần 22 giờ, khách nhà hàng không còn ai. Luân dọn dẹp quét nhà, chợt nhìn thấy dưới gầm bàn có một chiếc ví da không biết của ai đánh rơi, khi mở ra thấy có rất nhiều tiền.
Dù rất cần tiền để thay thế chiếc xe máy đã cũ mà mình đang dùng hàng ngày, nhưng Luân nghĩ: “Hãy trả lại người đánh mất khi mà đây không phải là của mình”. Luân đem nộp Giám đốc Nhà hàng chiếc ví tiền đó, khi kiểm tra trong ví có gần 30 triệu đồng và chiếc thẻ ATM có tên Nguyễn Minh Sơn.
Ông Lương Thế Hoà, Giám đốc Nhà hàng Ánh Dương cố nghĩ mãi mới nhớ được trong số người ngồi cùng với vị khách tên là Sơn này trước đó có một người quen của mình. Điện cho người quen này, ông Hòa có được số điện thoại của vị khách tên Nguyễn Minh Sơn. Ngày hôm sau ông Nguyễn Minh Sơn đã quay lại nhận chiếc ví đánh rơi của mình.
Ông Sơn cho biết: "Hiện tôi đang làm việc ở huyện Ba Chẽ và là một thành viên trong ban vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp để xây dựng miếu Ông, miếu Bà (huyện Ba Chẽ). Đây là số tiền tôi giữ hộ những người quyên góp. Khi biết mất tiền tôi lo quá, lại không biết mình mất ở đâu, lúc nào để tìm. Thật may mà…".
Ông Lương Thế Hoà nhận định: Số tiền đó, nếu không phải là một người có tấm lòng ngay thẳng như Luân nhặt được, thì chắc chắn là mất. Hôm đó còn là ngày làm việc cuối cùng của Luân ở chỗ chúng tôi, không ai biết người đánh rơi tiền là ai…
Hành động thật thà, không tham của rơi của Luân đã được Đài thành phố Cẩm Phả tuyên truyền rộng rãi cho nhiều người cùng noi theo.
Bình luận (0)