Về quê lập nghiệp nuôi hươu
Từ một cán bộ công an với phong cách sống mẫu mực, lúc nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bỗng dưng năm 1980-1981 Lê Trọng Lài phải chịu kỷ luật vì dính tới chuyện “yêu con gái gia đình tiểu thương chợ Vinh". Đơn vị Công an Nghệ Tĩnh cho Lài hai con đường tự quyết: Một là dứt bỏ mối tình đó để an tâm công tác, hai là viết đơn xin ra khỏi ngành để toại nguyện với "trái tim mình lựa chọn".
Lài, sau một đêm thức trắng đã chấp nhận hy sinh sự nghiệp, để thủy chung đến cùng với người mình đã "chỉ non thề bể". Mặc dầu bạn bè đều tiếc cho anh, nhưng Lài vẫn vững tin mình còn trẻ, còn đủ sức làm lại cuộc đời. Sau lễ cưới một tuần, anh đưa vợ về quê hương sinh sống.
Mồ côi bố từ nhỏ, khi trở về thì mẹ anh đã tuổi già sức yếu, khiến tình thương của người vợ trẻ với chồng càng nhân lên gấp bội. Mặc dầu đang sống ở chốn đô thành phồn hoa tráng lệ bỗng nhiên thay đổi hoàn toàn môi trường nhưng chị vẫn thấy vững tâm khi có người chồng khỏe mạnh, tháo vát.
Chị Thanh kể: Hồi mới về làm dâu ở Sơn Lâm không ai tin em sẽ sản xuất nông nghiệp được bởi em chính là dân "cày đường nhựa" cấy không biết cấy, gặt chẳng biết gặt nhưng đã "thương nhau tam tứ núi cũng trèo" thì mọi công việc đồng áng chỉ sau vài tháng đã thuần thục.
Ngoài hươu, ông Lài còn một đam mê là nuôi ong mật
Vợ chồng Lài biết chăm đồng lúa tốt để hàng xóm khỏi dè bỉu, khinh thường. Nhưng nếu chỉ đeo đuổi theo năng suất lúa thôi thì không thể nào cuộc sống khá giả lên được. Lê Trọng Lài bàn bạc với vợ mạnh dạn bán ngay chiếc nhẫn cưới và đôi hoa tai bằng vàng của vợ cùng với ổ lợn nái năm con để hùn vốn nuôi hươu. Dốc kiệt gia tài, chị Thanh phải về ngoại vay thêm tiền.
Thời điểm năm 1988 – 1989, cả xã Sơn Lâm đã ai biết đến chuyện nuôi hươu là gì. Thấy gia đình Lài nuôi, nhiều người tỏ ra lo lắng cho sự liều lĩnh này. Bởi, không ít gia đình ở Hương Sơn thời đó bị khuynh gia bại sản vì rủi ro hươu chết. Với Lài, lúc này lại suy nghĩ theo chiều hướng khác: Anh muốn tạo ra của cải vật chất bằng nghề lương thiện nhất để mọi người có thể phục và tin mình.
Lài chịu khó đọc nhiều sách, báo và hỏi kinh nghiệm nhiều người xung quanh việc chăm sóc hươu. Cùng với nuôi hươu, Lài vẫn duy trì nuôi lợn nái, loại hàng theo kiểu “mì ăn liền" tạo lợi nhuận nhanh nhất. Anh còn nuôi 18 tổ ong và không hiểu do sự mát tay chăm sóc của vợ hay là vận hội của chồng mà tất cả mọi vật nuôi trong gia đình đều "liên tục phát triển".
Chỉ trong một thời gian ngắn, Lài đã tậu thêm một con hươu cái về nuôi... Rồi hươu cái đẻ con, hươu đực tiếp tục cho lộc, gia đình Lài có tiền để làm chiếc nhà gỗ đẹp, nuôi 2 con trai ăn học và đặc biệt có điều kiện để giúp đỡ người nghèo cùng tham gia chăn nuôi hươu.
Tôi cùng hai người bạn đến thăm anh. Điều hơi ngạc nhiên với tôi là trải qua cơn bể dâu cuộc đời, Lài không già đi trước tuổi. Vừa bước vào cổng đã thấy một vườn cỏ sữa xanh um. 10 con hươu (cả đực lẫn cái), thân tròn lẳn, nở đầy sao, đang vểnh tai nghe chủ trò chuyện với khách, miệng nhâm nhi cuống lá... Một con hươu đực mới hai tuổi nhú cặp nhung hồng khoảng 0,7 kg.
Lài bảo: "Con hươu đực này rất nhiều khách hàng thích và có người ngã giá hơn 40 triệu đồng". Không chỉ là kiện tướng sản xuất chăn nuôi giỏi, Lê Trọng Lài còn là một cán bộ có tài có đức được dân khâm phục.
Từ một xã viên, anh phấn đấu và được chi bộ thôn kết nạp vào Đảng làm chức trưởng thôn, rồi đưa lên chủ nhiệm hợp tác xã. Bây giờ, Lê Trọng Lài giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Sơn Lâm.
Ba anh em trai giàu lên nhờ nuôi hươu
Người dân Sơn Lâm vẫn cho rằng ba anh em trai này là giáo dân nên được "chúa ban phước lành" nuôi hươu năm nào cũng hái được nhiều lộc. Nhưng sự thật "lộc" của họ được kết tinh bằng mồ hôi và tiền vay vốn "bà đỡ” Ngân hàng CSXH. Người anh cả Trần Đức Quang bảo tôi: "Có được đàn hươu trong chuồng 15 con cũng phải có nghị lực để duy trì phát triển nòi giống động vật này".
Ông Quang, 61 tuổi (thương binh về làng sau đại thắng mùa xuân năm 1975), kể: Trở về nhà cưới vợ xong, gia tài chỉ có cái cuốc tai voi giá trị hơn cả. Tôi phải mượn trâu nhà hàng xóm để cày bừa và tạo lập vườn trồng mía. Tôi đốn mía và sắc được một chum mật. Tiền bán mật năm đó góp vốn "chung 1 chân hươu" cái. Làng tôi lúc đó có 4 người chung mỗi người góp vốn trị giá "1 chân". Hươu giống được bắt của ông Nông ở Sơn Châu về. 3 năm sau tiếp tục làm mía tôi đủ vốn để sở hữu một con hươu cái. Thời điểm này giá hươu giống "đại nhảy vọt". Năm 1992, con hươu cái đẻ, tôi bán được hơn 45 triệu đồng.
Năm 2010, anh Trần Quý Huy cắt 2 lần nhung trên một con hươu, điều hiếm gặp trong nghề nuôi hươu ở Hương Sơn
Vận làm ăn đang lên như diều gặp gió thì từ 1995 - 1996 hươu "rớt giá" một cách thê thảm. Giá một con hươu giống từ 60 triệu đồng xuống 400 - 500 ngàn đồng. Vợ chồng tôi lúc đó cũng nản thật nhưng chẳng nhẽ phá chuồng để thả con vật đáng yêu này vào rừng. Hồi ấy, cán bộ nông nghiệp huyện Hương Sơn thường xuyên động viên bà con giáo dân nên bình tĩnh duy trì nghề nuôi hươu. Họ còn bảo nếu dân nghèo thiếu vốn họ sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Bởi, suy đi tính lại hươu giống có bị ế nhưng lộc nhung không bao giờ ế cả. Một cặp nhung ít nhất đong được 1 tấn thóc, bằng nông dân cả năm làm quần quật ngoài đồng... Bây giờ, gia đình tôi làm ăn khá, xứ giáo khá hơn bằng nghề nuôi hươu cũng nhờ định hướng sáng suốt của huyện.
Ông Quang cho biết, nhà ông có 5 cậu con trai, nếu chỉ trông vào mấy sào ruộng khoán thì không bao giờ ngẩng mặt lên được. Suốt cả đời người, tiền lộc nhung và tiền bán hươu giống dành trọn cho cả 5 đứa con ăn học. Mùa nhung năm 2011, gia đình ông bán được 6 cặp nhung, thu 43 triệu đồng và ba con hươu giống 4 tháng tuổi mỗi con 10 triệu đồng.
Người em trai thứ hai của ông Quang là Trần Đức Sáng (53 tuổi, bộ đội phục viên từ chiến trường Campuchia về). Sáng nuôi sau người anh cả của mình nhưng có điều kiện hơn khi cơ chế nhà nước thông thoáng về chính sách, gia đình anh mạnh dạn vay vốn nuôi hươu. Bán được cặp nhung đầu tiên, anh dành để trả tiền ngân hàng. Rồi lại vay tiếp tiền để mua hươu giống.
Chỉ trong vòng 6 năm, Sáng đã trả hết nợ vay và bây giờ trong chuồng trại của gia đình anh có tổng đàn 20 con (15 con hươu đực và 5 con hươu cái). Khi hỏi về nguồn thu nhập này, Sáng chẳng hề giấu giếm, mỗi năm lợi nhuận từ 50 - 70 triệu đồng.
Chúng tôi tiếp tục tới xóm Đồng Đền - nơi ở của gia đình anh Trần Quý Huy, người em trai thứ ba. Huy năm nay 46 tuổi nhưng đã có kinh nghiệm nuôi hươu 20 năm. Chị Hà - vợ anh lấy trong tủ lạnh hai cặp nhung vừa cắt cho chúng tôi xem. Cặp nào cũng tươi roi rói, giá nhung năm nay 1,5 triệu đồng/lạng. Tổng số nhung trong chuồng phải hơn 100 triệu đồng tiền lãi.
Năm ngoái, giá nhung 1,1 triệu đồng/lạng, gia đình anh Huy có con hươu khỏe nhất đàn lên lộc tới 2 lần. Lần thứ nhất 1 kg bán được 11 triệu đồng, lần thứ 2 trọng lượng hươu 0,5 kg bán được 5,5 triệu đồng. Con hươu đó bỗng dưng trở thành sự kiện lạ cho nhiều khách lui tới. Họ tìm hiểu bí quyết nuôi hươu cho thức ăn gì mà lộc tốt vậy thì anh chỉ ra vườn chuối hột đang phủ kín quanh nhà cùng với ba sào sắn. Để giữ chất lượng nhung và sức khỏe cho đàn hươu 30 con, gia đình anh duy trì thức ăn tự trồng, tuyệt đối không cho hươu ăn thức ăn tăng trọng.
Cả làng nuôi hươu
Đến xã Sơn Lâm những ngày này dường như thôn nào, xóm nào cũng dấy lên không khí sôi động cắt lộc nhung ở từng gia đình. Dưới những vườn đồi phủ trắng màu hoa trẩu là mùi rượu huyết hươu bay lên sực nức. Khi đường bê tông càng vươn dài thì dân chúng càng hỉ hả vì có khách xa lui tới. Những chiếc xe con bóng loáng đỗ tận ngõ. Chủ và khách cùng tận hưởng chén rượu huyết đậm đặc, sảng khoái. Những ông khách sộp cứ thấy nhung đẹp là bảo "cắt lộc" chứ không hề mặc cả.
Sơn Lâm tuy là nơi sơn cước nhưng năm nào cũng vậy, đến độ màu hoa trẩu nở là khách lại về... Khi "lộc" có" lối ra" thì cả làng đều tập trung lấy con hươu làm nghề chăn nuôi chính. Năm 1988, cả xã mới có 3 hộ nuôi thì đến nay đã có 400 gia đình nuôi hươu (chiếm 2/3 số dân), đưa tổng đàn lên 1.900 con, với doanh thu hơn 10 tỷ đồng.
Điều cảm nhận khá thú vị của tôi khi tới chốn thâm sơn cùng cốc này, dường như nuôi hươu ở xã Sơn Lâm đã xóa đi ranh giới giàu nghèo. Ai cũng nuôi được, ai cũng làm được, giữa cán bộ xã và dân đều bình đẳng như nhau. Tình làng nghĩa xóm sau bát nước chè xanh còn có chén rượu nồng của Lộc. Hươu càng nhiều đất càng phát lộc, tình làng nghĩa xóm càng keo sơn gắn bó.
Bình luận (0)