Đội quân “vá lưới di động” không chỉ là người trong tỉnh mà còn ở những địa phương khác như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, tranh thủ những ngày biển động, đi về các xã ven biển để tìm kiếm việc làm. Tại thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận, có chừng mươi hộ theo nghề vá lưới thuê đã mấy chục năm nay. Họ chủ yếu tập trung về làm ở thôn An Dương cùng xã, bởi ở đây có nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ.
Mình mẩy ê ẩm
Vừa đi vá lưới mành thuê trở về, ông Lê Bánh (58 tuổi, trú thôn Hòa Duân) cho biết: “Công việc vá lưới thì làm quanh năm, chủ yếu vá lưới bén, lưới bạc trên đầm phá. Còn lưới mành thì phải vào vụ khi tàu cá nghỉ trong dịp cận tết hay mùa biển động. Như trong giai đoạn hiện nay, các chủ tàu cá thuê việc làm không xuể.” Theo ông Bánh, vá lưới mành tính theo ngày công, mỗi ngày làm được 100 sải, trả được một công 200 nghìn đồng, chủ tàu lo ăn một bữa trưa. Làm việc từ buổi sáng sớm cho đến mịt tối, ngửa bàn tay không thấy gì, mới về.
Ông Lê Bánh và ông Đặng Văn Tuân theo nghề vá lưới đã mấy chục năm
Một tấm lưới mành dài chừng 220-250 sải (khoảng 300-400m), lưới đã có sẵn, chủ tàu nhập từng kiện hàng, những người thợ có nhiệm vụ “đính” phao, chì lên trên lưới. Làm nghề vá lưới mành phải khéo tay, tỉ mẩn mới theo nghề được. “Làm nghề từ lúc tuổi thanh niên, mấy chục năm ni chưa bao giờ chủ thuyền thuê mà tui làm xấu. Làm ẩu, họ trả lại hàng hết” ông Bánh tâm sự.
Đa số những gia đình ở thôn Hòa Duân, phụ nữ thì đi ghe ghọ đánh bắt gần bờ, đàn ông thì theo nghề vá lưới. Họ đi từng đội lên cả chục người, về các thôn An Dương, Cửa Lại hay xa hơn ở những địa phương Phú Diên, Vinh Thanh để làm nghề.
Vá lưới mành trên biển tuy công việc khá nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi người thợ phải ngồi từ sáng đến chiều tối, mình mẩy ê ẩm. Như ông Bánh mấy chục năm làm nghề vá lưới thuê, bệnh đau cột sống khiến lưng ông khom như người già. Vá lưới nhiều năm cũng có bệnh đau dạ dày, sỏi thận do ngồi nhiều, ít đi lại, trái sinh hoạt bình thường. Ông Bánh bộc bạch: “Nhiều lúc làm về, mệt quá chỉ nằm, không ngồi dậy được. Ngồi khom cả ngày, bệnh gai cột sống của tui ngày một nặng hơn.”
Cười hàm răng đen nhẻm, ông Đặng Văn Tuân (47 tuổi), một thợ vá lưới kể một chuyện buồn về nghề: “Vá lưới mành còn, chứ lưới bén, lưới bạc dùng đánh trên đầm phá khổ nhất là khâu “đính” chì. Đính bằng máy nhưng không đẹp, không chắc, chì vướng lưới rách bươm, các chủ thuyền không chịu. Thế là mình phải đính bằng miệng, cắn chỉ. Cắn lâu ngày hư răng hết, môi thì tím dắt, có khi chì tuột vô miệng như chơi!”
Tuy vất vả thế nhưng nhờ nghề vá lưới, ông Bánh, ông Tuân cũng có thu nhập ổn định, nuôi cả bầy con ăn học đàng hoàng. “Vợ đi ghe ghọ gần bờ, kiếm thức ăn hàng ngày. Còn mình đi làm ngoài, bữa trưa có chủ thuyền lo. Mỗi tháng kiếm vài triệu cũng đủ đắp đổi qua ngày”, ông Tuân bộc bạch.
Ông Nguyễn Quang Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết: “Toàn xã có 60 tàu đánh bắt xa bờ cùng hàng trăm ghe ghọ đánh bắt gần bờ nên hàng năm, nhu cầu sửa sang ngư lưới cụ rất lớn. Ngoài những thợ vá lưới từ các tỉnh phía Nam ra, ở địa phương cũng có một đội ngũ lành nghề. Nhờ thế, khi ngư lưới cụ hư hỏng, được khắc phục ngay tại chỗ, bà con ngư dân không phải vận chuyển đi xa”.
Xây tổ ấm
“Nếu nói dân vá lưới chuyên nghiệp thì phải kể đến người ở các tỉnh ven biển có nghề ngư phát triển như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Nha Trang. Họ chủ yếu là chị em phụ nữ, đi từng tốp về các vùng biển, thuê trọ hay ở hẳn trong nhà chủ thuyền thuê đan lưới. Hết mùa vụ, họ trở lại quê. Có người làm nghề vá lưới, lấy chồng rồi lập nghiệp ở quê người. Như ở địa phương cũng có một vài trường hợp”, bà Lê Thị Mẫn, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hải, cho biết.
Người đầu tiên chúng tôi gặp là chị Nguyễn Thị Sương (34 tuổi, thôn Cự Lại Trung, xã Phú Hải). Chị Sương vốn người huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Năm 2005, chị theo “đội quân nữ” vá lưới đi làm nghề từ Thanh Hóa trở vào. Khi đến Huế, ban đầu chị cũng dừng lại ở xã Phú Thuận thuê trọ chỗ ở, đi vá lưới cho các chủ thuyền ở Phú Hải, Vinh Thanh.
Chị kể: “Hồi đó mình làm lưới từ tháng 9, tới tháng 3 năm sau. Đội mình đi hơn chục người, cứ 4-5 người được một chủ thuyền thuê. Mình chỉ tốn chi phí từ trong quê ra, còn nếu ở trong nhà chủ thuyền thì được lo ngày 3 bữa cơm, chi phí sinh hoạt và trả mỗi ngày 220 nghìn/công”.
Năm 2007, chị chuyển qua làm lưới cho gia đình anh Nguyễn Thanh Dũng, rồi “bén duyên” với chồng từ đó đến nay. Hỏi một chút về mối lương tình, chị bẽn lẽn: “Chồng mình nhà cũng làm ngư nghiệp. Mình ra làm lưới quen thấy thương rồi cưới nhau”.
Làm nghề lưới, lấy chồng ở lại quê người lập nghiệp như chị Sương ở các xã vùng ven biển của huyện Phú Vang khá nhiều. Sau bao năm tích cóp làm nhà, bám biển mưu sinh, vợ chồng chị Sương có với nhau hai mặt con lại xây dựng được nhà cửa khang trang.
Trường hợp thứ hai chúng tôi gặp là chị Huỳnh Thị Phượng, quê gốc ở Nha Trang. Cũng như các chị em phụ nữ khác, chị ra thị trấn Thuận An làm nghề vá lưới rồi quen nhà chồng cũng làm nghề đi biển. Hai vợ chồng đến nay không còn theo nghiệp vá lưới thuê nữa nhưng đã sắm được tàu lớn, vươn khơi vào các ngư trường Phú Yên, Khánh Hòa, vừa làm tàu trung chuyển dịch vụ hậu cần thu mua tôm cá. Sau nhiều năm bám biển, giờ chị Phượng đã xây được nhà cửa tại thị trấn Thuận An. Giờ theo nghiệp biển, bám đuôi con cá, chị Phượng vẫn cứ ra vào quê thường xuyên.
Theo nghiệp vá lưới, với những phụ nữ miền biển mưu sinh khó nhọc, họ vẫn giữ được nghề truyền thống của cha ông, bám biển làm giàu.
Bình luận (0)