Cây mật nhân được người dân đào đem ra bán tại chợ Gia Nghĩa. Ảnh: Y Krăk
Anh Nguyễn Hoàng Tuyên ở xã Đắk P’lao (Đắk Glong) cho biết: “Xã Đắk P’lao hiện có khoảng gần 20 người chuyên đi vào rừng đào cây mật nhân đem về bán. Tôi thường vào những cánh rừng nằm giáp ranh giữa tỉnh Đắk Nông với tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng để đào vì ở đây rễ cây mật nhân có củ to, bán được giá. Tôi thường đi 2 đến 3 ngày, đào được chừng 30 kg vừa sức gùi ra khỏi rừng là về”.
Ông Trần Văn Kiệm từ tỉnh Quảng Ngãi lên đây “hành nghề” đào mật nhân đã được gần một tháng nay, cho biết: “Tôi đã đi khắp nơi để tìm đào mật nhân bán kiếm thu nhập. Nghe nói ở Đắk Nông cũng còn nhiều nên tôi đã rủ thêm nhiều người khác cùng đi. Mỗi ngày, tôi đều đào được từ 15 đến 20 kg tươi”.
Được biết, cây mật nhân có tên khoa học là Eurycoma longifolia Jack, họ thanh thất, thân gỗ, cao từ 4-8m, thân nhỏ ít phân cành. Theo kinh nghiệm dân gian, mật nhân dùng trong các trường hợp ăn uống không tiêu, ngoài ra chữa khí hư, say rượu, lá có thể nấu nước tắm để chữa ghẻ, ngứa.
Gần đây, loại cây này được đồn thổi là loại cây trị bách bệnh nên rất nhiều người mua. Vậy là nhiều người đi đào mật nhân về để bán.
Việc nhiều người dân thường vào các khu rừng tự nhiên hoặc các khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh để đào mật nhân đã và đang gây áp lực cho lực lượng kiểm lâm. Tuy nhiên, hầu hết những người đi đào mật nhân thường tìm cách “qua mặt” lực lượng kiểm lâm. Với cách khai thác tận diệt vì đào cả rễ thì có lẽ không bao lâu loại cây này sẽ bị “xóa sổ”.
Bình luận (0)