xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Săn cá đồng xa

Theo NGÔ CHUẨN (An Giang Online)

Điểm đáng quý ở các ngư dân khu vực sông Vàm Nao, nơi tiếp giáp giữa huyện Chợ Mới và Phú Tân, là chỉ tập trung đánh bắt những loại cá lớn, có giá trị cao chứ không bắt cá con. Dụng cụ chủ yếu của họ là lưới lết hoặc lưới đèn, tuy có dạo lưới sâu và khá dài nhưng luôn sử dụng mắt lưới to, cá nhỏ có thể chui qua dễ dàng. Cách làm này vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vừa tái tạo đàn cá quý phục vụ mưu sinh lâu dài.

Ngay cả khi mùa lũ về, họ kéo nhau đi đồng xa giăng cá linh thì cũng sử dụng loại mắt lưới có đường kính từ 2,5cm trở lên để bắt cá lớn, không bắt cá linh non như người dân ở một số nơi khác.
 
Chuẩn bị ra đồng lớn
 
Mùa này, khi mực nước trên sông Vàm Nao đang lên cao, việc bắt cá sửu, cá cóc, cá dứa, mè hôi... với trọng lượng vài kg/con trở nên khó khăn hơn, cha con ông Nguyễn Văn Để và Nguyễn Văn Tặng, ấp Vàm Nao (xã Tân Hòa, Phú Tân), tạm xếp tay lưới lết trị giá cả chục triệu đồng vào bao tải lớn, cất ở góc nhà.
 
Trong thời gian nghỉ ngơi chờ con nước lũ lên đồng, gia đình ông Để tranh thủ kết lại tay lưới cá linh để chuẩn bị cho chuyến làm ăn xa. Nhờ tận dụng được số lưới cá linh cũ từ mùa nước nổi năm trước nên ông Để chỉ phải tốn hơn 5 triệu đồng mua lưới mới về bắt thêm vô. Tính ra, nếu phải mua mới hoàn toàn thì tiền đầu tư sẽ không dưới 10 triệu đồng do tay lưới của ông Để dài đến... 5.000m, dạo lưới sâu 1m. Đó là chưa kể công sức gia đình bỏ ra làm viền lưới, bắt chì, làm phao nổi...

img

Ông Nguyễn Văn Để chuẩn bị tay lưới cá linh dài 5.000m.
 
Gần như dành trọn cuộc đời theo nghiệp sông nước, ông Để cho biết, có lẽ số ông đã định sẵn là gắn với con cá, tay lưới. “Trước đây, cha mẹ tôi làm ruộng cũng có cho ít đất trồng lúa. Phần vì những năm 80, canh tác lúa mùa một vụ/năm không mấy hiệu quả, phần vì đam mê bắt cá nên tôi bán hết số đất ruộng, đầu tư mua ghe máy cùng tay lưới. Theo nghề bủa lưới quen rồi. Hôm nào không ra sông lớn là cứ thấy buồn buồn. Một số hộ nghỉ đánh bắt vào mùa nước, tạm thời kiếm sống bằng công việc khác nhưng tôi thì năm nào cũng đi đồng xa bủa lưới cá linh. Tuy vất vả nhưng cũng tạo được nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Hơn nữa, còn được tái ngộ với những người bạn từ nơi khác đến.
 
Vi vu cùng sông nước
 
Năm 2011, trong khi nhiều người canh tác lúa vụ 3 lo lắng vì nước lũ bất ngờ dâng cao thì cha con ông Nguyễn Văn Để và Nguyễn Văn Tặng lại trúng mùa cá linh. Sau 3 tháng lênh đênh trên những cánh đồng xa ngập tràn nước, mỗi hộ trong đoàn ghe hơn 10 chiếc đi chung với ông Để đều kiếm được từ 14 – 15 triệu đồng sau khi trừ chi phí ăn uống, sinh hoạt. Mức thu nhập này cao hơn so với công việc bủa lưới lết, lưới đèn trên sông Vàm Nao.
 
Thường vào nửa cuối tháng 7 âm lịch, những đoàn ghe giăng lưới cá linh cũng bắt đầu xuất phát. Những người quen biết nhau thường tổ chức thành đoàn hơn 10 chiếc ghe để hỗ trợ nhau khi cần thiết. Hơn nữa, khai thác tập trung cũng tiện cho các ghe cá của thương lái theo thu mua. Những ngư dân luôn mang theo gạo, gia vị, bếp củi, mùng, mền, chiếu, gối... để sinh hoạt, ăn ngủ luôn trên ghe. Vị trí mà họ giăng lưới cá linh là những cánh đồng chưa sản xuất vụ 3, chạy dọc từ xã Tân Tuyến (Tri Tôn) qua vùng Kiên Hảo (tỉnh Kiên Giang) hoặc những cánh đồng dọc theo các tuyến kênh T4, T5, kênh Vĩnh Tế...

img

Họ chỉ giăng lưới bắt cá lớn chứ không dùng ngư cụ cấm khai thác cá non.
 
Ông Nguyễn Văn Để cho biết, với kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề cá, ông có thể dễ dàng phát hiện nơi nào có luồng cá linh đi qua để chia nhau bủa lưới. “Do tay lưới dài đến 5 cây số nên cha con tôi bắt đầu bủa từ 3 giờ sáng cho đến 5 giờ 30. Sau đó, tranh thủ ăn cơm sáng, nghỉ ngơi một lúc. Đến 6 giờ 30, chúng tôi tiến hành vừa cuốn lưới vừa gỡ cá cho đến 3 – 4 giờ chiều.
 
Mỗi ngày như vậy có thể kiếm được từ 40 – 50kg cá linh, hơn 20kg cá chạch. Toàn bộ số cá này đều được ghe của thương lái theo thu mua tại chỗ. Sau khi ăn cơm chiều, buổi tối chúng tôi thường gom ghe lại gần nhau lai rai vài xị đế, tâm sự chuyện đời, chia sẻ công việc. Mồi ngon thì có sẵn nhưng cũng không dám uống nhiều, phải tranh thủ nghỉ ngơi sớm để 3 giờ sáng hôm sau lại dậy bủa lưới”, ông Để nhớ lại.
 
Năm nay, diện tích sản xuất vụ 3 của An Giang và Kiên Giang cũng không tăng nhiều trong khi mực nước lũ được dự báo cao hơn trung bình nhiều năm. Những người giăng lưới cá linh đồng xa có cơ sở để hy vọng một mùa làm ăn hiệu quả.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo