xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thăm gia đình nữ phi công đầu tiên của Việt Nam

Theo Cao Cường (Lào Cai Online)

Không khó để hỏi thăm về gia đình của Nguyễn Ly Hương, phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai, nơi nữ phi công đầu tiên của Việt Nam đã sinh ra và lớn lên.

img
 
Nguyễn Ly Hương.
 
Chỉ vào ngôi nhà nhỏ hơn mức bình thường, chiều ngang chỉ rộng hơn 3 m, mẹ của Hương, cô giáo mới về hưu Nguyễn Bích Thuận giãi bày: "Bao nhiêu năm cả gia đình phải sống tằn tiện trong căn phòng tập thể trường học chưa đến 20m2 mới có được ngôi nhà riêng này. Chỉ cần con cái thành đạt là vui rồi".
 
Có lẽ niềm hạnh phúc nhất của Nguyễn Ly Hương là được sinh ra và trưởng thành trong gia đình công nhân viên chức nghèo, nhưng việc nuôi dạy con cái rất chuẩn mực. Cả sự nghiệp công tác của cô Nguyễn Bích Thuận gắn với môn văn, nhưng hai con gái lại có năng khiếu học các môn tự nhiên, nên cô vẫn khuyến khích.
 
Từ năm lớp 1 đến lớp 10, Nguyễn Ly Hương là học sinh giỏi, 2 năm cuối bậc phổ thông là học sinh tiên tiến của lớp chuyên Lý, trường THPT Chuyên Lào Cai. Cũng trong thời gian này, Hương đoạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi toàn tỉnh với môn vật lý.
 
Em của Hương là Nguyễn Diệu Linh hiện đang học lớp 12 chuyên Toán tại trường THPT Chuyên Lào Cai. Từ lớp 1 đến nay, Nguyễn Diệu Linh luôn giữ vững được danh hiệu học sinh giỏi.
 
Việc ngồi trong khoang lái máy bay như hiện nay của Nguyễn Ly Hương là khá tình cờ và ngẫu nhiên. Cô Nguyễn Bích Thuận tâm sự: "Nghe nói việc lựa chọn tiêu chuẩn các phi công ngặt nghèo lắm, nhưng từ bé không thấy em Hương toát lên vẻ gì thật đặc biệt để nghĩ tới sau này làm phi công". So với các bạn cùng trang lứa, Hương có chiều cao khá lý tưởng, 1m65.
 
 "Từ bé Hương không bao giờ ốm, ngoài chuyện sổ mũi, hắt hơi. Em rất ngoan và chăm học, "cầm tinh con lợn" nên không bộc lộ cá tính mạnh, nhưng không sợ… ma" - cô Thuận nói tiếp.
 
Hồi còn nhỏ, vào buổi tối, Hương thường xuyên một mình đi bộ đường đồi mấy km đến nhà bà ngoại ở làng Tát, xã Nam Cường. Trong khóa học THPT, duy nhất có Hương là đi xe đạp từ Bắc Lệnh tới trường chuyên khi đó tại phường Kim Tân.
 
Ấn tượng nhất của cô Nguyễn Bích Thuận với con gái là hôm Hương thi học sinh giỏi toàn tỉnh phải thức dậy từ 4 giờ để đạp xe tới trường nhận thẻ. Thấy bố mẹ lo lắng, Hương nói "bố mẹ đừng lo cho con, trên đường đi có 2 đám ma kia mà, cũng đỡ sợ hơn". Kỳ thi đại học, Hương đỗ liền hai trường, nhưng em đã từ chối giấy báo của trường Đại học Sư phạm để vào học trường Đại học Giao thông vận tải, vốn không phù hợp lắm với giới nữ.
 
Tốt nghiệp ngành quy hoạch đô thị, Hương được nhận vào làm việc tại một đơn vị chuyên ngành có danh tiếng của Hà Nội, nhưng đúng lúc đó có đợt thi tuyển phi công. Chỉ là thích được tận mắt nhìn thấy máy bay, nên nộp đơn dự tuyển thôi, nào ngờ Hương đã vượt qua tất cả các vòng sơ tuyển ngặt nghèo về thể lực và tâm lý.
 
Tại các vòng kiểm tra thể lực quay li tâm, Nguyễn Ly Hương lại cho "đo ván" cả ngàn thí sinh nam to cao, "khỏe như voi". Tại vòng thi này, thí sinh dang rộng chân tay và được cột chặt vào chiếc vòng trên quả cầu rồi máy sẽ đảo lộn quả cầu nhiều chiều để kiểm tra tiền đình, nhịp tim, huyết áp.
 
 Tiếp đó là các bài thi tiếng Anh chuyên ngành, kiến thức hàng không, kiểm tra phản xạ, tư duy lô-gic, độ nhạy cảm và quyết đoán để giải quyết những tình huống khẩn cấp, song với Nguyễn Ly Hương đều đạt điểm tối đa là "5 sao".
 
Một năm đào tạo cơ bản trong nước, thêm 2 năm khổ luyện tại Học viện Hàng không Montpellier (Pháp), với tấm bằng tốt nghiệp phi công thương mại, Nguyễn Ly Hương trở thành nữ phi công đầu tiên của Việt Nam từ cuối năm 2008. Tốt nghiệp khóa đào tạo, Nguyễn Ly Hương được nhận ngay vào Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tại đội bay 919 với các chặng bay ngắn trong nước.
 
Chuyên tuyến của Nguyễn Ly Hương là 45 phút bay từ sân bay Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) đi đảo huyện Phú Quốc (Kiên Giang). Hiện nữ phi công Nguyễn Ly Hương đang hội tụ thêm các tiêu chí bay tích lũy và khoảng 3.000 giờ ngồi trong khoang lái để có thể ngồi vào ghế cơ trưởng trên mỗi chuyến bay.
 
Trên tầng không, Hương được tận hưởng cảm giác phóng khoáng, tự do như những cánh chim, song ở quê nhà, cô Nguyễn Bích Thuận vẫn đau đáu vì thứ nghề của con gái vốn vất vả và nhiều rủi ro. Mức lương có thể đến hàng trăm triệu đồng/tháng, nhưng kể cả khi đã có bằng lái, tất cả phi công thương mại phải vượt qua các kỳ thi kiểm tra kiến thức, kiểm tra sức khỏe, tâm lý định kỳ 6 tháng một lần diễn ra suốt cuộc đời bay. Điều này cho thấy, phi công có tuổi thọ nghề không cao.
 
Khó khăn thứ hai là họ phải thường xuyên sống trái quy luật, bay qua nhiều vùng, miền khác nhau trên thế giới, với giờ giấc và thời tiết thay đổi liên tục và tiếp xúc nhiều với sóng điện từ trong buồng lái. Cách đây 10 năm, Vietnam Airlines đã từng sử dụng nữ phi công, nhưng tất cả họ đều là những phi công ngoại quốc.
 
"Từ khi có con gái làm phi công, các thành viên trong gia đình liên tục có cơ hội được ngồi máy bay đi du lịch trong và ngoài nước. Nhưng mong mỏi lớn nhất trong lúc này của cô là được bế cháu ngoại trên tay kia", cô Thuận tâm sự.
 
Nữ phi công Nguyễn Ly Hương đã có gia đình riêng, phu quân của cô là một nam phi công, con một vị Phó Tổng giám đốc Hàng không Việt Nam, bạn học cùng khóa đào tạo tại Pháp của Hương.
 
Lào Cai đã có quy hoạch xây dựng sân bay, biết đâu trong tương lai không xa, chúng ta lại được ngồi trên khoang máy bay chặng Lào Cai - Nội Bài do Nguyễn Ly Hương, người con của Lào Cai làm cơ trưởng khoang lái.
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo