Để có món ốc đặc sản đãi khách, đồng bào thường cùng nhau lặn lội vào trong rừng sâu, đi dọc các con suối để mò ốc. Gọi là ốc đá, bởi chúng thường bám dưới những hốc đá nằm sâu trong vũng nước, khe suối. Nhiều nhất là sau các đợt lũ. Không chỉ bám dưới hốc đá, ốc nhiều nhất ở dưới lớp rêu nước. Chỉ cần hất nhẹ đám rêu xanh, tha hồ lượm ốc vào giỏ, mang về làm thức ăn hoặc bán.
Đặc sản ốc đá vùng cao. Ảnh: LĂNG A CÚI
Có nhiều cách chế biến ốc như luộc chín, tách thịt ốc ra khỏi vỏ nấu cháo hay xào măng hoặc xào ốc trực tiếp với sả, ớt, gừng,… cùng vài gia vị khác, nhưng trước hết phải được tẩy nhờn bằng muối ăn, chặt đuôi ốc. Ở miền núi, ốc đá thường dùng làm mồi uống với rượu cần, tà vạt, tr’đin ngon không gì bằng!
Ngày trước, ốc nhiều, chỉ cần ngụp lặn khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ, một người có thể mang về vài ký ốc. Còn giờ đây, ốc đá cạn dần bởi môi trường bị tàn phá. Con suối Pho ngày xưa trẻ thơ tôi theo những chiều mò ốc chỉ còn là một bãi cát khô cằn hoặc là một vũng nước đầy rác thải. Phía thượng nguồn một vài con sông lớn như sông R’lang, A Vương,…, ốc cũng không còn nhiều. Nhiều khúc sông, những bãi đá đứng lô nhô trên một bãi bồi trơ đáy. Bởi vậy, lên vùng cao được tiếp đãi bằng những món ốc đá xào sả mới thấy giá trị tình cảm và tấm lòng của người dân miền ngược dành cho những vị khách của mình.
Anh Tạ Vĩnh Yên, cán bộ tỉnh đoàn nói mỗi món ăn có hương vị đặc trưng khác nhau là cả tấm lòng của đồng bào dành cho khách quý của buôn làng, nhưng thích nhất vẫn là món ốc đá. “Vị cay của sả thấm trong thịt ốc chắc, béo, ăn rất tuyệt” - anh Yên nói.
Bình luận (0)