Phụ nữ Giẻ Triêng của làng Lao Đu gùi hàng vào các bãi vàng.
Làng cửu vạn
Mưa lất phất. “Sáu râu”, biệt danh của người lái đò đưa tôi và cửu vạn làng Lao Đu vượt sông Thành Mỹ vào các bãi vàng của vùng cao Phước Hòa (Phước Sơn). Suốt cuộc hành trình là leo núi vượt suối trong cánh rừng nguyên sinh âm u, chằng chịt dây leo, bụi rậm. Tiếng côn trùng râm ran, vài tiếng tác của thú rừng vọng lại, lạc lõng. Nhiều đoạn đường rừng qua con dốc dựng đứng, một thân dù với hành lý đơn sơ là chiếc máy ảnh, cuốn sổ ghi chép nhưng chân tôi như đeo chì, bước không nổi.
Khổ nhọc là thế, nhưng trên chặng đường vào bãi vàng của Công ty TNHH Nguyên Thanh Đạt (khoảng 2 tiếng đồng hồ), nhóm phụ nữ Giẻ Triêng làng Lao Đu hơn 10 người gùi hàng thuê vẫn nói cười và hát như không hề thấy sự mệt nhọc nào trên khuôn mặt của họ.
Do không còn đất sản xuất, nhiều hộ đồng bào Giẻ Triêng trên địa bàn xã phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi. Đặc biệt, ở thôn Lao Đu có hơn 100 phụ nữ chuyên làm cửu vạn cho các bãi vàng, các công trình xây dựng nằm xa tít trong rừng. (Ông Nguyễn Chí Sâm - Chủ tịch UBND xã Phước Xuân) |
Những bao hàng nặng trên lưng như đè cả người họ xuống gần mặt đất. Người dân ở đây bảo rằng, nếu không có phụ nữ Giẻ Triêng của làng Lao Đu thì chẳng có ai gùi hàng tấn lương thực, thực phẩm, nước uống vào phục vụ cho hàng trăm công nhân lao động ở các bãi vàng ở vùng cao Phước Sơn.
Họ gùi cả xi măng, gạch, các dụng cụ, phương tiện phục vụ khai thác vàng chỉ để kiếm cái ăn, nuôi chồng, nuôi con. Các chị là người chủ thực sự của gia đình. Suốt ngày oằn lưng gùi hàng nên nhiều chị em chưa qua tuổi 30 mà đã mắc tật còng.
Thả bao gạo chừng 50kg xuống đường mòn, chị Hồ Thị Xiêm (34 tuổi) bộc bạch: “Nhà mình nghèo lắm, mình phải nuôi chồng và 3 đứa con. Làm rẫy không đủ ăn nên tranh thủ đi gùi thuê cho công ty để kiếm thêm tiền. Người nào khỏe mạnh cõng được nhiều ký thì có nhiều tiền. Mỗi ký hàng đưa vào đến nơi được trả 25 nghìn đồng”.
Theo chị Xiêm, bình quân mỗi ngày đi một chuyến, người nào sung sức lắm, cũng chỉ cõng tối đa 50kg một lượt.
Những chuyến gùi vác thuê, qua năm tháng, để lại những vết chai hằn trên vai chị Xiêm, không kém gì vết chai ở những bàn tay quanh năm cày cuốc.
Trưa, chúng tôi được mời ở lại bãi vàng ăn cơm cùng với Công ty TNHH Nguyên Thanh Đạt. Bữa cơm ở tận sâu thẳm rừng xanh này nhưng vẫn đầy đủ món “cao lương mỹ vị”, có cả thịt thú rừng, bia Heineken chất ngồn ngộn.
Đi rừng cả buổi, bụng đói cồn cào nhưng tôi không thể nào “thưởng thức” nổi một ly khi lởn vởn trong đầu tôi là những tấm lưng còng. Tất cả những gì hiện hữu ở đây, dường như đều có vị mằn mặn và mùi mồ hôi của những người đàn bà Lao Đu.
Trong những ngày công tác ở miền đất vàng, tôi thường gặp những phụ nữ Lao Đu lúc trời tối nhá nhem. Họ ngồi bên bờ suối, bãi sông, lúc nào cũng tất bật với công việc. Dáng vẻ cam chịu dường như bám riết cuộc đời họ.
