Cây phong ở Thanh Mai mọc từ chân núi đến chùa. Điều đặc biệt là phong chỉ có ở núi Tam Ban, tập trung ở sườn nam nơi chùa Thanh Mai tọa lạc. Mỗi độ thu về cả khu vực này lại rực lên sắc đỏ.

Mùa thu rừng phong Thanh Mai rực sắc đỏ. Ảnh: T.C
Đường vào chùa Thanh Mai phải qua nhiều cung đường quanh co uốn khúc. Cuối cùng thì bóng dáng ngôi chùa cũng bảng lảng hiện ra nơi lưng chừng núi. Một cảm giác thật lạ xen lẫn ngạc nhiên trào dâng trong tôi khi bắt gặp sắc đỏ giữa màu xanh thẫm của núi rừng. Màu đỏ như được một cây bút vẽ từ thanh thiên điểm xuyết và khi khoảng cách xích lại, nó tóa ra, nở bừng trước mắt, vô cùng kỳ thú.
“Rừng phong đấy. Năm nào đến mùa này lá phong cũng chuyển thành màu đỏ như vậy”, sư Thích Đạo Khiết ở chùa Thanh Mai giải thích. “Rừng phong”, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Cây phong vốn chỉ nghe nói nhiều trong văn học và mọc ở các nước xứ lạnh. Vậy mà tại chốn tổ Thanh Mai, nơi trung tâm của dòng thiền Trúc Lâm, tôi đang được đắm mình vào sắc đỏ của rừng phong.
Phong ở Thanh Mai mọc từ chân núi đến chùa. Bên vệ đường chi chít các cây phong con bằng ngón tay, lá đỏ au. Những cây lớn hơn to bằng bắp đùi, tán rộng dăm ba mét, cao bốn năm mét. Khoe sự độc đáo là những cây phong thân một hai người ôm, cao hàng chục mét, tán rộng che kín một vùng. Lá phong mọc so le, có cuống dài, phiến xẻ ba thuỳ, mép có răng cưa nhỏ. Mùa này phong đang rụng lá.
Dẫn tôi ra thăm mấy gốc phong trong vườn chùa, sư Khiết cho biết: Hiện quanh chùa có ba, bốn gốc phong cổ thụ hai người ôm. Còn những cây phong có kích thước một người ôm thì không đếm xuể. Điều đặc biệt, phong chỉ mọc ở núi Tam Ban và phân bố nhiều ở sườn nam nơi chùa Thanh Mai tọa lạc. Ở các ngọn núi bên cạnh không hề có.
Hằng năm cứ vào độ cuối thu, lá phong chuyển màu đỏ và trút xuống. Nhưng lá phong ở đây không cùng lúc chuyển màu đỏ rực như ta thường thấy trong phim ảnh nước ngoài, mà chỉ lác đác biến sắc rồi rụng dần. Đến mùa xuân, những lá non cũng khoe sắc đỏ thắm. Năm nào mùa đông càng lạnh thì phong càng khoe sắc rộ hơn. Chùa Thanh Mai được dựng thời Trần. Trong khuôn viên hiện còn nhiều cây cổ thụ như đại, vải được cho là có từ khi dựng chùa. Có thể phong cổ thụ ở đây cũng ngần ấy tuổi.
Rừng phong đã gắn bó với người dân thôn Thanh Mai từ bao đời nay. Ông Đồng Văn Phúc, 81 tuổi, cho biết: “Ở đây người dân gọi theo tiếng địa phương là thau hay táo hậu”. Ông Phúc đến thôn Thanh Mai này lập nghiệp khi ngôi làng chỉ có 7 nóc nhà. “Khi đó, xung quanh đây rừng rú um tùm, nai hoẵng còn nhởn nhơ gặm cỏ. Còn rừng táo hậu bạt ngàn với những cây cổ thụ hai, ba vòng tay ôm. Vì gỗ của nó chắc như gỗ lim lại có mùi thơm đặc trưng nên cây to bị người dân đốn về làm nhà, làm đồ đạc”.

Theo ông Phúc, cây thau lá đỏ tía, còn gọi là cây thau mật thường được các thầy lang dân tộc dùng làm thuốc. Nhựa cũng được người trong thôn lấy về chữa sâu răng, đau răng, lá hoặc vỏ đun nước tắm chữa nổi mẩn, mề đay, lở ngứa. Lá cây thau mật cũng được người dân lấy ăn thay rau sống hoặc nấu canh.
Ông Bùi Đình Ka, Trạm trưởng Trạm Quản lý rừng Bắc Chí Linh, cho biết: Loại cây này được gọi là sau sau. Đây là loại cây tiên phong sau thời kỳ nương rẫy và phát triển khá nhanh. Hiện ở đây có khoảng 170 ha rừng có cây sau sau, trong đó tỷ lệ sau sau trên các loại cây rừng khác chiếm khoảng 40-45%.
Theo các tài liệu nghiên cứu, sau sau có tên khoa học là: Liquidambar formosana, thuộc họ kim mai, ngành ngọc lan. Cây thuộc dạng cây gỗ lớn, dáng thế uy phong, lá có 3-5 thùy, rụng vào mùa khô. Khi thay lá, những lá già và lá non đều có màu đỏ sặc sỡ.
Sau sau có khả năng tiết một loại nhựa thơm vì thế người Trung Quốc gọi là phong hương thụ (cây phong có mùi thơm). Phong hương thụ là cây thuốc được sử dụng trong y học cổ truyền. Bộ phận dùng làm thuốc là quả (lộ lộ thông), lá (phong hương diệp), rễ (phong hương căn), nhựa (phong hương chi). Nó có nhiều tên gọi khác như sau trắng, bạch giao hương, cây thau, cổ yếm. Phong hương thụ chủ yếu mọc ở Trung Quốc, ở Việt Nam có ở các vùng núi Lạng Sơn, Hòa Bình. Như vậy cách gọi sau sau hay phong hương thụ chỉ là một. Điều đáng nói sự có mặt của rừng phong hương thụ quanh di tích chùa Thanh Mai đã tạo cho nơi đây một cảnh sắc tuyệt đẹp mỗi độ thu về. Tìm về Thanh Mai những ngày cuối thu, du khách không những được đắm mình vào sự tĩnh lặng, bằng an chốn cửa thiền, mà còn được chiêm ngưỡng sắc đỏ kỳ thú của lá phong thu.
Chốn tổ Thanh Mai trong buổi chiều đầy nắng, gió và con đường ngập lá phong rơi. Có đến và đi mới biết ở cõi trần này nhiều chốn đáng để ta lưu tâm lắm.
Chùa Thanh Mai được Thiền sư Pháp Loa, vị tổ thứ hai của thiền phái Trúc Lâm xây dựng năm 1329 trên sườn núi Tam Ban. Trải qua các biến cố lịch sử, sự tàn phá của thiên nhiên, ngôi chùa trở thành hoang phế, bị lãng quên. Với mong muốn phục dựng và bảo tồn một di tích lịch sử quan trọng, năm 1980, chùa đã được đầu tư khôi phục.
Năm 1992, chùa Thanh Mai đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đến nay, ngôi chùa đã có một cơ ngơi bề thế, hệ thống tượng Phật được khôi phục uy nghi.
Chùa Thanh Mai vẫn gìn giữ, bảo lưu được nhiều hiện vật có giá trị, như: tháp Phổ Quang được xây dựng năm Chính Hoà 23 (1702); tháp Linh Quang xây dựng năm Chính Hoà 24 (1703) cùng 5 ngôi tháp khác. Đặc biệt, ngọn Viên Thông Bảo Tháp bằng đá xây dựng năm 1334 được cho là nơi cất giữ xá lị của Thiền sư Pháp Loa tôn giả. |
Bình luận (0)