xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quảng Ninh: Xã hội đen "làm luật" các sô diễn, lộn xộn do đâu?

Theo Ngọc Mai (Quảng Ninh Online)

Việc một số đoàn biểu diễn nghệ thuật bị đòi "bảo kê", "làm luật" khi đến biểu diễn tại TP Hạ Long thời gian gần đây đã khiến dư luận xôn xao lo ngại.

Từ đây cũng cho thấy sự buông lỏng trong quản lý của các đơn vị chức năng một thời gian khá dài ở lĩnh vực vốn luôn tiềm ẩn sự phức tạp như hoạt động biểu diễn nghệ thuật, nhất là ở các liveshow có sự tham gia của các ngôi sao, các ca sĩ đang "ăn khách" cả trong nước và nước ngoài.

img

Ca sĩ biểu diễn trong các nhà hàng, vũ trường hiện đang bị “thả nổi”   
 
Sự phức tạp tiềm ẩn

Ngày 12-7-2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2010/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động văn hoá. Tại mục 3 của Nghị định này quy định về hành vi vi phạm, hình thức và mức phạt trong hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng. Tuy nhiên, trong các điều thuộc mục 3 không nêu trường hợp biểu diễn nghệ thuật không đăng ký với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch sở tại.

Đã hàng chục năm trôi qua nhưng có lẽ nhiều người vẫn chưa thể quên được vụ các "holigan" của Cẩm Phả gây rối, đập phá khi một live show ca nhạc tổ chức ở đây quảng cáo có dàn ca sĩ hàng "sao" nổi tiếng biểu diễn mà họ đợi mãi... không thấy. Từ đó đến nay, việc các "bầu sô", các công ty tổ chức biểu diễn nghệ thuật tổ chức live show theo kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó" như thế thi thoảng vẫn diễn ra dù chiêu thức "lừa" khán giả đôi chỗ có thay đổi và sự phẫn nộ, kích động của khán giả cũng chưa bị đẩy đến những hành xử tiêu cực như trên. Dù vậy, đây vẫn luôn là một trong những nguy cơ hàng đầu tiềm ẩn sự phức tạp trong việc quản lý các hoạt động biểu diễn nghệ thuật từ trước đến nay.

Các live show là hoạt động văn hoá giải trí nên thường thu hút đông người và tác động rất mạnh đến nhận thức, thái độ của khán giả. Điều đó dễ dẫn đến nảy sinh một số vấn đề phức tạp. Đồng thời, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các đoàn nghệ thuật, các công ty tổ chức biểu diễn cũng góp phần không nhỏ vào sự phức tạp chung này. Việc các công ty tổ chức biểu diễn thuê người để "phá" chương trình diễn của đối phương đã từng diễn ra dưới các hình thức như gây khó dễ, đòi tiền "làm luật", xé phướn, băng rôn quảng cáo...

Thêm nữa, việc cấp phép biểu diễn, giám sát, kiểm tra nội dung chương trình và ca sĩ hiện nay cũng có những lỗ hổng nhất định. Việc kiểm tra hợp đồng giữa các đơn vị tổ chức biểu diễn với các ca sĩ trước khi cấp phép dường như còn khá lỏng lẻo, là một kẽ hở cho các đơn vị "tự tung, tự tác".
 
Bởi lẽ, nếu chương trình đã được đơn vị chủ quản của Bộ hay Sở nơi đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật đứng chân cấp phép thì khi đến địa phương, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh sẽ chỉ căn cứ vào đó để cấp giấy tiếp nhận biểu diễn nghệ thuật. Trách nhiệm hậu kiểm về quảng cáo băng rôn, xe loa, nội dung chương trình, ca sĩ v.v... lúc này thuộc về phòng văn hoá thông tin cấp huyện.
 
Nan giải nhất là kiểm tra các ca sĩ có đúng như đăng ký hay không trước đêm diễn lâu nay gần như không thực hiện được, chỉ khi phát hiện thấy có sai phạm mới kiểm tra. Nhưng ngược lại phó thác trách nhiệm này cho đơn vị tổ chức biểu diễn sẽ là con dao hai lưỡi.
 
Và nếu như live show có thiếu một, hai ca sĩ đang "ăn khách" thì cũng là "việc đã rồi", chỉ có thể lập biên bản, phạt hành chính, nặng hơn là ra thông báo về Cục Nghệ thuật biểu diễn để chương trình không được tiếp tục biểu diễn ở những nơi khác là hết, còn ngay lúc ấy gần như không thể dừng vì chương trình đang phục vụ khán giả. Đây là lỗ hổng trong việc quản lý các hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chỉ ở Quảng Ninh mà là thực trạng chung của cả nước.

img

Kiểm soát các băng rôn quảng cáo live show là một trong những cái khó hiện nay. Ảnh: Hữu Duy
 
Trách nhiệm thuộc về ai?
 
Theo ước tính, số lượng các chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên diễn ra hàng năm trên địa bàn tỉnh khá lớn, lên đến hàng trăm và tập trung nhất ở TP Hạ Long. Nhưng những vấn đề phức tạp chỉ xảy ra ở các live show ca nhạc là chính dù một năm cả tỉnh cũng chỉ có khoảng 10 chương trình live show.
 
Thường các ông bầu nắm bắt tâm lý khán giả cũng phải ngơi một, hai tháng sau live show gần nhất để thu hút người xem nhiều hơn. Tất nhiên điều đó là hợp lý để đảm bảo doanh số cho đêm diễn. Nhưng cũng để có doanh số cao thì họ lại chẳng "vui vẻ" gì nếu có một công ty khác cứ nhăm nhe tổ chức live show gần sát với thời điểm diễn của mình, đồng nghĩa với nguy cơ chia khách có thể xảy ra. Để hạn chế điều đó, họ sẽ thuê người "phá" chương trình của đối phương mà việc xé phướn, băng rôn quảng cáo của Đoàn ca múa Hải Phòng diễn ra vào đầu tháng 6 vừa qua là một ví dụ.
 
Việc các đoàn thuê "đầu gấu" "bảo kê" cho live show đã tạo tiền lệ cho các đối tượng này lộng hành, đòi xin vé, "bảo kê", "làm luật" ở một số live show sau đó.
 
Điều đáng suy nghĩ nữa là qua việc tìm hiểu các sự việc tiêu cực diễn ra ở các live show gần một năm trở lại đây thì lực lượng công an trên địa bàn thường bị gạt ra trong các diễn biến quan trọng. Cụ thể như Cung Văn hoá Lao động Việt - Nhật khi làm hợp đồng thuê điểm với các bầu sô thường có đề nghị phối hợp với công an trên địa bàn nhưng các đơn vị tổ chức thường bỏ qua việc này.
 
Và nếu lực lượng công an có mặt cũng là vì trách nhiệm thường xuyên chứ không phải vì đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật chủ động đề nghị phối hợp để đảm bảo an ninh trật tự cho đêm diễn.
 
Để duy trì trật tự cũng như kiểm soát doanh thu bán vé, các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật thường thuê công ty vệ sĩ hoặc dân "xã hội đen". Nhưng chính họ không lường được tình huống "gậy ông đập lưng ông" mà Công ty TNHH Dịch vụ thương mại, thông tin truyền thông Phúc Long đã phải gánh.
 
Vào đêm diễn ngày 8-11-2010, đội "vệ sĩ" này đã nhận là người của ban tổ chức và tùy tiện cho người của chúng vào ngồi ở ghế vé mời, gây sự với nhân viên Cung Văn hoá Lao động Việt - Nhật khi bị mời ra...
 
Đến live show gần đây nhất diễn ra vào ngày 15-7 có sự góp mặt của ca sĩ Quang Lê, Nguyễn Cao Kỳ Duyên..., sau bao "sóng gió" ở các live show trước đây, đơn vị tổ chức biểu diễn mới chính thức chủ động đề nghị lực lượng công an trên địa bàn hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự. Và hiệu quả là rõ ràng, buổi diễn dù kéo dài đến khuya, khán giả lên tới hàng nghìn người nhưng an ninh trật tự đã được đảm bảo rất tốt.
 