Nỗi lo phía trước
Thời gian gần đây, khi Phước Sơn rộ lên “cơn sốt” trúng vàng ở các địa điểm khai thác mới, các công ty thăm dò, khai thác khoáng sản vàng thực hiện “kế hoạch” hoạt động dài lâu, nên nhu cầu cần người gùi hàng thuê luôn tăng cao.
Làng cửu vạn Lao Đu bây giờ có cả trẻ em cũng tham gia. Em Hồ Thị Dân (học sinh lớp 8, trường THCS Phước Xuân) tranh thủ ngày nghỉ học cùng mẹ cõng thuê hàng vào rừng.
Gặp em trên một điểm “dừng chân” vào bãi vàng, thấy dáng người gầy guộc, xanh xao tôi không khỏi âu lo. Dân tâm tình: “Trường em có hàng chục bạn đi cõng thuê. Sức em chỉ chịu nổi bao hàng 25kg thôi.
Đây là lần đầu tiên em đi cùng với mẹ cõng hàng thuê. Nhà em nghèo phụ giúp mẹ ngày nào hay ngày đó, chứ ở nhà ba em cứ suốt ngày uống rượu, rồi đánh đập, chửi bới mẹ con”. Vừa dứt lời, Dân đã rơm rớm nước mắt.
Trên vai gùi 40 - 50 kg hàng vượt rừng.
Đa số phụ nữ làm cửu vạn cho các bãi vàng thường đi theo nhóm từ 5 - 10 người, nhưng thi thoảng tôi vẫn bắt gặp một hai chị em đi riêng lẻ. Ở nơi rừng núi heo hút này, nỗi bất an, hiểm nguy luôn treo lơ lửng trên đầu nữ cửu vạn.
Một thời các bãi vàng ở Phước Sơn khét tiếng bởi các tệ nạn xã hội như xì ke, ma túy, mại dâm, cướp giật… Vì giành giật lãnh địa khai thác, giới thổ phỉ thanh trừng lẫn nhau. Không ít những cuộc đụng độ đẫm máu, chết chóc từng xảy ra ở “thánh địa vàng”. Tình trạng này vài năm trở lại đây có phần giảm do sự có mặt của các doanh nghiệp khai thác vàng.
Tại bãi vàng của Công ty TNHH Nguyên Thành Đạt có gần 100 lao động, hầu hết là nam giới. Một công nhân ở đây cho biết: “Công ty hiện không có công nhân nữ làm việc. Trước đây, công ty có thuê một vài chị lớn tuổi phục vụ nấu ăn. Nhưng một số công nhân khi uống rượu vào đã có thái độ sàm sỡ với các chị. Nhiều phụ nữ đến rồi lần lượt ra về, không ai dám ở lại lâu ngày tại các bãi vàng”.
Ông Võ Hưng Chương - Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Thành Đạt cho hay: “Ở môi trường toàn đàn ông nên sự thiếu thốn “tình cảm” là điều không tránh khỏi. Đơn vị đã từng thuê lao động nữ vào làm việc, nhưng sau lại thấy rất “nguy hiểm” nên tìm cách đưa các chị ra khỏi bãi vàng”. Thực tế, ở các bãi vàng vùng cao đã từng xảy ra nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm.
Cũng theo ông Chương, mỗi ngày có khoảng hơn 20 phụ nữ làng Lao Đu gùi hàng thuê cho công ty. Hàng hóa được tập kết ở bến đò ông Sáu (làng Lao Đu - PV), sau đó các đầu mối sẽ thuê người gùi hàng.
“Việc gùi hàng đều được trả “tiền tươi” trong ngày. Có người cõng một ngày hai chuyến kiếm vài trăm nghìn đồng, nhưng đa số là một chuyến” - ông Chương cho biết thêm.
Đêm bên sườn núi Trường Sơn dài vô tận. Gió gọi réo riết. Mọi người chìm vào giấc ngủ mê mệt sau một ngày lao động cực nhọc. Tôi mông lung nghĩ về cuộc đời khổ ải của những người đàn bà Giẻ Triêng cõng thuê. Không còn nhớ nổi khuôn mặt của người phụ nữ nào mà tôi gặp lúc ban chiều, nhưng lòng lại xót xa khi liên tưởng đến hình ảnh của không ít người đàn ông vùng cao suốt ngày uống rượu, hưởng thụ trên đôi vai gầy cõng thuê của vợ.
Bình luận (0)