Nguyễn Văn Chí nghe tuyên án phúc thẩm.
Chí kể, gia đình ông nghèo lắm, chỉ biết lấy cái cực khổ mà chan cơm ăn. Năm 2012, nhờ chắt mót, vay mượn nhiều chỗ, ông mới mua được bầy vịt 250 con. “Nhà không có ruộng đất, tôi không dám nuôi nhiều. Sợ vịt cắn phá lúa người ta nên tôi đợi lúa cắt xong mới gầy đàn. Tôi tính, khoảng 3 tháng sau đã có thể bán được, quay đồng vốn kiếm chút đỉnh lời. Ai dè, vịt mới 1 tháng thì tôi phải vào tù… Cũng tại tôi nhậu!”.
Ngày 14-7-2012, Chí cùng bạn bè tổ chức lai rai tại nhà. Bốn người uống cạn 1,5 lít rượu thì mạnh ai nấy về. Đến 6 giờ chiều, trong người còn ngầy ngật hơi men, Chí lội bộ lại nhà Nguyễn Văn Tuấn (tự Toán, sinh năm 1987, ngụ cùng ấp) hỏi xin lúa chét cho vịt ăn. Tuấn lắc đầu, ra giá: “Mỗi công lúa chét là 20.000 đồng. Tui có 40 công đất, vị chi là 800.000 đồng, chịu thì lùa vịt tới, không thì thôi”.
Thấy cái ăn cho vịt sao mà khó khăn quá, Chí quày quả trở về, mà lòng tưng tức. Tới nhà ông L. hàng xóm, Chí ngồi xuống uống ly rượu rồi kể chuyện bực mình cho ông L. nghe. Trút mãi mà cái bực vẫn chưa hết, Chí quyết định trở lại nhà Tuấn để hỏi cho rõ: “Bây giờ mày nói lại lần nữa là mày có cho tao lúa chét không, hay là bán?”. Tuấn phẩy tay: “Ông xỉn rồi, về nhà đi”. Chí không những không về, mà còn đứng lại đôi co với Tuấn, trên tay thủ sẵn cây dao mác.
Chuyện đang đến cao trào thì Võ Văn Tâm (sinh năm 1973, ngụ Kiên Giang) đi bán rượu ngang qua, ghé vào hỏi chuyện. Thấy Tuấn bị Chí rượt chém nên Tâm kêu lại hỏi rõ đầu đuôi. Thấy chuyện không có gì, Tâm nạt Tuấn: “Mày đứng lại thử coi nó có dám đâm không!”. Vô tình, Chí nghe được.
Ít phút sau, Chí lại cầm dao đuổi chém “người thứ ba”. Người cha “thất thập” của Chí vội chạy theo năn nỉ con mình đừng làm điều rồ dại nhưng Chí không nghe, vẫn như điên như dại chém vào mặt Tâm. Cả hai vật lộn với nhau dưới đất. Tâm “lãnh” thêm 2 nhát chém vào người, trước khi cả hai được tách rời nhau.
Hậu quả, Tâm ra viện với tỷ lệ thương tật 12%, còn Chí đến cơ quan Điều tra đầu thú. Ông N.V.U, cha ruột Chí mang cái mác – hung khí của vụ án đến giao nộp cho Công an xã, lòng đau đớn tột cùng. Huân chương Kháng chiến hạng nhất (được trao tặng vì có công trong kháng chiến chống Mỹ) của ông chợt trĩu nặng, khi trở thành tình tiết giảm nhẹ cho con trong việc lượng hình…
Sau khi nhận 16 triệu đồng tiền bồi thường từ người nhà bị cáo, anh Tâm cũng mở lời xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho Chí. Cùng với nhiều tình tiết giảm nhẹ khác, Nguyễn Văn Chí bị Tòa án nhân dân huyện Tri Tôn tuyên phạt 3 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Ngay sau đó, Chí đã có đơn kháng cáo, với nội dung: Mức hình phạt ấy quá nặng, ông xin được giảm nhẹ để sớm trở về gia đình. Trong lúc chờ đợi Hội đồng xét xử nghị án tại phiên tòa phúc thẩm, ông Chí kể tôi nghe những nỗi khổ tâm dằn vặt suốt nhiều tháng qua: “Khi tôi bị xử sơ thẩm tại địa phương, cha mẹ tôi dự mà cứ ôm nhau khóc. Cả hai đều già yếu hết rồi, không ai chăm sóc lo toan, vậy mà tôi lại làm họ đau khổ thêm. Tôi có lỗi với cha mẹ mình nhiều lắm, nhất là mỗi khi nghĩ đến những chiến công của cha tôi đối với đất nước. Tôi còn có lỗi với vợ con mình, khi không lo cho họ cuộc sống đầy đủ mà còn gây ra chuyện lớn. Mai mốt tôi được về, nhất định tôi sẽ dạy con một điều: Phải luôn sống đàng hoàng, không vi phạm pháp luật. Mà biết con tôi có nghe tôi dạy không?”.
Tôi hỏi chuyện về bầy vịt, ông lắc đầu: “Lúc xảy ra chuyện, cả nhà bán tống bán tháo cả bầy để lo bồi thường thuốc men cho người ta còn không đủ, lấy đâu mà nuôi đến lớn? Bầy vịt rã, vốn liếng cũng hết. Vả lại nhà chẳng còn ai trụ cột, đứng ra tính toán chăn nuôi nên không gầy được đàn mới. Nhà giờ khổ cực hơn lúc trước!”.
Cuối cùng, Hội đồng xét xử tuyên bác kháng cáo của Nguyễn Văn Chí, y án sơ thẩm. Chí quay xuống nhìn số người thân ít ỏi đang ngồi dự khán, rồi gục đầu im lặng.
Bình luận (0)