Người Quảng nói tiếng Việt mà vẫn phải dùng phụ đề tiếng Việt?
Câu hỏi rất đỗi nhẹ nhàng mà vẫn nghe dường như có chút gì hài hước, có chút gì... kỳ cục, có chút gì gợn lên trong lòng tôi cái cảm giác bùi ngùi của một người Quảng “rin”, Quảng “rẹt”...
Thực ra tiếng Quảng rất khó nghe, người trong cùng một tỉnh mà giữa miền biển và miền ngược, giữa Tiên Phước và Núi Thành, giữa Quế Sơn và Thăng Bình... khi nói chuyện, buôn bán, trao đổi cũng thấy tiếng nói xứ mình đã khác. Khác trong giọng điệu, khác trong cách phát âm và khác cả việc dùng phương ngữ. Tuy nhiên, trong sự khác ấy vẫn chung cái chân chất, thô mộc mà không biết có phải vì thế ngày xưa “học trò trong Quảng ra thi” mới làm dùng dằng bước chân mấy cô gái Huế đất thần kinh đầy kiêu kỳ?
Có một câu chuyện tiếng Quảng liên quan đến bài hát “Quảng Nam yêu thương” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Trong lời bài hát này có câu: “Đất Quảng Nam chưa đi đã nhớ/ Chớ em nói ngọt ngào vừa gặp gỡ mà đã yêu”. Sau đó từ “ngọt ngào” được đổi thành từ “đậm đà” vì qua sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam, tác giả tâm sự (khá hài hước) là người Quảng Nam phát âm ngọt ngào thành “ngọt ngồ”, nên đổi thành đậm đà cho dễ hát! Không biết bây giờ bác Phan có còn nhớ câu chuyện vui mấy mươi năm trước không, nhưng nó vẫn là một ấn tượng trong lòng tôi mỗi khi nghe bài hát này. Đúng là người Quảng vẫn nói thế, phát âm sai thế nhưng đổi một từ mà sao lòng tôi lại thấy thương thương cái tiếng xứ mình chi lạ.
Bạn tôi người Hà Nội mỗi lần trò chuyện với tôi là cứ bảo tôi nói “như chim hót”, tôi biết đó không hẳn là một lời khen nhưng nó cũng chẳng thể là một cách giễu cợt. Trong cái ngữ điệu rổn rảng nhà quê đó, chúng tôi vẫn trao đổi với nhau biết bao nhiêu thông điệp mà tiếng nói của người mẹ Việt trong từng đứa con không hề cảm thấy e ngại. Nói chuyện với bạn Hà Nội không thấy ngại mà có lần, gặp lại người bạn học cũ là người cùng quê vào Sài Gòn làm ăn mấy năm trở về thì cái miệng lại như mở không ra. Bạn cũ người Quảng gốc mà giờ đây nói rặt giọng thành phố, kể cả cái câu cảm thán “chời ơi, mầy chẳng thay đổi gì cả” cũng khiến mình nghe y như là đang đứng trước một người nào lạ hoắc lạ huơ!
Tiếng nói là công cụ giao tiếp hữu dụng đặc biệt, có tiếng nói rảnh rang, có tiếng nói dịu dàng dễ nghe, có tiếng nói như búa bổ mà cũng có tiếng nói như khuyến dụ người nghe “nuốt từng lời”... Người Quảng nói tiếng Việt mà phải dùng phụ đề cũng là chuyện thường, bạn sống ở thành phố lâu năm không nói tiếng quê nhà nữa cũng là chuyện thường. Chuyện thường mà thi thoảng cũng pha chút ngộ nghĩnh. Chứ chẳng phải tuần trước, VTV6 phát chương trình “Tuổi trẻ và Tổ quốc” có thí sinh là người Quảng Nam đứng lên dõng dạc: “Em xin trả lời câu hỏi của nhà bố Tạ Bích Loan” làm cả trường quay cười rần rần đó sao?!
Bình luận (0)