Được biết đa phần các đơn vị tổ chức biểu diễn tự dàn xếp khi bị đe doạ, đòi "bảo kê", "làm luật"... chứ trước, trong và sau khi sự việc diễn ra không trình báo, đề nghị sự can thiệp của cơ quan công an. Chỉ duy nhất trường hợp của Đoàn Ca múa Hải Phòng là trình báo sự việc đến Đội trọng án Công an tỉnh nhưng sau khi hủy buổi diễn vì doanh thu thấp, các cán bộ của đoàn được mời đến làm việc, cung cấp thông tin về nhóm đối tượng gây rối thì họ lại vắng mặt, không hợp tác...
 
Như vậy là, để bức tranh hoạt động biểu diễn nghệ thuật sáng dần lên, các ngành chức năng cần phối hợp siết chặt hơn nữa trong khâu quản lý, bên cạnh đó thì chế tài dành cho các đoàn nghệ thuật, các công ty tổ chức biểu diễn nghệ thuật cũng cần mạnh hơn nữa nhằm lành mạnh hoá thị trường biểu diễn trong xu thế cạnh tranh mạnh mẽ hiện nay.
 
Ý kiến người trong cuộc
 
* Ông Hoàng Quốc Thái, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ninh:
Các địa phương cần được tăng cường về nhân lực và chủ động trong hoạt động hơn nữa

Để có thể quản lý tốt hơn hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp trên địa bàn TP Hạ Long nói riêng, toàn tỉnh nói chung, theo tôi, sự phối kết hợp trong quản lý giữa cấp Sở và địa phương cần chủ động, tích cực hơn nữa.

Riêng với cơ quan chức năng địa phương cũng cần chủ động hơn trong quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp trên địa bàn chứ không nên ỷ lại, cứ trông chờ vào cấp tỉnh, Sở chỉ có thể kiểm tra, xử lý điểm mà thôi. Thực tế, lực lượng quản lý lĩnh vực này của các địa phương hiện nay quá mang nên rất cần tăng cường nhân lực có chuyên môn cho địa phương để có thể thực hiện nhiệm vụ quản lý ở lĩnh vực này một cách tốt hơn.

* Ông Phạm Hữu Lượng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du Lịch:

Cần tăng cường quản lý các live show có “sao” lớn tham gia
 
Quảng Ninh là vùng đất giàu tiềm năng cho các đoàn nghệ thuật bởi người dân nơi đây rất yêu thích nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu ca nhạc. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh có tác dụng rất lớn trong việc hưởng thụ văn hoá tinh thần của người dân. Để các chương trình nghệ thuật lành mạnh đến được với công chúng nhiều hơn thì chúng ta cần tạo điều kiện cho các chương trình về Quảng Ninh biểu diễn, đặc biệt là các chương trình có tính nghệ thuật cao, có những giọng hát tốt, những ngôi sao nổi tiếng.
 
Nhưng để khán giả được thưởng thức những chương trình như thế, cần có biện pháp quản lý tốt hơn nữa, nhất là với các live show có "sao" lớn của các doanh nghiệp tư nhân. Với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch cũng cần tăng cường công tác tham mưu, xem xét hồ sơ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức biểu diễn tốt hơn.
 
Các địa phương thì tăng cường công tác kiểm tra về nội dung quảng cáo, xe loa, nội dung chương trình và ca sĩ, tránh tình trạng không có ca sĩ như quảng cáo dễ gây ức chế, bất bình cho người xem...
 
* Thượng tá Thái Hồng Công, Phó Trưởng Công an TP Hạ Long:
Nhóm đối tượng có hành vi “làm luật” đã được điều tra làm rõ
 
Một trong những cái khó của chúng tôi là sự thiếu hợp tác của các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật với lực lượng công an. Việc xảy ra song không trình báo cơ quan công an mà tìm cách giải quyết theo hướng tiêu cực vô hình chung đã thúc đẩy tội phạm hoạt động.
 
