Liệu những biến cố lớn trong cuộc đời của người phụ nữ có phải là nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh trầm cảm, hoang tưởng này?
Mẹ nhốt con gái 11 tuổi trong nhà chung cư
Người mẹ kỳ quặc này là chị Trần Thị Hồng N. (44 tuổi, HKTT tại Bắc Linh Đàm, Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội; hiện tạm trú tại No 1A tổ 20 bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai). Sự việc chị N. nhốt con gái là cháu Võ Thu H. (11 tuổi) không cho đi học đang gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Thông tin sơ bộ từ chính quyền địa phương, năm 2004, chị N. kết hôn với anh Võ Quý H. (47 tuổi, quê Nghệ An). Năm 2005, chị N. sinh cháu Võ Thu H., đến năm 2007 chị N. và anh H. ly hôn. Năm 2008 anh H. lấy vợ mới, hiện tạm trú tại quận Hoàng Mai. Sau khi hai vợ chồng ly hôn, theo phán quyết của tòa án, cháu Võ Thu H. ở với mẹ là chị Trần Thị Hồng N.
Về phía chị Trần Thị Hồng N., từ năm 2008, chị N. cùng con gái đến ở tại căn hộ tầng 7 chung cư No1A bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, nhưng không chuyển hộ khẩu về đây. Đến đầu năm 2013, qua công tác nắm tình hình, Công an phường Hoàng Liệt nắm được thông tin chị N. do có dấu hiệu hoang tưởng đã không cho con gái - cháu Võ Thu H. (lúc đó 8 tuổi) đi học nên đã báo cáo sự việc tới chính quyền địa phương.
Ông Tạ Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn xã phường Hoàng Liệt cho biết, tại thời điểm trên, sau khi có báo cáo của công an phường, ông Hải đã trực tiếp cùng cán bộ dân phố, CSKV xuống nhà chị N. để nắm thông tin, vận động chị N. cho cháu H. đi học. Khi đến nhà, chị N. không mở cửa cho mọi người vào mà chỉ mở hé ô cửa sổ ra nói chuyện.
Quan sát qua cửa sổ, ông Hải thấy trong nhà có đồ dùng sinh hoạt như những gia đình bình thường khác. Vào thời điểm trên, cháu Võ Thu H. là một đứa trẻ khá hoạt bát, khỏe mạnh. Hỏi chuyện chị N., thấy chị nói chuyện bình thường. Tuy nhiên, khi hỏi đến việc tại sao không cho con đi học thì chị N. nổi nóng, bảo chị không cần cho đi học vì chị có thể dạy con học ở nhà được. Chị N. bảo cháu H. đọc và viết chữ để chứng minh cho mọi người.
Sau đó, chính quyền địa phương đã liên hệ người thân chị N. và chồng cũ đến nói chuyện nhưng chị N. cũng không mở cửa cho vào. Đặc biệt, cứ nhắc đến chuyện con cái và tài sản là chị phát khùng. Chị N. cho rằng có người muốn chiếm đoạt tài sản và làm hại con gái mình.
Cũng theo những người ở tổ dân phố thì từ khi đến ở chung cư No1A Linh Đàm, chị Trần Thị Hồng N. sống khép kín, không giao lưu với hàng xóm, cũng không cho bất cứ ai vào nhà mình. Bảo vệ tòa nhà cho biết, chị N. rất ít ra ngoài, thỉnh thoảng đi siêu thị mua rất nhiều đồ ăn về nhà. Có thời gian, chị N. không mua đồ về nấu ăn mà gọi đồ ăn sẵn đến phục vụ để không ra ngoài, gọi nhiều đến mức bảo vệ phải thắc mắc tại sao ngày nào cũng gọi cơm gà.
Còn mỗi lần ra ngoài, chị N. rất cảnh giác, lúc nào cũng đội mũ bảo hiểm, kể cả đi bộ và khi lên taxi. Trong tay chị N. bao giờ cũng cầm theo một vật cứng (thường là cái búa đinh) để tự bảo vệ. Do chị N. kỳ dị như vậy nên người dân cũng ngại tiếp xúc, sợ chị nổi nóng sẽ chửi bới.
Cháu Võ Thu H. hòa nhập với mọi người khi được tiếp xúc.
Thông tin từ phía người thân của chị N. cho biết, chị N. là con út trong gia đình có 4 anh chị em. Trước đây chị N. dạy tiếng Anh và dịch thuật. Chị N. không có tiền sử bệnh tật gì. Từ ngày chuyển về sống tại khu chung cư Linh Đàm, chị N. không đi làm, chỉ ở nhà với con. Khi hỏi nguồn thu nhập để hai mẹ con sinh sống, chị N. nói có sổ tiết kiệm gửi ngân hàng.
Từ năm 2013 đến nay, chính quyền, các ban ngành đoàn thể địa phương, cán bộ dân phố, cảnh sát khu vực... kiên trì theo dõi, vận động chị N. cho con đi học nhưng chị N. không mở cửa, không muốn nói chuyện, không muốn nhắc đến việc cho cháu H. đi học. Các buổi làm việc đều chỉ qua cửa sổ. Những dịp lễ, tết Trung thu, UBND phường cử cán bộ mang quà tới nhà cho cháu H. nhưng chị N. cũng không cho vào nên phải đặt quà ở cửa sổ. Chị N. có nhận quà và cảm ơn nhưng sau đó mang quà tặng lại tổ dân phố.
UBND quận và phường cũng đã trao đổi, vận động, thuyết phục nhiều lần nhưng cũng không nhận được sự hợp tác tích cực từ gia đình, người thân của chị N. và bố đẻ cháu H.
Việc chị Trần Thị Hồng N. không cho cháu Võ Thu H. đi học là vi phạm quyền trẻ em, song cái khó trong giải quyết vụ việc, theo ông Tạ Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, là mặc dù chị N. có biểu hiện hoang tưởng về việc có người muốn hại con chị và chiếm đoạt tài sản, song chị N. không có tiền sử bệnh tật nên không có căn cứ để cưỡng chế đưa chị N. đi chữa bệnh.
Chính quyền địa phương chỉ lập hồ sơ để tiến hành xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quyền trẻ em của chị N. Tuy nhiên, do chị N. diễn biến tâm lý bất thường, dễ nổi khùng nên việc tiếp xúc, giải quyết với chị N. cũng phải hết sức cân nhắc, tính toán để tránh chị N. bị kích động nếu có biện pháp xử lý cứng rắn, có thể dẫn tới những hành vi tiêu cực khó lường cho cả hai mẹ con.
Gần đây nhất, ngày 20-12 vừa qua, khi phát hiện có một số phóng viên tìm đến chung cư chụp ảnh hai mẹ con và phản ánh sự việc, chiều tối cùng ngày, chị N. đã dẫn cháu Võ Thu H. đi thuê khách sạn ở khu vực quận Cầu Giấy ở. Đến ngày 25-12, Công an phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) thông báo và bàn giao cháu H. cho Công an phường Hoàng Liệt do cháu bị lạc mẹ.
Sau khi tiếp nhận, chính quyền địa phương đã liên lạc với chị Trần Thị Hồng N. để nhận lại con. Trong thời gian chị N. chưa đến, UBND phường Hoàng Liệt đã tổ chức một nhóm học sinh cùng lứa tuổi và cô giáo đến vui chơi, tiếp xúc với cháu H. Tuy rụt rè, ít nói, kém hoạt bát nhưng cháu H. cũng hòa đồng cùng bạn bè.
Phường cũng cử cán bộ y tế thăm khám, kiểm tra sức khỏe cho cháu H., thấy cháu khỏe mạnh, phát triển bình thường, không có biểu hiện bệnh tật. Mặc dù không được đi học nhưng cháu có thể đọc được chữ trên khẩu hiệu ở trụ sở UBND phường.
Sau nhiều lần liên lạc, khoảng 17h ngày 26-12, chị N đã đến UBND phường Hoàng Liệt. Tại buổi làm việc, cán bộ phường đã trao đổi với chị N. sẽ tạo điều kiện tốt nhất nếu chị cho con đi học, kể cả miễn giảm học phí và bố trí lớp học phù hợp với trình độ của cháu H. Chị N. ban đầu lấy lý do đã chuyển nhà đi nơi khác, lý do con bị bệnh, sợ cháu không hòa nhập nên sẽ dạy cháu tại nhà và chị có đủ trình độ sư phạm để dạy. Tuy nhiên sau khi được phân tích, chị N. cũng đồng ý cam kết sẽ cho con đi học.
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi được tiếp xúc trực tiếp với chị N. kể từ khi phát hiện sự việc. Tại buổi làm việc này, chúng tôi rất mừng vì chị N. đã không nổi nóng như trước khi đề cập đến việc cho cháu H. đi học. Chị ấy chủ động xin số điện thoại của nhà trường để liên hệ. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng” - ông Tạ Văn Hải cho biết.
Cần sự quan tâm, chia sẻ
Chuyện về hành động kỳ dị không cho con đi học như chị N. ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai không phải là trường hợp duy nhất. Năm 2014, ở phường Phúc Đồng, quận Long Biên cũng xảy ra trường hợp tương tự. Đó là chị Nguyễn Thị M. (42 tuổi, ở tổ 9 phường Phúc Đồng), do bị bệnh hoang tưởng cũng cho con gái 9 tuổi nghỉ học ở nhà, không cho ai vào nhà, kể cả người thân.
Chị M. còn làm đơn gửi chính quyền địa phương tố cáo chồng và anh trai xâm hại con gái, cho cháu sử dụng ma túy. Bệnh hoang tưởng nặng đến mức chị M. cho xây lô cốt 2 lần cửa khóa giữa nhà, nhốt con gái vào trong đó. Sau khi phát hiện sự việc, chính quyền và các đoàn thể địa phương đã vào cuộc, tiến hành giải cứu cháu bé. Đối với chị M., ngoài hành vi xây lô cốt nhốt con gái, Cơ quan Công an cũng kết luận việc chị M. tố cáo là hoang tưởng, sai sự thật. Từ những căn cứ này, chính quyền địa phương đã đưa chị M. đi chữa bệnh bắt buộc tại bệnh viện tâm thần.
Hiếm khi hai mẹ con chị Trần Thị Hồng N. ra ngoài.
Trường hợp chị Nguyễn Thị M. ở quận Long Biên, qua tìm hiểu được biết chồng chị M. nghiện ma túy nhiều năm. Có thời gian chị M. đưa con về nhà mẹ đẻ ở thì phát sinh mâu thuẫn với những người thân trong gia đình. Những bế tắc trong cuộc sống kéo dài có thể là nguyên nhân khiến chị M. mắc bệnh.
Còn đối với trường hợp chị Trần Thị Hồng N. ở phường Hoàng Liệt, theo các cán bộ tham gia giải quyết vụ việc nhận định, mặc dù không có bệnh án nhưng những biểu hiện của chị N. cho thấy rất giống với chứng bệnh hoang tưởng. Nguyên nhân có thể xuất phát từ những biến cố mà chị N. đã phải trải qua. Như sự phản đối của gia đình chị N. khi chị quyết định kết hôn với anh H. Chị N. đã chọn quyết định là từ bỏ quan hệ gia đình để kết hôn với người chồng.
Tuy nhiên, sau khi sinh con chưa đầy 2 năm thì chị N. và anh H. ly hôn. Người phụ nữ đã dứt tình với gia đình để lựa chọn chồng, nhưng cuối cùng hôn nhân lại không hạnh phúc. Chỗ dựa duy nhất là người chồng cũng không còn. Phải ly hôn khi con còn nhỏ, lại một mình nuôi con, đó có thể là nguyên do khiến chị N. có những suy nghĩ tiêu cực.
Người đáng trách nhất ở đây là cha của cháu Võ Thu H. Đành rằng mỗi lần đến thăm, chị N. không cho chồng cũ vào nhà, gây khó khăn cho việc gặp gỡ, thăm con của anh H. Nhưng rõ ràng, anh H. biết rõ việc vợ cũ không cho con đi học nhưng đã không có biện pháp can thiệp quyết liệt cần thiết của một người làm cha.
Theo một cán bộ tư pháp, mặc dù đã ly hôn vợ nhưng với quyền làm cha, anh H. hoàn toàn có thể làm đơn đến cơ quan chức năng đề nghị can thiệp, giao quyền nuôi con cho mình bởi hành vi không cho cháu H. được đến trường của chị N. là vi phạm quyền trẻ em.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên ANTG, ông Tạ Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt cho biết, từ năm 2013, sau khi phát hiện sự việc chị Trần Thị Hồng N. không cho cháu Võ Thu H. đi học, chính quyền địa phương đã làm việc với anh H. nhiều lần để vận động anh H. phối hợp, cùng chính quyền giải quyết việc để cho cháu H. được đi học và có người chăm sóc theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên anh H. cho biết nếu buộc phải nhận nuôi con thì anh H. sẽ gửi con gái về quê cho bà nội chăm sóc bởi anh không có điều kiện.
“Mục tiêu của chúng tôi trong giải quyết vụ việc là để cháu H có được sự chăm sóc, yêu thương của bố mẹ, chứ không phải tách cháu khỏi mẹ để rồi đưa cháu đến một nơi khác mà chúng tôi không biết cháu sẽ được chăm sóc, học hành ra sao” - ông Hải chia sẻ.
Theo một bác sĩ chuyên khoa tâm thần, triệu chứng chỉ có một suy nghĩ hoang tưởng kéo dài (như nghi ngờ người khác) là biểu hiện của bệnh rối loạn hoang tưởng dai dẳng, rất hay gặp ở lứa tuổi trung niên. Người bệnh thường chỉ có một khía cạnh đó là không bình thường, còn tất cả các hoạt động và suy nghĩ khác đều bình thường nên bản thân họ không bao giờ thừa nhận bị bệnh.
Nguyên nhân của bệnh thường xuất hiện sau những biến cố lớn của cuộc sống khiến người bệnh phải suy nghĩ, sinh ra mất ngủ, lo lắng rồi có những biểu hiện, hành vi khác thường. Thực tế, không ít bệnh nhân là phụ nữ đã mắc chứng bệnh này. Thông thường gặp ở những phụ nữ rơi vào hoàn cảnh hôn nhân không hạnh phúc, lại không nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ của gia đình, người thân.
Những cú sốc về mặt tình cảm, kinh tế, sức khỏe... vượt quá sức chịu đựng của họ, hoặc bản thân họ âm thầm chịu đựng, không chia sẻ với ai, lâu ngày thành stress về mặt tâm lý dẫn tới suy nghĩ, mất ngủ triền miên. Chứng hoang tưởng được hình thành trong một thời gian dài, có khi vài năm sau mới có biểu hiện rõ ràng. Chính vì vậy, nếu không có sự quan tâm, sát sao của người thân thì khó nhận ra những biểu hiện bất thường của người bệnh trước khi tiến triển thành bệnh nặng.
Trong vụ việc của chị Nguyễn Thị M. và Trần Thị Hồng N. nêu trên, bên cạnh trách nhiệm của chính quyền địa phương thì để các cháu nhỏ được phát triển bình thường, rất cần sự quan tâm, chia sẻ của chính người thân trong gia đình.
Bình luận (0)