Đàn chim trĩ của gia đình ông Đợi.
Từng công tác trong quân đội, năm 1996, ông Đợi nghỉ hưu và bắt đầu nuôi gà, ngan phát triển kinh tế gia đình. Thế nhưng khi mới nuôi, đàn gia cầm cứ gần được xuất chuồng lại bị chết bởi dịch bệnh gây thiệt hại không nhỏ.
Thất bại ấy khiến Dương Văn Đợi luôn trăn trở sẽ chuyển sang nuôi con gì đó có khả năng kháng bệnh tốt, thu nhập ổn định. Năm 2006, nhân chuyến tham quan tại huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) ông được “mục sở thị” mô hình nuôi chim trĩ đỏ và "kết" ngay loài vật này bởi lông chúng khá đẹp, tiếng hót độc đáo.
Ông bỏ ra hai triệu đồng mua một đôi về nuôi. Ngày ngày, ông chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận, sưu tầm tài liệu, sách báo rồi vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm nên chỉ sau thời gian ngắn chim trĩ bắt đầu đẻ trứng. Ông lấy số trứng đó cho gà ấp thử và tỷ lệ trứng nở đạt 100%.
Khi lượng trứng tăng lên, gà ấp không xuể, ông gửi trứng vào lò ấp. Bằng cách này, số lượng chim trĩ ngày càng tăng. Đến nay, đàn trĩ đỏ bố mẹ đã lên đến 22 con. Thông thường, nuôi khoảng 8 tháng, trĩ đỏ mẹ bắt đầu đẻ, bình quân 70-80 quả trứng/năm.
Giá trị kinh tế của loài chim này khá cao. Hiện nay, trứng chim được bán với giá 100.000 đồng/quả, chim non mới nở 120.000 đồng/con. Riêng trĩ đỏ trưởng thành có giá 2,8 triệu đồng/cặp.
Để việc tiêu thụ loài chim này thuận lợi, ông Đợi đã làm thủ tục và được cấp phép gây nuôi động vật hoang dã. Mỗi năm, trừ chi phí gia đình ông thu lãi gần 100 triệu đồng từ bán chim giống, trứng. Chia sẻ về kỹ thuật, ông Đợi cho biết, cách nuôi chim trĩ gần giống như nuôi gà.
Tuy nhiên, cần chú ý không nên nhốt hai con trống cùng chuồng, tránh hiện tượng mổ lẫn nhau. Khi thời tiết chuyển mùa cần trộn thuốc kháng sinh trị bệnh đường ruột vào thức ăn cho chim để phòng bệnh tiêu chảy. Thức ăn cung cấp chính cho trĩ đỏ là thóc, khi chim đẻ cần bổ sung cám đậm đặc của gà để vỏ trứng chim dày, hạn chế giập vỡ.
Được biết, thời gian tới, ông Đợi xây thêm chuồng trại, mở rộng quy mô đàn chim để nâng cao thu nhập.
Bình luận (0)