xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ông già “phong sương mấy độ qua đường phố”

Theo PHƯƠNG NAM - TRẦN PHƯỚC (Vĩnh Long Online)

Trong khói sóng mênh mông/Có bóng người vô danh/Từ bên này sông Tiền/Qua bên kia sông Hậu/Mang theo chiếc độc huyền/Điệu thơ Lục Vân Tiênvới câu chữ/“Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả…”

img
Du khách bên bài thơ nổi tiếng “Hương rừng Cà Mau” của Sơn Nam thể hiện bằng nét thư pháp.
 
Theo Quốc lộ 57, chúng tôi đi từ phà Đình Khao, qua Hàm Luông, Rạch Miễu đến Mỹ Tho thấy đã có những chiếc cầu nối đôi bờ. Tưởng chừng vẫn còn đâu đó những người đi mở cõi “Cất chòi đốt lửa giữa rừng thiêng/ Muỗi vắt nhiều hơn cỏ/ Chướng khí mù hơi sương”. Và những chuyến tàu lửa Mỹ Tho một thời như còn thấy “ông già Nam Bộ” ngoắt ngoắt tay khi hồi còi tàu nôn nao cập bến…
 
Đó là những chuyến tàu lửa chiều thứ bảy những năm 1959- 1960, đưa nhà văn Sơn Nam (1926- 2008) về thăm vợ con ở Mỹ Tho. “Ông ở Sài Gòn, viết cho các báo Nhân loại, Công lý, Ánh sáng, Tiếng chuông, Lẽ sống... Đường tàu chạy ngang nhà, chiều thứ bảy vợ tui và các em luôn đứng trước cửa nhà trông ba. Ông thường ngó đầu qua cửa sổ đưa tay ngoắt ngoắt. Xuống ga ở vườn hoa Lạc Hồng bây giờ, rồi cuốc bộ về nhà. Ông mang theo chút bánh kẹo, búp bê… làm quà cho con nhỏ”- anh Trần Đức Nghị, con rể nhà văn Sơn Nam, chồng chị Đào Thúy Hằng- cô con gái cả của nhà văn, kể về ông như chính cha ruột của mình.
 
“Ở Mỹ Tho, má vợ tôi dạy học, tằn tiện nuôi ba đứa con. Ba lâu lâu mới về một lần, rong rủi tháng ngày. Vậy mà má không hề cằn nhằn ba, còn dặn các con: “Ba bay là nhà văn mà… tánh ổng phải vậy”.
 
Câu chuyện bị cắt ngang, anh Đức Nghị ra chào đoàn khách từ Bình Định vào tận Mỹ Tho ghé thăm Nhà lưu niệm Sơn Nam (xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, Tiền Giang). Thắp nén hương trầm thơm ngát, một người cất giọng đọc bài thơ Hương rừng Cà Mau uyển chuyển, nhấn nhá theo nét thư pháp mềm mại. Đôi lúc dừng lại giảng giải cho những người bạn miền Trung hiểu nỗi hoài hương “thân không là lính thú/ sao chưa về cố hương”.
 
“Hương rừng Cà Mau” là bài “Thay lời tựa” tập truyện ngắn nổi tiếng cùng tên (xuất bản năm 1962). Bài thơ độc đáo, mang âm điệu buồn buồn, da diết của người xưa khai hoang mở cõi phương Nam. Và gia đình đã “vịnh” bài thơ này, để thiết kế và xây dựng nhà lưu niệm “ông già Nam Bộ”.
 
Anh Đức Nghị nói: Ý định này đã bàn với ba từ 2 năm trước khi ông mất và cũng đã được ông đồng ý. Cất nhà trước là thờ phượng, nhang khói, sau để lưu giữ khối tài sản tinh thần đồ sộ của ông, làm nơi cho bạn hữu ái mộ văn chương lui tới. Nhưng nhà văn Sơn Nam sinh thời tuy nghèo mà… rất sang. Vậy nên, “chúng tôi đã nghiên cứu, tìm tòi rất kỹ kiến trúc nhà Nam Bộ xưa để xây cất. Không gian xung quanh cũng được chăm chút, có bờ tre, bến nước, có cây đước, cây vẹt... Nhà day mặt ra bến sông Bảo Định có hàng bần, xa xa thấp thoáng bóng dừa nước…”
 
Tuổi thơ nhà văn Sơn Nam sống giữa hương sắc rừng U Minh (ông sinh ở miệt thứ Đông Thái, Gò Quao, Kiên Giang) với cỏ cây, sông nước. Đó chính là vốn sống và nguồn cảm hứng vô tận cho nhà văn và được ông thể hiện trong các tác phẩm sau này. Có một nét đặc biệt của nhà văn Sơn Nam là tuy sống và làm việc 50 năm ở Sài Gòn- TP Hồ Chí Minh nhưng ông không biết đi xe đạp, xe máy.
 
“Phong sương mấy độ qua đường phố”, vẫn chân đất, cuốc bộ, đã thành biệt danh đáng yêu “Ông già đi bộ khắp ngõ ngách Sài Gòn”. Chính những bước chân túc tắc trên các nẻo phố phường cùng với sự thu lượm khảo cứu kỹ càng đã giúp làm nên những trang viết đặc sắc, công phu về đất và người Nam Bộ. 
 
Ông miệt mài đi, miệt mài viết, miệt mài làm “pho từ điển sống” của đất Nam Bộ với những công trình biên khảo về vùng đất mà: “Trong ký ức của những người Sài Gòn cũ, người Nam Bộ cũ vẫn còn lưu giữ nhiều ấn tượng trong việc vật lộn với thiên nhiên, chinh phục thiên nhiên trong những ngày đầu mở đất, mở nước”. Tác phẩm đầu tay là tập thơ “Lúa reo” xuất bản năm 1948. Tiếp theo là rất nhiều tập truyện ngắn, bút ký, hồi ký.
 
“Hàng tháng, vợ chồng tôi vẫn thường lên Sài Gòn thăm, mời ông uống cà phê và nhét tiền vào túi ba. Vậy chớ, chút xíu là ba xách tiền cho người khác. Thấy ba mặc áo phong phanh, mua cái áo mới ba cũng không chịu. Ba nói, như cây kiểng thì phải sống èo ọt, chớ cứ lo tưới phân, vô đất miết thì nó làm sao thành kiểng!”
 
“Có lần, ba gọi điện nói đi Hà Nội họp, mấy đứa gửi ba chút đỉnh xài chơi, để ra ngoải không có xài người ta nói… mình nghèo. Tôi nhờ chú em ở Sài Gòn đưa trước cho ông, ông viết “biên nhận”, chúng tôi lưu giữ đến giờ làm kỷ niệm”. Nên bên cạnh gia tài tác phẩm đồ sộ của ông tại nhà lưu niệm, điều thú vị là đọc được bút tích của ông trên giấy học trò, những câu chuyện rất đời thường, rất riêng.
 
Là con rể, quê miền Trung, nhưng anh Đức Nghị nói anh thật sự ngưỡng mộ tài năng của “ông già Nam Bộ”, và qua đó anh cũng yêu hơn miền đất và con người nơi đây- quê hương thứ hai của anh. Anh nhớ vanh vách các tác phẩm Sơn Nam và tự hào: “Ông là một tài năng hiếm có, vừa là nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, thậm chí là nhà lịch sử”. Anh say sưa ngâm nga bài Hương rừng Cà Mau, thỉnh thoảng dừng lại giải thích, phân tích ý nghĩa từng câu chữ…và “đọc Sơn Nam để thấy sự gian khổ của những người đi khẩn hoang. Cái tình thì mênh mông mà sức người có hạn. Nên phải nỗ lực rất lớn, tình người rất rộng mới có thể trụ lại được”. Quả thật, với hơn 50 tác phẩm nghiên cứu và văn học, Sơn Nam đã “vạch một chân trời” về đất và người Nam Bộ dành cho hậu thế.
 
Ngoài sân, nắng vàng tươi rạo rực trên thảm cỏ xanh… lời thơ vẫn ngân nga “Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê…”

img

Chân dung nhà văn Sơn Nam.
 
Nhà văn Sơn Nam đã để lại một gia tài đồ sộ những tác phẩm, mang đậm dấu ấn của “Nhà Nam Bộ học”. Tiêu biểu: “Chuyện xưa tích cũ” (1958), “Tìm hiểu đất Hậu Giang” (nghiên cứu, 1959), “Hương rừng Cà Mau” (1962), “Chim quyên xuống đất” (1963), “Hình bóng cũ” (1964), “Vạch một chân trời” (1968), “Gốc cây- Cục đá & Ngôi sao” (1969), “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, “Đình miếu & lễ hội dân gian miền Nam”, “Danh thắng Miền Nam”, “Theo chân người tình & một mảnh tình riêng”,...
 
Truyện ngắn “Mùa len trâu” trong tập truyện “Hương rừng Cà Mau” đã được đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh gặt hái thành công lớn, giành nhiều giải thưởng liên hoan phim quốc tế. Nhà văn Sơn Nam bộc bạch: “Tôi hãnh diện, được thấy cái phim này, đối với đồng bào ở ĐBSCL, tôi đã trả được một món nợ tinh thần. Tôi là một đứa con có hiếu với dân ở dưới”.
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo