Những công đoạn làm tỉ mỉ của bánh chưng, bánh tét.
Những ngày cuối năm, mỗi ngày xóm bánh ra lò hàng chục ngàn chiếc bánh tét, bánh chưng. Ở xóm nhỏ tựa lưng vào núi này có đến 6 khu vực nấu bánh với 60 bếp củi cháy hừng hực ngày đêm.
Xóm bánh vào mùa
Từ con đường mới Nguyễn Tất Thành nối dài hướng về xóm Bàu Sen, người ta dễ bắt gặp những dãy xoong nồi cỡ đại, chứa 100 - 110 bánh/nồi dàn ngang, nhả khói lên trời. Nếp, đậu xanh, lá chuối, dây nhựa… từng bao để dọc khắp trong nhà ngoài hẻm. Bếp này đang nấu, nước réo ùng ục trong nồi, bếp kia vừa mới xếp bánh vào, chuẩn bị nhóm lửa. Không sức đâu mà xách từng xô nước để chêm, phải câu đường ống từ nhà ra khu vực nấu.
Những chiếc bánh chưng vuông vức, những đòn bánh tét tròn trịa, mướt xanh màu lá được chất đầy trên xe cút kít, hối hả từ hẻm ra đầu xóm để đặt mẻ bánh mới. Đèn pin, đèn măng-xông, bóng điện… chuẩn bị sẵn sàng để đêm canh bánh.
Người xóm bánh, không ai rảnh tay. Người già, trẻ con cũng phụ làm việc đơn giản như lau lá chuối, xếp lá, chuẩn bị dây buộc bánh… Xóm bánh vào mùa, nhịp điệu và thanh âm rộn rã, người người khuôn mặt tươi vui, làm ngày Tết cũng náo nức hơn.
Hỏi năm nay có bao nhiêu bánh đặt hàng, cư dân của xóm cũng chỉ biết áng chừng nhiều lắm. Nhu cầu tiêu thụ bánh chưng, bánh tét dịp Tết của người dân Quy Nhơn mỗi năm mỗi tăng, tỉ lệ thuận với kích cỡ nồi nấu bánh mà người dân xóm này mua sắm thêm để mở rộng quy mô sản xuất. Nhưng số chủ cơ sở làm bánh thì không tăng, vẫn chừng chục hộ, vẫn những cái tên quen thuộc làm nghề mấy chục năm nay như: Phạm Thị Hơn, Phan Thị Xê, Thái Thị Thanh, Hồ Thị Bốn, Hồ Thị Lan, Võ Thị Tường, Nguyễn Thị Phượng…
Bà Võ Thị Tường lý giải: “Những ngày cao điểm cận Tết, tui phải kêu thêm nhân công là hàng xóm láng giềng, bà con về phụ. Chi phí sản xuất coi bộ đơn giản vậy nhưng tốn kém lắm, các hộ đang làm đều theo nghề hàng chục năm nay, có “mối ruột” hết. Ngày tết, gần như cả xóm làm thì mới đủ cung ứng cho thị trường”.
Cụ Nguyễn Thị Cưỡng được xem là người đầu tiên có công khai sinh ra nghề làm bánh chưng, bánh tét ngày nay cho người dân xóm Bàu Sen. Cụ Cưỡng qua đời, hai con dâu Hồ Thị Bốn và Võ Thị Tường nối nghiệp mẹ chồng và dần mở rộng lò bánh gia đình, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động là con cháu, họ hàng trong gia đình; rồi lan dần cả xóm. |
Giá bánh chưng, bánh tét năm nay tiếp tục tăng, từ 65.000 - 70.000 đồng/bánh lên 80.000 - 85.000 đồng/bánh (cỡ lớn). Bà Hồ Thị Bốn, chủ cơ sở bánh Ái Liên, than thở: “Nếp, đậu xanh, thịt, dầu hành gia vị, cái gì cũng tăng giá, đội giá bánh lên. Nhưng, khổ nhất là lá chuối chát và củi ngày càng hiếm và đắt đỏ”.
Ông Phạm Tha, 54 tuổi, người chuyên canh lửa, nấu bánh ở đây, giải thích thêm: “Giá củi đắt quá, phải mua gỗ mục, gỗ xả (800 ngàn đồng/xe) về chụm xen kẽ với củi săn cho bớt hao. Một bó củi săn chỉ có 4 - 5 cây, giá 19.000 đồng, mỗi nồi bánh ngốn mất 20 bó, chưa kể củi mục”.
Nối nghiệp
Bây giờ, có mấy người trẻ biết gói cái bánh chưng bánh tét cho đẹp, cho ngon. Nhưng ở xóm bánh này, con trai con gái mười bảy đôi mươi đều biết làm bánh. Như, Nguyễn Thị Thúy Hằng, 22 tuổi và Lâm Hùng Cường, 28 tuổi, con cháu bà Võ Thị Tường, đều biết làm bánh từ năm 15, 17 tuổi. Hằng làm bánh quanh năm, còn Cường vốn làm thợ điện ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn), cuối năm được điều về “tăng cường”.
Để có một chiếc bánh hoàn hảo phải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ. Nhóm tước lá, lau lá; nhóm luộc thịt, đãi nếp, đãi đậu xanh; nhóm vo nhân; nhóm gói bánh, buộc lạt; sau cùng là nhóm nấu bánh (chuyển bánh ra khu vực nấu, xếp bánh vào nồi, chụm lửa, tiếp nước, vớt bánh). Nhóm phụ nữ “tay nghề cao” thường đảm nhận khâu gói bánh. Nhóm “choai choai” tay chân lanh lẹn được giao nhiệm vụ buộc lạt. Cánh đàn ông trung niên thường đảm nhận phần nấu bánh.
“Đây là công đoạn sau cùng nhưng rất quan trọng, quyết định bánh ngon, chín đều, không lại nếp. “Mấy ổng” chịu khó thức, chịu được muỗi cắn chớ giao phần này cho đám nhỏ, đêm nó ngủ quên không chêm nước để khét nồi hoặc lửa cháy “bụp xẹt”, tắt bếp rồi nhóm lại là tiêu tùng”, bà Hồ Thị Bốn vừa luôn tay gói bánh vừa cho biết.
“Đợt rày cao điểm cố làm cho kịp giao hàng, nhưng mấy đứa nhỏ phải làm cho đẹp, cho vuông, cho tròn. Người ngoài không biết, chứ con cái xóm bánh mà tết nhất không biết gói cái bánh chưng, bánh tét là không được!”, bà Võ Thị Tường tiếp lời chị dâu, căn dặn đám cháu.
* * *
Với cư dân của xóm, Tết này đặc biệt, bởi Bàu Sen đã được trả lại vẻ đẹp vốn có như tên gọi. Đường Nguyễn Tất Thành nối dài cũng đã thông xe, cái bức bối, ngột ngạt của xóm nghèo đã thành ký ức. Anh Nguyễn Văn Hồng vừa đẩy củi chụm nồi bánh, vừa trầm tư: “Rồi, cả khu này sẽ bị giải tỏa, chỗ đang đặt bếp nấu bánh vài năm nữa sẽ mọc lên khu sinh thái, chắc xóm bánh cũng mất luôn!”.
“Xóm bánh đến nay tuổi đời gần 30, từ một nhà làm bánh lan ra cả xóm, thành nghề truyền thống, cả Quy Nhơn này biết mặt đặt tên. Dù có đi đâu, ở đâu cũng phải theo nghề, chớ mất sao được!”, ông Phạm Tha, một cư dân của xóm, tiếp lời.
Bình luận (0)