xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rủ nhau hái trái cứt chuột để thoát nghèo

Theo NGUYỄN MUỘI (Bình Định Online)

Gần đây, bà con ở làng O5, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định có thêm một khoản thu nhập tương đối nhờ vào việc hái quả cây cứt chuột, một loại cây dược liệu mọc hoang trên rẫy.

img
Bà Đinh Thị Prắc và niềm vui khi hái được nhiều trái cứt chuột.

Rủ nhau tìm trái

Mặt trời đã gần lên giữa đỉnh đồi, bà Đinh Thị Prắc, 54 tuổi, vẫn còn loay hoay trên rẫy nhà mình. Cái gùi trên lưng xem chừng đã trĩu nặng. Cẩn thận từng bước một, bà níu lấy cành, ngắt từng chùm trái cứt chuột. Bà Prắc bảo: “Mấy hôm trước, con gái, con rể cũng đi cùng để hái trái cứt chuột. Nhưng hôm nay, số trái già không còn nhiều nên già đi một mình. Phải đợi hơn một tuần nữa để lượt trái non đến độ hái. Mấy ngày đó, già sẽ đi rọc lá chuối, chặt buồng chuối già để kiếm thêm tiền mua gạo”.

Đoạn, bà níu lấy cành cây gần đó, ngắt lấy một trái nhỏ, xoay xoay trong lòng bàn tay rồi lắc đầu vì quả còn non, chưa thể hái được. Mang gùi lên lưng, nương theo một cây gậy nhỏ, bà Prắc rời rẫy. Theo hướng chỉ tay của bà, bên kia là rẫy của nhà yá Y, phía trước là rẫy của nhà mí Căm… Rẫy nhà nào cũng có cây cứt chuột. Các yá, các mí cứ một tháng lại có khoảng 5,6 ngày đi hái trái này về bán. Như hôm qua, “nhà già hái được một gùi đầy, bán được tới 500 ngàn đồng. Vậy là có tiền để mua gạo và  một ít cây keo cho con rể trồng trên rẫy”, bà Prắc nói.

Cuối buổi chiều, làng O5 có phần nhộn nhịp hơn. Người già, người trẻ thay phiên nhau gùi “một buổi công” trên vai trở về làng. Đó là lúc những người thu mua trái cứt chuột cũng rảo chân khắp làng. Chị Nguyễn Thị Đào, 49 tuổi, quê ở huyện Tây Sơn, cho biết, đã hai năm nay, chị ghé làng O5 để thu mua trái cứt chuột. Công việc này quen thuộc đến độ người ở nhà nào chị cũng biết mặt, nhớ tên, thậm chí còn biết hôm nay nhà ai có trái để bán.

Như thể chứng minh cho điều mình nói, chị rẽ vào nhà một ngôi nhà gần đó. Trước nhà, hai người phụ nữ đang vò những chùm cứt chuột nhằm tách rời các trái với nhau. Yá Trăng, 60 tuổi, bảo chiều nay chỉ hái được bấy nhiêu vì số quả già đã hết rồi. Sau khi hoàn tất khâu phân loại, cân đo cụ thể, chị Đào gửi yá Trăng 250 ngàn đồng, và cho biết: “Giá mua hôm nay là 25.000 đồng/kg tươi. Cũng có hôm mua chỉ 15.000 đồng/kg tươi”.

Cách đó không xa, vợ chồng anh Võ Văn Tiến (33 tuổi) và chị Nguyễn Thị Cần (30 tuổi) đang tất bật hốt trái cứt chuột vào bao sau một ngày phơi nắng. Vợ chồng anh quê gốc ở thị trấn Vĩnh Thạnh, nhưng “ra riêng” thì về làng O5 dựng nhà, sinh sống. Những năm trước, vợ chồng anh thu mua chuối, lá chuối bỏ mối cho các thương lái dưới thị trấn. Thời gian gần đây thu mua thêm trái cứt chuột cung cấp cho các thương lái.

 “Hồi trước, chúng tôi mua trái tươi rồi bán liền cho thương lái đi Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội... Nhưng từ dạo cầu treo về làng bị hư, vận chuyển khó khăn nên chuyển sang phơi khô rồi mới bán. 3 kg trái cứt chuột tươi phơi xong chỉ còn khoảng 1 kg. Để chuyển được sang bên kia bờ sông, người thu mua phải nhờ người làng cõng giúp rồi trả công khoảng 20.000 đồng/bao. Chúng tôi bán lại cho thương lái khoảng 100 ngàn đồng/kg khô”, anh Tiến chia sẻ.

Định hướng phát triển, nhân rộng

Theo lời của bà con nơi đây, cây cứt chuột là loại cây mọc hoang, xuất hiện nhiều nhất ở làng O5. Thời kháng chiến, quả của cây này thường dùng để trị sốt rét rừng. Vì không được thu mua nên cứ đến mùa phát rẫy là cây bị đốt hoặc chặt bỏ. Hai năm gần đây, khi nhiều thương lái tới làng thu mua trái với giá cao, bà con làng O5 mới chú ý đến nó.

Ông Lê Công Chính, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, cho biết: “Trong năm nay, có hộ ở làng O5 đã thu được 40-50 triệu đồng từ việc bán trái cứt chuột. Nhận thấy đây là loại cây không mất thời gian chăm sóc, có trái quanh năm, việc khai thác không ảnh hưởng lớn đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên, nên địa phương đã tiến hành khảo sát nhằm mục đích nhân rộng, giúp bà con ổn định nguồn thu nhập từ cây cứt chuột. Đồng thời, thống nhất vận động bà con giữ lại loại cây này”.

Cũng theo ông Chính, trong năm, cán bộ địa phương và Ban quản lý rừng phòng hộ huyện đã đem hột của cây cứt chuột về gieo, nhưng không thành công. Tuy nhiên, có thể dùng cách giâm cành để nhân rộng cây. Cán bộ địa phương còn hướng dẫn bà con bứng cây con trồng cách nhau 7 m, chặt thân chính khi cây vừa đủ lớn để nứt thêm nhiều nhánh nhằm tăng năng suất.

“Đến nay, một số bà con làng O5 đã làm theo hướng dẫn và đạt được kết quả khả quan. Ngoài ra, bà con ở làng K6 cũng chọn cách giâm cành để mang cây cứt chuột về địa phương. Chúng tôi dự định, sang năm sẽ nhân rộng cây cứt chuột khoảng 2-3 ha tại huyện”.

Theo nhiều nguồn tài liệu, cây cứt chuột còn gọi là nha đảm tử, sầu đâu rừng… thuộc họ Thanh thất. Trái có dạng hình bầu dục, bằng hạt đậu xanh; vị đắng, tính hàn; thường dùng trị lỵ amip, sốt rét, trĩ, trùng roi và giun đũa. Cây cứt chuột thường mọc hoang ở vùng rừng núi. Cây nhỏ, cao khoảng 2 m. Thân mềm, có lông. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, mép có răng cưa, có lông mềm ở cả hai mặt.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo