Rạng sáng 11-7, tại một địa điểm trên đường Trần Phú (TP.Vũng Tàu), trinh sát đặc nhiệm phòng chống tội phạm và ma túy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã ập vào bắt quả tang Đào Văn Đạt (sinh năm 1986, hộ khẩu thường trú tại xã Hải Quang, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) và Phạm Văn Duy (sinh năm 1967, hộ khẩu thường trú tại đường Trại Chuối, TP.Hải Phòng) đang vận chuyển trái phép hàng chục khẩu súng hơi hiệu Sharp Innova, mỗi khẩu dài khoảng 1,2m.
Qua đấu tranh, Đào Văn Đạt và Phạm Văn Duy khai nhận, cả hai đều là thủy thủ tàu Hải Phòng 05 (thuộc một công ty vận tải biển có trụ sở đóng tại TP.Hải Phòng, do ông Thái Thanh Quý, sinh năm 1965, hộ khẩu thường trú tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, làm thuyền trưởng).
Khoảng cuối tháng 6-2013, khi tàu Hải Phòng 05 cập một cảng tại Indonesia, Đạt và Duy đã mua số súng nêu trên, sau đó mang xuống tàu cất giấu. Tối 10-7, tàu Hải Phòng 05 từ nước ngoài về cập cảng PTSC (phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu). Tại đây, hai đối tượng này đã chuyển súng từ tàu Hải Phòng 05 xuống một chiếc ghe nhỏ chở vào khu vực Bến Đình (TP.Vũng Tàu) cất giấu. Sau đó, Đạt và Duy vận chuyển súng đi bán thì bị trinh sát Bộ đội Biên phòng tỉnh bắt giữ.
Mở rộng điều tra, ngay trong sáng 11-7, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triệu tập 4 thủy thủ khác của tàu Hải Phòng 05 lên làm việc, gồm: Đặng Văn Năm (sinh năm 1974, trú tại xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), Nguyễn Văn Đạo (sinh năm 1985, trú tại xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), Lý Nhật Thuần (sinh năm 1984, trú tại xã Tân Dương, huyện Định Hào, tỉnh Thái Nguyên) và Trần Xuân Thành (sinh năm 1976, trú tại xã Thạch Mỹ, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh).
Sau nhiều giờ đấu tranh, 4 đối tượng này thừa nhận đã cùng với hai thuyền viên Đạt và Duy mua hàng chục khẩu súng hơi từ nước ngoài về Việt Nam bán kiếm lời. Từ lời khai của các đối tượng, đến chiều ngày 11-7, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thu giữ tất cả 23 khẩu súng hơi đều mang nhãn hiệu Sharp Innova.
Tại cơ quan Biên phòng, thủy thủ Lý Nhật Thuần khai nhận, mỗi khẩu súng hơi hiệu Sharp Innova mua tại Indonesia có giá khoảng 60 USD, nếu mang trót lọt về Việt Nam bán thì sẽ lời hàng trăm USD/khẩu.
Đại tá Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm và ma túy Bộ đội Biên phòng tỉnh, cho biết: Qua điều tra ban đầu, đây là vụ việc phức tạp. Các đối tượng mua súng hơi từ nước ngoài mang về Việt Nam với mục đích kinh doanh để kiếm lời chứ không phải để sử dụng hay biếu, tặng. Do vậy, Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong suốt quá trình điều tra mở rộng vụ án này.
Theo nguồn tin của phóng viên, hiện Bộ đội Biên phòng tỉnh đang phối hợp với lực lượng Hải quan khẩn trương hoàn tất các thủ tục pháp lý để tiến hành khám xét tàu Hải Phòng 05.
Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30-6-2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định: súng hơi là một loại vũ khí; nghiêm cấm việc chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu trái phép vũ khí; tổ chức, cá nhân phải khai báo, giao nộp vũ khí cho cơ quan quân sự, công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất trong các trường hợp không thuộc đối tượng được trang bị, sử dụng theo quy định mà có từ bất kỳ nguồn nào hoặc phát hiện, thu nhặt được. |
Bình luận (0)