Từ thú chơi “vương điểu”
Theo giới thiệu của một hội viên Hội những người yêu thích nghệ thuật huấn luyện chim săn mồi (trên diễn đàn Internet), một ngày đầu tháng 11, chúng tôi đến thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa để làm quen với anh Nguyễn H., người rất nổi danh về tính… chịu chơi cũng như những kỹ năng huấn luyện chim đại bàng.
Những cá thể đại bàng được nuôi công khai tại thị trấn Vạn Giã.
Điểm hẹn của chúng tôi là một quán cà phê vỉa hè bên con đường lớn ở trung tâm thị trấn. Khi chúng tôi đến đã thấy anh H. ngồi ở hàng ghế ngoài cùng, bên cạnh là một chú chim rất lớn màu nâu, đầu đội mũ bịt kín mắt, đứng uy nghi trên khung sắt hình chữ U lật ngược.
Có lẽ nhờ có người giới thiệu đến mua “vương điểu” và học hỏi kinh nghiệm trước khi gia nhập hội chơi chim đại bàng nên dù lần đầu gặp nhau, anh H. vẫn rất cởi mở với chúng tôi mà không chút dè dặt: “Chờ lâu quá, nhưng cũng mừng vì mấy ông đã đến. Thôi cứ cà phê và tranh thủ ngắm chú này đi, rồi từ từ tính. Sáng nay trời nắng đẹp, nhưng rất tiếc nó đang kỳ thay lông nên không thể mang ra đồng cho bay biểu diễn để mấy ông mở rộng tầm nhìn. Mấy ông xem nè, tôi tốn bao công sức suốt 7 tháng ròng mới huấn luyện được chú này bay thực địa thế này đây”.
Nói rồi, anh H. lấy chiếc Iphone 5S, mở file video cho chúng tôi xem cảnh anh đang tập luyện cho chú chim đại bàng bay trên cánh đồng. “Tuyệt không - cái cảm giác chú chim với sải cánh 1,8m cất cánh từ cánh tay mình, bay xa hàng trăm mét rồi lại quay về đậu trên tay chủ, theo tiếng còi hiệu lệnh (?) Nhưng chưa đâu, mai mốt nó còn săn được cò, cuốc mang về mới sướng!”, anh H. tỏ ra tâm đắc với thành quả huấn luyện đại bàng của mình.
Sau đó, anh gọi điện cho một chiến hữu tên Đ. mang theo một con chim đại bàng đến để “giao lưu” với chúng tôi - những hội viên chơi chim đại bàng… trong tương lai. “Con đại bàng của chú Đ. cũng cùng loài với con này, nhưng chỉ mới 8 tháng tuổi, tôi mua giùm từ Đà Lạt để anh em cùng chơi cho vui”, anh H. giới thiệu.
Sau cuộc trò chuyện ở quán cà phê, anh H. dẫn chúng tôi về tiệm hớt tóc, trang điểm của mình, cũng là nơi ở chính của anh cùng 3 con chim đại bàng mà anh xem như những người bạn thân thiết. Tới nơi, anh H. để con chim lúc nãy trên vỉa hè cho nó tắm nắng, rồi vào dắt ra 2 con đại bàng khác, một con màu đen và con kia màu xám. Anh H. cho biết, trong 3 chú đại bàng mình đang sở hữu, con màu nâu là lớn nhất, được anh nuôi cách đây gần 2 năm, hiện đã nặng khoảng 3kg; 2 con còn lại mới nuôi 6 tháng.
“Trông lớn vậy chứ chúng đều là chim non đấy. Những loại này khi trưởng thành sẽ có trọng lượng trên dưới 7kg, nếu sống ngoài tự nhiên chúng có thể quật ngã và cắn chết con sói một cách dễ dàng. Để nuôi và huấn luyện chúng thành công, tôi phải lên mạng tra tài liệu và hỏi những người nuôi đại bàng cả trong và ngoài nước nhằm tìm ra tên khoa học của từng con xem nó thuộc loài nào và tập tính ngoài tự nhiên của nó. Qua đó tôi mới biết, chúng đều thuộc loài quý hiếm có tên trong sách đỏ. Có lẽ tôi “bị” anh em trong hội gọi đùa là “vua thần điêu” vì tôi ham tìm hiểu về các loài đại bàng, chuyên tư vấn kỹ thuật huấn luyện đại bàng cũng như tự thiết kế đồ chơi (bao tay bảo vệ cho người chơi, mũ, xích chân cho đại bàng - P.V) cho nhiều anh em hội viên và nhất là… tham sở hữu nhiều loài chim này”, anh H. nói.
Như để minh chứng cho biệt danh này, anh H. kéo chúng tôi vào phòng làm việc, mở trang facebook cá nhân để khoe với chúng tôi danh sách rất nhiều người chơi đại bàng trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới mà anh đã liên hệ, kết bạn trong quá trình tìm hiểu về đại bàng cũng như giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc huấn luyện loài chim săn mồi này.
Khi chúng tôi hỏi: “Chúng là những loài quý hiếm có tên trong sách đỏ, cơ quan chức năng có cho phép nuôi không?”, cả anh H. và anh Đ. đều vô tư cho biết: “Mình nuôi chơi thì không sao, chỉ buôn bán mới bị bắt”! Vậy nhưng, khi anh bạn đồng nghiệp của chúng tôi tỏ ý nhờ mua giùm 1 con chim đại bàng với giá vừa phải dành cho chiến hữu mới vào “nghề”, anh H. cũng thẳng thắn nhận lời: “Trước đây mấy năm thì rất hiếm, khi đó có tiền cũng không mua được. Nhưng giờ thì nếu bạn cần, sáng tôi gọi điện là chiều sẽ có hàng, từ chim non, chim tơ đến chim bổi già. Nhưng nếu mới tập chơi thì tôi lấy cho chú đại bàng 6 tháng tuổi của thằng em ở Đà Lạt vì loại này dễ nuôi và dễ huấn luyện nhất. Giá rất… giao lưu, chỉ 7 triệu đồng”.
Khi anh bạn tôi băn khoăn liệu con chim đó có phải là đại bàng hay không, anh H. liền tiếp lời: “Đã là đại bàng thì phải có xương mắt và lông chân sâu đến tận bàn chân. Nếu nó không có những đặc điểm này thì tôi gửi trả lại ngay, ông đừng lo. Nói thật, ở Nha Trang cũng có mấy người nuôi chim nói là đại bàng, nhưng thực ra họ mua nhầm diều hoa”.
Đến các loài bò sát ngoại lai
Cách đây 4 - 5 năm, ở Nha Trang đã từng có khá nhiều người nuôi các loài bò sát có nguồn gốc từ nước ngoài như rồng Úc hay kỳ nhông Nam Mỹ… Nhưng không hiểu vì sao, chỉ một thời gian ngắn sau đó, phong trào này đã lụi tàn và chỉ còn lại vài người tiếp tục nuôi. Nhưng hiện nay đã khác, việc nuôi các loài động vật ngoại lai này làm cảnh thực sự đang quay trở lại không chỉ ở Nha Trang mà còn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Kỳ nhông Nam Mỹ được nhiều người nuôi nhất ở Nha Trang hiện nay. Ảnh: Nam Anh
Theo anh Trung, chủ một quán cà phê ở Nha Trang, người nuôi kỳ nhông Nam Mỹ từ 4 năm nay và hiện cũng xem như là người đi đầu trong phong trào nuôi động vật “lạ” ở địa phương: “Ngoài kỳ nhông Nam Mỹ, bây giờ nhiều người còn chuộng nuôi các loài bò sát ngoại lai khác như rồng Úc, rắn Mỹ, thằn lằn da báo (có nguồn gốc từ Tây và Nam Á). Hiện anh cũng đang nuôi đầy đủ các loài này, mỗi loài từ 1 - 4 cá thể và khá nhiều loài bò sát bản địa như kỳ đà, kỳ nhông…
Hỏi ra mới biết, anh Trung hiện là chủ shop order (giao dịch thông qua trang web), chuyên cung cấp các loài động vật (chủ yếu là các loài bò sát) cả bản địa lẫn ngoại lai. “Nếu khách cần hàng nguồn gốc bản địa thì sẽ có sớm, nhưng nếu những loài ngoại lai thì phải đặt cọc và chờ nhưng cũng không lâu lắm vì hàng của tôi lấy về từ Thái Lan, chỉ khoảng 7 - 10 ngày là có. Bây giờ phong trào nuôi các loại bò sát lạ khá mạnh, nhất là những loài có nguồn gốc từ nước ngoài như kỳ nhông Nam Mỹ nên tôi luôn bị hụt hàng. Tôi đã từng thử nuôi sinh sản đối với loài kỳ nhông Nam Mỹ nhưng chưa thành công vì tuy nó vẫn đẻ nhưng do điều kiện không thích hợp nên trứng không nở”, anh Trung cho biết.
Theo anh Trung, loài kỳ nhông này rất dễ nuôi và “thân thiện” với con người. Ảnh: Nam Anh
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài anh Trung, hiện nay ở Nha Trang còn có một số người chuyên cung cấp các loài động vật bò sát nói trên cho khách hàng nuôi làm cảnh, với giá từ 900.000 đến vài triệu đồng/con, tùy loài và kích cỡ, trong đó thấp nhất là kỳ nhông Nam Mỹ (900.000 đồng/con khoảng 150gram), cao nhất là thằn lằn da báo (1,5 - 2 triệu đồng/con to bằng ngón tay cái).
Những chủ hàng này giải thích nguyên ngân giá cao hơn khi mua của anh Trung là vì hàng của họ từ nước ngoài nhập về TP Hồ Chí Minh, rồi mới chuyển ra Nha Trang, còn hàng của anh Trung được chuyển trực tiếp từ Thái Lan về Nha Trang nên ít hơn một chặng cước phí? Chủ hàng tên Cường cho biết: “Ở TP HồChí Minh việc nuôi các loài động vật này làm cảnh rất phổ biến. Còn ở Nha Trang chưa đông lắm và người chơi chủ yếu là thanh thiếu niên và học sinh nên có lẽ phong trào này chưa chắc đã bền”.
Nhìn chung các loài động vật bò sát ngoại lai hiện có ở Nha Trang như: Rắn Mỹ, thằn lằn da báo, kỳ nhông Nam Mỹ, rồng Úc đều có màu sắc rất sặc sỡ, riêng các loài kỳ nhông, rồng Úc còn có hình dáng gai góc trông rất kỳ dị. Nhưng theo những người chơi, chính màu sắc sặc sỡ, hình thù kỳ dị cùng với đặc tính “thân thiện” với con người, không đòi hỏi cao về điều kiện chăm sóc là điểm hấp dẫn họ nuôi những loài này, dù giá cả không hề rẻ.
Thú chơi chim đại bàng và các loài động vật bò sát có nguồn gốc ngoại lai đang được xem là những thú chơi “độc”. Nếu như cái “độc” của thú chơi đại bàng là ở chỗ người chơi cảm thấy oai khi sở hữu loài chim mang biểu tượng sức mạnh “vương quyền”, hay nghĩ nó sẽ đem lại may mắn vì “đã có thần điêu, muốn bao nhiêu cũng có” như cách nói của anh H. và giới chơi loài chim này, thì cái “độc” của thú chơi các loài bò sát ngoại lai lại chỉ vì nó lạ, hiếm và trông có vẻ… kinh dị. Với việc nhiều người đang nuôi các loài động vật này một cách công khai và có xu hướng gia tăng, dư luận đang đặt câu hỏi, việc đó có vi phạm pháp luật và sẽ có tác động như thế nào đến hệ sinh thái bản địa, sau những bài học về động vật ngoại lai trong thời gian qua?
Đại bàng có 2 loại nằm trong phụ lục 1 và phụ lục 2 (sách đỏ) của danh mục các loài động, thực vật hoang dã quy định tại Công ước Cites (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp). Theo nghị định 32 CP, loài chim này nằm trong nhóm 2B, thuộc loài động vật quý hiếm.
Dù chưa rõ các cá thể chim cỡ lớn đang được nuôi ở thị trấn Vạn Giã có thuộc các đối tượng này hay không, nhưng qua những bức ảnh phóng viên cung cấp, ông Trần Minh Thu - Chi cục phó phụ trách Chi cục Kiểm Lâm Khánh Hòa khẳng định, chúng chính là đại bàng.
“Hiện chúng tôi chưa nắm được thông tin về tình trạng nuôi đại bàng hay các loài động vật rừng ngoại lai trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi sẽ sớm kiểm tra vấn đề này, nếu phát hiện việc nuôi nhốt các loài động vật hoang dã không được phép nuôi hay được phép nuôi có điều kiện mà không có giấy phép, sẽ xử lý nghiêm theo quy định”, ông Thu cho biết.
|
Bình luận (0)