Qua năm tháng món quà tuổi thơ - bánh lá dừa ấy - đã trở thành đặc sản của vùng.
Bánh lá dừa mang đậm ký ức tuổi thơ của đám trẻ quê tôi
"Mời anh mua bánh lá dừa
Bánh này em gói nếp mùa thiệt ngon.
Anh mua về đãi bà con
Bánh em nóng hổi ngọt ngon hơn đường."
Tên của các loại bánh ở miền Tây quê tôi dễ nhớ lắm, cứ hễ bánh có nét đặc trưng gì hay nguyên liệu làm bằng gì thì bánh sẽ có tên đó, như bánh chuối hay bánh lá dừa.
Trong chiếc lá dừa cuộn tròn như chiếc lò xo là miếng nếp dẻo thơm cùng nước cốt dừa béo ngọt, nguyên liệu để làm bánh này không quá cầu kỳ, gồm nếp dẻo, đậu xanh, cơm dừa nạo và chuối để làm nhân.
Người ta phân biệt nhân bánh bằng màu dây cột bánh
Không biết từ khi nào, cùng với bánh tét, bánh ít, bánh ú, bánh lá dừa đã trở thành loại bánh đặc trưng mang hương vị của mảnh đất trĩu nặng phù sa này. Không quá cầu kỳ, song bánh lá dừa lại làm vừa lòng người ăn bởi sự hòa quyện tuyệt vời của nhiều nguyên liệu.
Bánh lá dừa có mặt ở hầu hết các tỉnh miền Tây, nhưng để gọi là thủ phủ của chiếc bánh có lớp vỏ làm từ cánh lá dừa này thì phải là xứ dừa Bến Tre. Khi có dịp đến với miền Tây, bạn sẽ có dịp thưởng thức những chiếc bánh lá dừa vừa mang vị bùi của đậu, vị ngọt của chuối và thoang thoảng đâu đó mùi thơm nhẹ dịu của lá dừa quyện vào vị béo của nước cốt dừa, của nếp làm bạn sẽ nhớ mãi không quên.
Nam hay nữ đều có thể gói bánh đẹp
Đúng như tên gọi, loại bánh này được dùng đọt lá dừa non, hoặc đọt cà bắp – đọt dừa nước non chưa nở thành tàu lá để gói bánh. Lá dừa được chọn làm bánh phải hơi non, mềm, thì bánh dừa mới thơm và màu đẹp, ngoài chọn lá, khâu chọn nếp cũng vô cùng quan trọng, loại được chọn là nếp dẻo, hạt mẩy, căng tròn, đem vo sạch, ngâm qua đêm cho ngấm nước.
Đậu xanh cũng được ngâm cho tróc vỏ, đãi sạch. Dừa khô, không quá già được nạo lấy cơm, vắt thành thứ nước cốt đặc sánh, dậy mùi thơm, béo ngậy rồi trộn cùng gạo nếp, đảo sơ qua cho thấm. Nhiều người còn thêm chút đậu đen trộn cùng với nếp để tăng thêm độ thơm của bánh.
Tùy vào sở thích của mỗi người mà có nhiều loại nhân khác nhau như dừa hay chuối. Thường người ta dùng cơm dừa nhuyễn rồi trộn cùng đậu xanh, đem nấu nhừ, thêm hành lá, một chút muối cho đậm vị rồi vo thành từng nắm để làm nhân. Hay đơn giản hơn, người ta dùng chuối cắt làm hai phần, ướp thêm chút đường làm nhân bánh cũng rất ngon.
Bánh được nấu khoảng 3-4 tiếng là chín
Khi gói bánh, không được chặt tay quá vì bánh sẽ không chín đều. Còn nếu lỏng tay, bánh sẽ bị ngấm nhiều nước, nhão, ăn không ngon. Trước khi cho vào nồi bánh được cột chặt thành từng chùm. Mỗi chiếc bánh dài gần gang tay, to bằng quả dưa leo, bánh chuối cột dây xanh, nhân đậu cột dây vàng để dễ phân biệt. Người ta thường cho thêm một lớp lá dừa phía dưới nồi khi luộc để bánh không bị cháy, lại thoang thoảng mùi thơm của lá dừa tươi thấm vào trong nếp.
Bánh lá dừa được dùng nóng hay nguội tùy vào sở thích mỗi người. Bánh khi ăn có vị mặn nhẹ của muối, vị béo của dừa, cái dẻo của nếp, cái bùi của hạt đậu kết hợp với cái riêng của từng loại nhân cùng hương nếp thơm. Tất cả hòa quyện vào nhau làm cho người ăn cảm nhận được hương vị tao nhã và mộc mạc của bánh.
Bánh lá dừa-với lá vàng ươm sau khi nấu chín
Bánh lá dừa sau khi nấu được vớt ra treo cho ráo nước. Do được gói kín, bánh có thể để lâu được 2-3 ngày mà không bị hỏng. Với giá bán khá mềm, chỉ khoảng 5,000đ mỗi cái, bánh lá dừa miền Tây nói chung và Bến Tre nói riêng đã trở thành món quà quê bình dân dễ mua, dễ ăn mà lại ngon. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị đậm đà, béo của dừa, vị thơm của nếp dẻo, bùi của đậu kết hợp với từng loại nhân tạo thành món ăn không thể quên. Không chỉ được bày bán, bánh lá dừa còn được làm tại nhà. Cứ thấy thèm thèm là lũ trẻ theo tía má đi chặt tàu lá dừa về làm vỏ bánh, rồi ngâm nếp ngâm đậu, soạn cái nồi thật to bắc lên bếp chuẩn bị ngồi chờ. Từ những kỷ niệm đẹp của thời thơ ấu, bánh lá dừa đã trở thành món ăn của ký ức của rất nhiều người con miền Tây.
Bình luận (0)