Phượng - cô gái 30 tuổi trước khi về quê hương định cư đã có 10 năm sinh sống và làm việc ở Đài Loan. Cho tới giờ, cô vẫn giữ liên lạc với các mối quan hệ nơi xứ người và gây dựng việc làm ăn ở đó. Cô mở quán cà phê để kiếm sống nhưng nguồn thu chủ yếu lại đến từ bán sim điện thoại và lương thực, thực phẩm cho các tàu hàng nước ngoài, nhiều nhất là tàu của Trung Quốc neo đậu, trả lấy hàng tại Nghệ An.
Thường thường, khi tàu cập cảng, Phượng nhận được các cuộc gọi đặt hàng. Cô tổng hợp lại thành danh sách, sáng hôm sau đi chợ sớm mua hàng rồi đưa tới tận tàu cho khách. Tối hôm đó, ngồi uống cà phê, Phượng kể chuyện đời và giới thiệu với tôi về chợ cá Cửa Lò. Cô bảo, nhiều người lầm tưởng ở Cửa Lò chỉ có chợ hải sản nằm giữa trung tâm khu du lịch ven biển nhộn nhịp này. Thực ra ở đây còn có một chợ cá khác vẫn còn giữ những nét dân dã của người dân làng chài. Chợ họp từ 3 giờ sáng, nhưng đông đúc, nhộn nhịp nhất là từ 4 - 6 giờ sáng. "Hôm nào em cũng đi chợ cá mua đồ cho khách vừa tươi ngon, vừa rẻ. Nếu chị muốn đi thì đi cùng em" - Phượng gợi ý.
Đúng hẹn, trời còn tối mịt Phượng đón tôi đi chợ cá. Lúc đó, nhìn về phía Đông chỉ có một vệt ửng đỏ mờ mờ. Chạy xe chừng 10 phút, chúng tôi đã có mặt tại chợ cảng cá Cửa Lò. Chợ họp ngay cạnh con lạch lớn nối liền với cửa sông Cấm. Lúc này không khí rất nhộn nhịp. Vị cá biển tanh nồng, tươi rói. Mặt sông lấp loáng, nhấp nháy ánh đèn từ những chiếc thuyền đang vào bến thả neo. Tiếng thuyền máy khuấy động cả quãng sông dài.
Trên những chiếc tàu vừa cập bến, người ta mở khoang đầy cá, mực, tôm còn bật nhảy tanh tách để chuyển lên bến. Trên bờ sông, hàng trăm tiểu thương, chủ yếu là phụ nữ tay thúng, tay mẹt đi lại như mắc cửi cất hàng. Có không ít người lội ào xuống sông dầm mình trong nước đợi tàu về để là những người đầu tiên lựa chọn những sọt cá tươi ngon nhất. Nghe tiếng tàu về hàng chục phụ nữ xô tới thuyền mặc cả, mua bán. Không khí chợ cá trở nên huyên náo.
Từ các con tàu, từng rổ cá, tôm theo máng trượt trôi xuống bãi. Trong ánh sáng tờ mờ, những mớ cá tươi rói còn giẫy mình, da cá loang loáng ánh bạc. Nhiều nhất vẫn là cá nục, cá chỉ vàng, mực, sò lông. Mỗi thuyền đều cắt cử 1-2 người ở dưới bến vừa lo việc đón cá chuyển từ thuyền xuống, vừa đảm nhiệm việc bán cá. Tại nơi tập kết hàng, việc mua bán diễn ra hối hả: "Khay này tui mua rồi"; "cá ni bao nhiêu"; "dành cho tôi ba khay tôm này"... Tiếng giục giã, tiếng mặc cả, tranh giành bán mua của những người chạy chợ ồn ào cả bến sông.
Trong nhịp sống hối hả của chợ cá, có những bóng người lặng lẽ nhặt từng con cá rơi trên bến. Mỗi khi có thuyền về, họ tới hỏi thăm trò chuyện hoặc giúp chủ thuyền một vài việc lặt vặt. Như là một nếp quen định sẵn, chủ thuyền nào cũng hào phóng sẻ chia cho những người này ít cá trong khoang của mình.
Phượng nói với tôi, đó là những người đi xin cá. Những người này thường đi tới từng thuyền xin cá, thuyền này cho 5 con, thuyền kia cho 7 con hoặc nhặt những con cá, con tôm rơi vãi trong quá trình vận chuyển từ thuyền xuống bãi. Chỉ cần đi một lượt họ đã xin được một rổ cá. Mỗi ngày họ có thể xin được một vài rổ cá như thế đem ra chợ bán. Chừng đó họ cũng đủ sống cho một ngày.
5 giờ sáng, chợ cá lúc này vào giờ cao điểm. Người gồng, người gánh, bê vác, cắp bên hông những rổ cá, tôm còn tươi rói hối hả đi lại trong chợ. Một số người khi đã mua buôn được từ các tàu với lượng hàng nhất định bắt đầu chọn chỗ thuận lợi nhất yên vị bày tôm cá ra mẹt, chậu để bán lẻ cho khách. Một số con buôn ở xa vội vã xuống bến rửa sạch số tôm cá mua được rồi quàng buộc đưa lên xe chở về các chợ ở các địa phương xung quanh bán.
Bán gần hết chỗ tôm mà chồng và con trai mới đánh bắt về, bà Nguyễn Thị Hoa mới được ngơi tay một chút. Bà thư thả lựa những con tôm to vào một khay riêng để bán lẻ cho khách du lịch. Bà Hoa năm nay 70 tuổi, đã gắn bó gần như cả cuộc đời với bến cá này trò chuyện với tôi bằng chất giọng nằng nặng của người miền Trung: "Chúng tôi chủ yếu đánh bắt cá gần bờ. Chiều hôm trước ra biển, đánh bắt đến quá nửa đêm thì trở về. Thuyền về lúc nào chợ họp lúc đó".
Sinh ra và lớn lên ở Cửa Lò, đã góp mặt vào không biết bao nhiêu phiên chợ cá, nhưng bà Hoa cũng không biết chính xác chợ cá Cửa Lò có từ bao giờ. Bà bộc bạch: "Tôi không biết chợ cá này có từ bao giờ. Chỉ biết từ khi còn nhỏ, tôi đã theo mẹ ra chợ cá này rồi. Ngày xưa chợ cá nhỏ hẹp, dần dần mở rộng ra gấp 3, 4 lần để được như bây giờ. Nơi đây đã là nơi mưu sinh của hàng nghìn người như tôi".
Hỏi chuyện làm ăn, giọng bà có chút âu lo: "Nghề biển vất vả, nguy hiểm hơn nhiều so với các nghề khác. Làm việc trong đêm hôm, giữa sóng nước mênh mông không biết thế nào mà dè chừng. Cả gia đình 6 người nhà tôi trông mong vào chiếc thuyền này. Bây giờ tôm, cá ít đi nhiều so với trước kia nên cuộc sống của chúng tôi vất vả hơn. Chỉ mong ông trời thương cho mưa thuận, gió hòa, biển êm".
6 giờ sáng, một lượng lớn tiểu thương ở xa nhập đủ hàng lục đục lên xe rời chợ. Hàng chục chiếc xe máy thồ hàng cồng kềnh từ chợ cá phóng vun vút về các ngả đường cung cấp cho người dân các địa phương xung quanh tôm, cá còn tươi rói. Chợ cá Cửa Lò không vì thế mà vắng bớt, bởi thời điểm này khách du lịch đổ về chợ ngày càng nhiều. Họ tới chợ vừa để ngắm cảnh, vừa để mua hải sản. Khung cảnh trong chợ lúc này là sự hòa trộn giữa những người dân lao động lam lũ ăn mặc xuềnh xoàng với những du khách lịch sự. Một khách du lịch hồ hởi khoe với người bạn trong nhóm túi tôm vừa mua được. Tôm biển đỏ au, tươi nguyên mà chỉ có 120.000 đồng/kg. Ghẹ ngon 300.000 đồng/kg. Người bán hàng cũng cười tươi rói vì đã bán được gần hết hàng.
Chỉ họp trong chừng 3-4 tiếng đồng hồ, chợ cá Cửa Lò đã là nơi mưu sinh, nuôi sống cả ngàn người. Dù chỉ cách bãi biển sầm uất Cửa Lò với nhịp sống hiện đại, hào nhoáng hơn 1km, nhưng nơi đây vẫn giữ được hồn cốt của người dân chài vùng biển. Và ở đó vẫn còn nhiều điều thú vị để những du khách như tôi có thể khám phá mỗi khi đến với biển Cửa Lò.
Bình luận (0)