Họ là những người phụ nữ chuyên chèo thúng chuyển hàng hóa và người từ bờ ra các tàu đánh bắt thủy sản đang neo đậu tại cửa biển này. Công việc của các chị tuy đơn giản, nhưng đã giúp ích rất nhiều cho ngư dân, đồng thời cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể để các chị trang trải cuộc sống gia đình.
“Trợ thủ” đắc lực của ngư dân
Những ngày này, ở cửa biển Sa Cần, những chiếc tàu thi nhau nhổ neo tiến ra khơi xa. Những người phụ nữ làm nghề chèo thúng ở đây cũng tất bật theo. Chị Nguyễn Thị Bông (35 tuổi), ở thôn Vĩnh An, xã Bình Thạnh liên tục nhận được những cuộc điện thoại nhờ chuyển gạo, mì tôm, sữa và nước ngọt… từ trong bờ ra thuyền. Thấy chúng tôi loay hoay tìm cách ra các tàu câu mực neo ở cửa biển, một anh ngư dân liền nói: “Lấy số điện thoại này gọi taxi mà đi” khiến chúng tôi bất ngờ. Hỏi ra mới biết ở cửa biển này, ai muốn ra tàu đều sử dụng “dịch vụ” này.
Hầu như ngư dân nào ở cửa Sa Cần cũng đều có số điện thoại của các nữ “taxi”, để khi cần gì là nhờ đến họ. Đang hì hục với dầu nhớt trong khoang máy, ngư dân Nguyễn Tấn Lạc (57 tuổi), chủ con tàu QNg 95663 TS lấy điện thoại gọi cho “tài xế” quen: “Em mua giúp anh 5 hộp cơm nghen. Mai tàu ra khơi rồi nên anh em tranh thủ sửa máy cho xong”. 10 phút sau, những hộp cơm nóng hổi đã được đưa lên tàu. Tàu neo cách bờ gần 200m nên việc gì trong bờ ông Lạc cũng nhờ đến họ.
Hàng hóa và người được các nữ "taxi" đưa ra tàu neo ở cửa biển.
Cạnh tàu ông Lạc, là con tàu QNg 95807TS của ngư dân Trần Quân (45 tuổi), đang cùng vợ và anh em đi bạn tất bật “bỏ tổn” cho chuyến biển dài ngày. Ông Quân cho biết, mỗi chuyến biển tàu ông nhập gần chục tấn nhu yếu phẩm, gồm gạo, mì tôm, nước uống, bình gas… trị giá gần 200 triệu đồng. Mỗi lần như vậy ông đều nhờ đến “dịch vụ” này.
Tích tiểu thành đại
Đã có gần 10 năm làm nghề này ở cửa biển Sa Cần, chị Nguyễn Thị Loan (31 tuổi), ở thôn Vĩnh Trà, xã Bình Thạnh, quả quyết: “Ở đây, chỉ cần đọc ba số cuối tàu là chúng tôi biết liền tàu của ai, thường neo ở vị trí nào, sức máy bao nhiêu và tổn chất ở đâu, chở bao nhiêu tổn mỗi chuyến biển, chuyên đánh bắt loại hải sản nào”. Cũng theo chị Loan, giá “cước” cho dịch vụ “taxi” ở đây được các chị “niêm yết” công khai và thống nhất với nhau từ 3.000 đến 5.000 đồng cho mỗi lượt người và từ 20.000 đến 30.000 đồng/chuyến chở hàng.
Còn “dịch vụ” mua giúp cơm hay cà phê, thuốc lá… được quy định là 10.000 đồng cho mỗi lần mua, không giới hạn số lượng hộp, thông thường một lúc mua cho nhiều tàu. Không ai tự ý nâng giá hay lấy thêm tiền của ngư dân. “Ngày thường chúng tôi làm đủ nghề để kiếm sống. Tranh thủ những ngày cửa biển đông tàu, sẵn nhà lại có thúng nên cố gắng bỏ công chèo kiếm tiền. Nghề này hơi vất vả, nhưng chịu khó thì cũng kiếm được một khoản kha khá để trang trải cho gia đình”, chị Loan tâm sự.
Công việc tưởng chừng như đơn giản và ít người chú ý tới ấy đã giúp những người phụ nữ làng biển có được một khoản thu nhập đáng kể. Bình quân sau mỗi ngày chèo thúng ở cửa biển này, mỗi chị kiếm được gần 300 nghìn đồng. Những ngày tàu ra khơi đông như dịp đầu năm hay mùa cao điểm, các chị có thu nhập hơn 500 nghìn đồng mỗi ngày. Đây là một khoản thu đáng kể ở vùng quê chỉ có biển và cát trắng này.
Bình luận (0)