Tôi trở lại cồn Phú Đa thuộc xã Vĩnh Bình (Chợ Lách-Bến Tre) vào đầu tháng 5 âm lịch, khi trên khắp làng quê của Chợ Lách người dân lại náo nức chuẩn bị đón chào Ngày hội Cây - trái ngon, an toàn và sản phẩm nông nghiệp lần thứ XII. Từ trung tâm thị trấn, theo quốc lộ 57 chừng 7km rồi rẽ trái khoảng non 2km nữa là có thể đến được “thủ phủ” của Phú Đa. Cồn Phú Đa bao gồm 2 ấp là Phú Bình và Phú Đa, có chiều dài khoảng 4km, ngang khoảng 1km.
Học sinh ngày hè đi lựa ốc gạo Phú Đa.
Vùng đất rất trù phú này không chỉ được thiên nhiên ban tặng đất đai màu mỡ, nước ngọt quanh năm, cây trái xanh tươi bốn mùa mà nơi đây còn được ưu ái có thêm một đặc sản độc đáo nữa: ốc gạo. Đi trên những bờ đê ven sông được người dân đầu tư tôn cao để bảo vệ cây trái, có thể nhìn toàn bộ mặt sông - khai thác ốc gạo dài hơn 2km, trên diện tích khoảng 150ha, tập trung giáp giới các xã Phú Phụng, Sơn Định, Vĩnh Bình.
Theo nhiều người dân nơi đây, ốc gạo Phú Đa có từ rất lâu, khi người dân mới bắt đầu khai phá vùng đất cồn mới nổi này. Ban đầu, người dân bơi xuồng sang cồn lao động và mỗi khi nước cạn phải lội bộ ra xuồng và đã phát hiện ốc gạo.
Ông Ba Ngạn, ở ấp Phú Bình, nay đã ngoài 80 tuổi, từng sống lâu năm ở vùng đất này cho biết, ốc gạo được phát hiện từ những năm 1950, khi đó ốc nhiều vô kể nhưng ít có ai khai thác. Chỉ mấy người dân đưa đò như ông Sáu Đáo, ông Tư Hí bắt ốc thường xuyên.
Dụng cụ bắt cũng rất đơn giản là dùng rổ cào nhưng cũng chỉ để ăn, tặng bạn bè chứ chưa ai nghĩ đến chuyện mua bán. Dần dà, trữ lượng ốc gạo ngày càng nhiều, người dân mới nghĩ đến việc khai thác và bán sang nhiều địa phương khác.
Số liệu về sản lượng thu hoạch qua từng năm của UBND xã Vĩnh Bình cho thấy có khoảng 25 - 30 tấn. Còn theo Viện Hải dương học Nha Trang, trữ lượng ốc gạo ở Phú Đa có thể đạt tới 53 tấn và khả năng khai thác trung bình mỗi năm 30 tấn.
Trữ lượng lớn, nguồn tài nguyên đặc sản vô giá nhưng trong thời gian qua, việc tổ chức khai thác còn bất cập, nên có lúc nguồn tài nguyên này như cạn kiệt.
Theo chúng tôi tìm hiểu, trước năm 1975, sản lượng ốc khá nhiều, nhưng vài năm sau do con ốc gạo trở thành thương phẩm, bán ra thị trường thì tình trạng khai thác quá mức làm cho nguồn lợi này bị cạn kiệt dần. Bây giờ, người dân không chỉ khai thác theo cách cào bằng tay mà dùng cả cào điện, xung điện. Cho nên ốc đã ra đi.
Đến năm 2003, ốc đã quay về, làm cho người dân đất cồn hy vọng trở lại. Thấy được điều đó, chính quyền địa phương đã cho thành lập Hợp tác xã (HTX) lấy tên là Vĩnh Tiến để tổ chức quản lý, khai thác và bảo tồn nguồn lợi này có hiệu quả hơn.
HTX hiện có 142 xã viên khai thác 150ha mặt nước, đưa ra nhiều qui định để xã viên ý thức khai thác và bảo vệ tốt hơn. HTX cũng đã phối hợp với Hội Nghề cá Bến Tre thực hiện mô hình đồng quản lý để bảo tồn và khai thác thủy sản bền vững, bước đầu đem lại nhiều kết quả khả quan hơn.
Chủ nhiệm HTX là ông Nguyễn Văn Hưng rất phấn khởi cho rằng, vụ đầu tiên thu hoạch được 2,5 tấn, vụ thứ hai 12 tấn, vụ thứ ba khai thác trên 20 tấn và mỗi năm sản lượng thu hoạch đều tăng. Kết quả rất đáng phấn khởi làm nức lòng người dân.
Năm 2006 là năm thành công nhất của HTX vì đã thu hoạch trên 25 tấn, doanh thu trên 400 triệu đồng, mỗi xã viên được chia lãi 1 triệu đồng. Tuy nhiên, đặc điểm của ốc gạo là thường khai thác từ tháng 5 vào lúc mưa nhiều, nước đục thì ốc mập, nước chảy xiết, thì ốc vùi mình xuống bùn, hiện cách bờ sông khoảng 20m là có ốc gạo.
Cái khó nhất hiện nay là HTX phải hỗ trợ người dân biết cách khai thác, bởi thực tế cho thấy nguồn ốc gạo ngày càng cạn kiệt dần bởi sự khai thác theo kiểu hủy diệt trong nhiều năm trước đây. Ngoài ra, môi trường cũng đang là vấn đề băn khoăn của chính quyền địa phương, khi nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm.
Điều rất đáng quan ngại hiện nay là tình trạng khai thác cát sông bừa bãi tại khu vực đầu cồn Phú Đa ngày càng nghiêm trọng hơn. Có rất nhiều phương tiện xáng cạp ngày đêm khai thác sôi động, làm khu vực đầu cồn bị sạt lở nhanh và cách khu vực ốc gạo không xa.
Phó Chủ nhiệm HTX Trần Văn Tặng (Ba Ngói) cho rằng, sản lượng và chất lượng ốc gạo liệu có còn giữ vững? Cái khó nữa là trong vài năm trở lại đây, ốc gạo có xu hướng phát triển chậm, ốm do sự tấn công của một số loại ký sinh trùng làm ảnh hưởng đến chất lượng thịt ốc. Ký sinh trùng được người dân nơi đây gọi là con vẹm. HTX đã có nhờ Viện Hải dương học Nha Trang đến nghiên cứu tìm nguyên nhân loại ký sinh trùng gây hại ốc gạo để có biện pháp xử lý, nhưng sau quá trình điều tra khảo sát thì đơn vị này vẫn chưa có kết luận.
Hiện nay, HTX lại nhờ thêm đơn vị thứ hai là Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ đến khảo sát (đã được 1 năm) và theo trả lời của đơn vị này thì phải đến một năm nữa mới có kết quả. Khi tôi hỏi ông Ba Ngói, chờ lâu vậy liệu có còn ốc gạo không thì ông chỉ cười, lắc đầu. Còn Tết Đoan Ngọ năm nay, chắc chắn sẽ không có ốc gạo phục vụ du khách.
Mùa ốc gạo năm rồi, HTX chỉ thu hoạch khoảng 600kg, tuy sản lượng thực tế có nhiều hơn nhưng do bị con vẹm đeo bám nên ốc ốm, HTX không bán, sợ mất thương hiệu. Năm nay, qua khảo sát nhiều lần trong vài tháng gần đây, được biết sản lượng ốc gạo chỉ còn khoảng từ 2 - 3 tấn. Ông Ba Ngói cho hay, chắc sẽ không khai thác ốc gạo để phục vụ khách trong dịp Tết Đoan Ngọ này được.
Bình luận (0)