Sự việc một số đoàn biểu diễn nghệ thuật đến biểu diễn tại TP Hạ Long thời gian qua bị đòi tiền "làm luật" là có nhưng không nghiêm trọng như một số bài báo đã đưa tin đến mức không đoàn nào dám đến đây biểu diễn nữa!
 
Sự thực là, có nhiều đoàn đã đến Quảng Ninh biểu diễn nhưng không có đoàn nào trình báo bị đe doạ, cưỡng đoạt tiền. Sau sự việc trên, chúng tôi đã phối hợp với lực lượng chức năng thuộc Công an tỉnh khẩn trương điều tra và đã làm rõ nhóm đối tượng có hành vi đe doạ, cưỡng đoạt tiền của các đoàn nghệ thuật trong thời gian qua để xử lý theo quy định pháp luật.
Theo chúng tôi, để lành mạnh hoá hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn thành phố cần tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc cấp phép, cho thuê địa điểm biểu diễn, đồng thời các đoàn nghệ thuật cần đảm bảo đúng cam kết trong hợp đồng biểu diễn như: Chất lượng nghệ thuật, sự có mặt của các ca sĩ, nghệ sĩ (đặc biệt là những người nổi tiếng, các "sao" đang được công chúng hâm mộ) như trong quảng cáo. Hơn nữa, các đoàn biểu diễn nghệ thuật cần phải hợp tác chặt chẽ với lực lượng công an khi có hành vi đe doạ cưỡng đoạt tiền, đòi "bảo kê" để chúng tôi có biện pháp xử lý, tránh việc tự dàn xếp theo các quan hệ xã hội vừa làm phức tạp thêm tình hình, vừa gây khó khăn cho việc quản lý của các lực lượng chức năng.
 
* Ông Bùi Đức Đoàn, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP Hạ Long:
Cả Sở và địa phương đều có phần trách nhiệm chung

Hiện nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cứ cấp giấy phép là xong, trách nhiệm hậu kiểm còn hạn chế, thiếu sự giám sát, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở. Khi xảy ra các vấn đề trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, rõ ràng cả Sở và địa phương đều có phần trách nhiệm chứ không thể trách nhiệm thuộc địa phương hết.

Địa phương có lực lượng rất mỏng, việc kiểm tra hoạt động quảng cáo xe loa, treo băng rôn cũng như nội dung chương trình, ca sĩ có rất nhiều phức tạp, cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan thực thi pháp luật thì mới ổn định, nghiêm túc được. Hiện nay đây cũng là vấn đề của nhiều tỉnh, thành khác chứ không riêng Hạ Long hay Quảng Ninh.
 
Vì vậy, để kiểm soát tốt hơn lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, tôi nghĩ cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan từ tỉnh đến địa phương.
 
* Ông Đặng Xuyên, Giám đốc Cung Văn hóa Lao động Việt - Nhật (TP Hạ Long):
Các đoàn cần có sự hỗ trợ từ lực lượng công an địa phương

Lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật vốn phức tạp, từ sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các đoàn, dễ bị đối tượng xấu đến quậy phá, vòi vĩnh rồi nội dung chương trình có đảm bảo về chất lượng và nhạy cảm nhất là vấn đề ca sĩ. Chương trình biểu diễn mà không có ca sĩ "sao" như quảng cáo rất dễ gây ức chế, dễ tạo ra những phản ứng tiêu cực cho người xem.

Rút kinh nghiệm từ nhiều vụ việc đã xảy ra, hiện nay chúng tôi đã đặt ra một quy định thống nhất cho các đoàn đến đây thuê điểm là phải có giấy phép biểu diễn và đề nghị lực lượng công an hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự, nhất là các liveshow có ca sĩ hải ngoại biểu diễn. Cung đã và sẽ sẵn sàng cử người giúp đỡ các đoàn liên hệ với các cơ quan công an... Chúng tôi cũng giáo dục kỹ anh em nhân viên của Cung khi ứng xử với khán giả. Nói thật là nếu xử lý không tốt, để xảy ra xô xát tại điểm diễn thì hậu quả là rất khó lường...

 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo