Từ đầu năm đến nay, Công an huyện Mang Yang đã làm rõ, khởi tố 21 vụ, với 26 bị can là phạm nhân của Trại giam Gia Trung.
Thà chết không khai
Cuối tháng 1-2010, phạm nhân Lưu Chí Thiện (SN 1974, trú tại quận Bình Thạnh, TPHCM) đang thụ án 12 năm tù về tội mua bán, chứa chấp sử dụng chất ma túy trái phép. Dù chỉ còn vài ngày là được ra tù, nhưng Thiện vẫn tìm cách liên hệ với các đối tượng bên ngoài cung cấp ma túy mang vào trại giam.
Để tránh sự phát hiện của cán bộ quản giáo, Thiện nhét ma túy vào hậu môn để đưa vào trại. Tuy nhiên hành động của Thiện không thể qua mắt cán bộ quản giáo, vụ án bị khởi tố, chuyển lên Cơ quan Điều tra Công an huyện Mang Yang…
Kiểm tra phạm nhân trước khi về buồng giam. Ảnh: Văn Nhung
Tiếp xúc với Thiện, cảm nhận đầu tiên của Đại úy Trần Văn Lực-điều tra viên (Công an huyện Mang Yang) về phạm nhân này là sự ngoan cố và xảo biện. Thiện kiên quyết không nhận tội.
Bằng kinh nghiệm hơn 9 năm làm cán bộ quản giáo, Đại úy Lực vẫn kiên trì đấu tranh tâm lý với đối tượng, sau gần một ngày Thiện vẫn không khai, nhưng biết không thể nào thoát tội, tối hôm đó Thiện đã dùng dao lam thủ sẵn trong người tự cắt cổ mình để tự vẫn.
Được cán bộ quản giáo Trại giam phát hiện, đưa đi cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng. Những ngày sau đó, Thiện đã thú nhận hành vi phạm tội của mình.
Thiện nói: “Tôi đã hứa với mẹ mình không bao giờ liên quan đến ma túy, nhưng đã tái phạm nên tìm đến cái chết để không phải ân hận khi gặp lại mẹ”.
Về sự liều lĩnh và xem thường mạng sống thì phạm nhân Phạm Huy Hoàng (SN 1978, trú tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) thuộc diện… xưa nay hiếm. Thụ án 8 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy và Hoàng được liệt vào dạng “có số”.
Từ ngày 29-8 đến ngày 19-9-2010, Hoàng cùng Tống Văn Quốc (SN 1978, trú tại huyện Củ Chi, TPHCM), Nguyễn Văn Hiền (SN 1979, trú tại tỉnh Bình Thuận) liên tục đánh đập phạm nhân Đào Duy Anh, khiến phạm nhân này bị vỡ lá lách.
Khi Cơ quan Điều tra xét hỏi, dù Hiền và Quốc đã khai nhận hành vi phạm tội, nhưng Hoàng một mực không khai. Đến ngày 5-4-2011, khi đang xét hỏi bất ngờ Hoàng dùng 1/2 lưỡi dao lam thủ sẵn trong túi tự rạch bụng và nhiều nhát vào tay để thể hiện sự lỳ lợm của mình. Dù vậy, cuối cùng cũng không thể chối cãi trước những bằng chứng phạm tội mà Cơ quan Điều tra thu thập được.
Những cuộc “đua nóng”
Theo tiếng lóng của các phạm nhân tại Trại giam Gia Trung, “đua nóng” có nghĩa là trốn trại. Các phạm nhân Mang Cường (SN 1986), Trần Văn Thái (SN 1981, trú tại tỉnh Bình Thuận), Trần Thanh Nam (SN 1985, Đak Lak), Nguyễn Văn Thắng (SN 1989, Kon Tum) và Phạm Tuấn Thanh, cả 5 phạm nhân này đang thụ án tù từ 20 năm đến chung thân.
Khoảng 16 giờ ngày 8-11, khi sắp đến giờ nhập trại sau thời gian lao động, Cường bàn bạc việc tổ chức “đua nóng” với các đối tượng và được tất cả đồng ý. Khi Cường hô chạy, cả 5 đối tượng vượt qua nhiều lớp hàng rào, dù cán bộ bảo vệ trại bắn chỉ thiên nhưng vẫn không phạm nhân nào dừng lại, buộc lực lượng bảo vệ phải nổ súng làm Trần Văn Thái bị thương ở tay trái và Phạm Tuấn Thanh bị trúng đạn vào đùi gục tại chỗ.
Sau khi thoát khỏi khu vực trại, ba đối tượng còn lại tiến sâu vào rừng để tìm đường tẩu thoát. Cuộc vây bắt diễn ra suốt 10 giờ, cuối cùng Cường, Nam và Thắng bị bắt trở lại trại giam để chờ ngày đón nhận bản án mới.
Có đối tượng ngày ra tù cũng là ngày phải quay trở lại trại giam như trường hợp của Hoàng Phương Nam (SN 1983, TP Vũng Tàu). Nam bị bắt ngày 11-11-2000 phải thụ án 12 năm về tội giết người.
Ngày 29-8-2011, khi đang cải tạo tại phân trại 3, Nam dùng lưỡi liềm rạch mặt phạm nhân Nguyễn Đình Hội gây thương tích 15%.
Đến ngày 28-10, Trại giam Gia Trung gửi quyết định khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ lên Cơ quan Điều tra làm rõ. Và, ngày Nam ra tù (1-11-2011) cũng là lúc đối tượng tra tay vào còng để trả giá cho hành động côn đồ của mình.
Đại tá Trần Văn Thọ- Trưởng Công an huyện Mang Yang cho biết: “Hầu hết số vụ án xảy ra trong Trại giam Gia Trung đều khá phức tạp, nhất là những án về ma túy, vì các đối tượng phạm tội đều có tiền án, tiền sự nên hành vi phạm tội rất liều lĩnh và ngoan cố. Việc xác định được những đối tượng bên ngoài tiếp tay cũng rất khó khăn.
Để điều tra làm rõ hành vi của loại tội phạm này, chúng tôi thường cử những điều tra viên có kinh nghiệm. Cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo Công an huyện và lãnh đạo Trại giam Gia Trung nên nhiều vụ án nhanh chóng được làm rõ…”.
Bình luận (0)