Một trong những địa chỉ cơm vua ở Huế đã trở nên nổi tiếng không chỉ trong nước là nhà hàng Tịnh Gia Viên (7/28 Lê Thánh Tôn - TP Huế) của Nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà, người từng được bà cô là vợ một thượng thư Bộ Lại triều Nguyễn bày vẻ cách thức nấu các món ăn cung đình từ bé.
Với vốn am tường về ẩm thực cung đình, cách đây hơn 15 năm, bà bắt đầu mở nhà hàng cung đình tại gia, với những bữa cơm cung đình mà theo chủ nhân là “được tái hiện một cách đích thực”.
Đến nay, danh tiếng cơm vua của nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà đã được ghi tên trong 40 sách hướng dẫn địa danh du lịch của 22 nước trên thế giới, từng xuất hiện trên 20 tờ tạp chí quốc tế và hàng chục tờ tạp chí Việt Nam.
Ngoài Tịnh Gia Viên, một trong những khách sạn tiên phong trong dịch vụ cơm vua là Khách sạn Hương Giang, với một nhà hàng cung đình mô phỏng kiến trúc cung đình triều Nguyễn được đầu tư khá quy mô, mời hẳn “mệ” Bảo Hiền - vị hoàng thân quốc thích cuối cùng của triều Nguyễn - đảm trách khâu cố vấn, đồng thời là nhân chứng sống xuất hiện trong các buổi tiệc cơm vua… Dịch vụ này ngay sau đó được mời tổ chức, thết đãi không ít các đoàn khách ngoại giao quan trọng của tỉnh.
Tuy nhiên, dịch vụ cơm vua nhanh chóng được nhân bản ở hầu hết các khách sạn, nhà hàng ở Huế. Thậm chí cơm vua còn được chào bán cho du khách đi thuyền rồng trên sông Hương với giá chỉ vài đô-la (Mỹ) mỗi suất.
Với hình thức sao chép này, hầu như các chương trình cơm vua tại các khách sạn đều na ná như nhau. Thực khách được khoác những bộ trang phục mô phỏng trang phục cung đình, vào vai vua, hoàng hậu, bá quan, sứ thần… Tiệc luôn đi kèm với âm nhạc truyền thống như Nhã nhạc, ca Huế.
Thực đơn thì tùy vào điều kiện, giá cả nên tha hồ biến tấu. Phổ biến nhất vẫn là các món nem công, chả phụng được trang trí, cắt tỉa từ hoa quả.
Để kéo khách, không ít khách sạn đã chọn giải pháp hạ sách là hạ giá sản phẩm. Tại thời điểm chúng tôi viết bài này, một số khách sạn ba sao đang chào bán cơm vua với giá chỉ trên dưới 150.000 đồng/suất dành cho đoàn trên 30 người. Trên thực tế, dịch vụ này còn rẻ hơn nhiều ở những nhà hàng, khách sạn nhỏ, lẻ.
Không nên làm cơm vua đại trà
Không dám vơ đũa cả nắm nhưng khi đặt câu hỏi về chất lượng, uy tín của dịch vụ cơm vua hiện nay, không ít người đã lắc đầu…
Ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa Thông tin trước đây cho rằng, nhìn chung, cách làm cơm vua ở Huế hiện nay có phần “lố lăng”. Ví dụ, chỉ riêng chuyện “vào vai” của thực khách, ở các nước trên thế giới, không ai đem hình ảnh ông vua-đại diện cho quốc thể - vào các dịch vụ đã được thương mại hóa vì đó là một sự giễu cợt.
Về thực đơn của các buổi cơm vua, ông Hoa cho rằng, hầu như đều do các đầu bếp thời nay sáng tác ra, không có món nào là gần với sách sử, dù văn liệu, thậm chí cả nhân chứng sống, chưa phải đã bị thất truyền. Ví dụ sách Khâm định đại Nam hội điển sự lệ dưới triều Nguyễn có ghi rất rõ thực đơn các buổi đại yến, quy định các mâm hạng nhất, hạng nhì, hạng ba ra sao. Thậm chí nói rõ, mỗi hạng mâm có bao nhiêu món, mỗi món có bao nhiêu bát.
Hay nhà nghiên cứu Phan Thuận An, còn lưu giữ nhiều đồ ngự dụng, trong đó có cả chiếc tăm xỉa răng bằng tre, dài gần một gang tay, đầu tăm có thêm cái nùi (tre), có lẽ được dùng để chùi răng, sau khi ngự thiện…Và nhiều món ăn nguyên sử ấy, dù thuộc hàng quốc bảo nhưng thời nay không phải không thể kiếm ra như bào ngư, hải sâm, vây cá...
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Huế lấy làm ngạc nhiên là từ bấy đến nay, hầu như chưa có một doanh nghiệp du lịch nào đến hỏi họ một câu, rằng thực chất, ẩm thực cung đình là như thế nào? Cũng theo ông Hoa, chính cách làm du lịch tùy tiện này mà ẩm thực cung đình Huế, dưới cái mác cơm vua đã làm rẻ hóa một sản phẩm du lịch đáng ra phải sang trọng, quí tộc bởi hàm lượng trí tuệ quá thấp.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: Qua mấy chục năm theo dõi sự phát triển của du lịch Huế tôi thấy nhiều mặt hàng thiếu vắng sự đóng góp của người có chất xám. Vì thế các cô ca Huế khăn áo tùy tiện hát hầu văn, bảo đó là ca Huế. Đóng thuyền du lịch giống đầu con gà cồ bảo đó là thuyền rồng. Nhiều nhà hàng, khách sạn tỉa vẻ rồng phụng, bày biện xanh đỏ bảo đó là món ăn ngự thiện… Cách làm du lịch cung đình tùy tiện, dễ dãi như thế đã làm cho du lịch Huế mất uy tín. Ông Nguyễn Xuân Hoa: Cách đây mấy chục năm, có dịp sang Trung Quốc, tôi từng dự một buổi yến với thực đơn gọi là “Khai quốc đệ nhất yến”. Hỏi ra mới hay, đó là những món ăn từng được Mao Trạch Đông thết đãi khách ngoại giao trong ngày Quốc Khánh Trung Hoa (1-10-1949). Giá mỗi suất “Khai quốc đệ nhất yến” là 80 USD/người. Đó là cách mà chúng ta có thể học tập để làm ẩm thực cung đình Huế. Ông Lê Văn Trường-Giám đốc Làng Hành Hương: Một trong những vấn đề đặt ra cho du lịch Huế là định hướng phát triển. Chúng ta nên làm cái gì là dulịch chất lượng cao, cái gì là du lịch đại chúng. Tiếc là nhiều dịch vụ du lịch đáng lẽ phải sang, phải đắt như ca Huế, Nhã nhạc, cơm vua nhưng lại làm theo kiểu du lịch giá rẻ. Nhật Nguyên (ghi) |
Bình luận (0)