“Nữ tướng” nối nghiệp chồng
Ở làng “thần đèn” cù lao Ông Chưởng (xã Long Điền A), ông Lương Thành Lũy (Tư Lũy, nhà cặp bến đò Lộ Mới, thuộc ấp Long Hòa 2) được xem như “sư tổ”, bởi ông là một trong những người đầu tiên nghĩ ra kỹ thuật dời nhà mà vẫn giữ nguyên mọi thứ bên trong. Những đệ tử sau nhiều năm theo Tư Lũy học nghề đã tích lũy vốn, kinh nghiệm, mở cơ sở làm riêng. Nhiều người trong số đó đã gặt hái thành công nhưng danh tiếng của Tư Lũy vẫn được tin tưởng nhất.
Đội thi công của Tư Lũy khi thực hiện công trình trên núi Cấm
Từ một nông dân chưa học hết lớp 4 trường làng, gia cảnh hết sức nghèo khó nhưng nhờ tài năng thiên bẩm, “thần đèn sư tổ” dần xây dựng được cơ ngơi. Ông thành lập Công ty TNHH MTV Tư Lũy rồi bôn ba khắp nơi để phát huy sở trường của nghiệp “thần đèn”. Danh tiếng ông nổi như cồn sau khi di dời, nâng cấp thành công những công trình lớn, thuộc dạng “thầy chê, kỹ sư chạy”, như: Chùa Vĩnh Tràng (di tích cấp quốc gia ở TP. Mỹ Tho), đình Long Hưng (huyện Châu Thành), “xoay” tượng đài nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang; dời căn biệt thự 3 tầng “lướt” qua hồ nước rộng đến 1.000 m2 ở Đồng Tháp; “sửa” 4 căn nhà liền kề cao 6 tầng bị nghiêng ở TP. Đà Lạt (Lâm Đồng)…
Khi sự nghiệp đang “ăn nên làm ra” thì Tư Lũy đột ngột qua đời năm 2011, để lại người vợ đã gắn bó cùng ông từ thuở hàn vi và 2 cậu con trai ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Bà Võ Thị Mè (vợ tư Lũy) nhớ lại: “Lúc đó, tôi gần như suy sụp tinh thần, không muốn làm gì nữa. Nhưng nghĩ lại, chồng tôi đã bỏ bao công sức gầy dựng sự nghiệp, lại còn phải lo cho 2 con cùng công ăn việc làm của hàng chục người thợ, tôi quyết tâm nối nghiệp chồng. Sinh thời, những lúc đi làm công trình ở gần, ông hay chở mẹ con tôi theo nên tôi cũng biết được kỹ thuật cơ bản. Nhờ sự hỗ trợ của cháu Lương Văn Hải (cháu ruột Tư Lũy, người đã theo ông nhiều năm), anh em thân thiết và sẵn mối làm ăn lâu nay của chồng để lại, tôi điều hành công ty khá dễ dàng”.
Không chỉ di dời nhà ở và các công trình trong nước, phu nhân “thần đèn” Tư Lũy còn thử sức sang Lào chỉ huy nâng cấp tháp A Chan Sữa – một ngôi tháp cổ linh thiêng ở đất nước Triệu Voi. “Tôi tập kết vật liệu, đem theo 14 người sang ăn nghỉ luôn trong chùa. Người ta lo hết chi phí ăn uống nên tôi chỉ lãnh công trình hơn 200 triệu đồng. Ngôi tháp này cao 3 tầng, hình vuông cạnh 5 m. Chúng tôi đã dời tháp sang vị trí khác, gia cố xong giàn móng mới di chuyển trở lại. Tính ra, trừ chi phí vật tư, trả công thợ, di chuyển đường xa… không có lời nhưng học được nhiều kinh nghiệm quý” – bà Mè chia sẻ.
Không những nối nghiệp chồng, “nữ thần đèn” còn nghiên cứu cải tiến kỹ thuật di dời nhà sao cho đạt hiệu quả tối ưu. “Nguyên tắc của việc di chuyển cả căn nhà hoặc công trình lớn là phải giữ cân bằng tất cả các vị trí, nếu một vài chỗ lún có thể gây nứt tường. Khi đội thi công của tôi di chuyển nhà, mọi sinh hoạt trong nhà vẫn diễn ra bình thường giống như không có tác động gì, đến ly nước để trên bàn còn không… nhúc nhích” – bà Mè tự tin.
Băn khoăn…
Một góc làng “thần đèn”
Thấy công việc dời nhà dễ “kiếm cơm” nên lực lượng “tiểu thần đèn”, rồi “tiểu tiểu thần đèn” đang nở rộ ở ấp Long Hòa 1 và Long Hòa 2 (xã Long Điền A). Người mở công ty, đăng ký kinh doanh đàng hoàng cũng có, mà làm “chui” cũng nhiều. Tình trạng này dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín làng “thần đèn”.
Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân di dời nhà Ba Tuấn, cho biết, trong hơn 20 năm theo nghiệp “thần đèn”, lần đầu tiên ông chẳng lãnh được công trình nào trong… suốt cả năm 2014. “Thường mỗi công trình tôi nhận có giá trên 100 triệu đồng. Dù đã thỏa thuận xong, thậm chí ký hợp đồng rồi nhưng vẫn bị mấy tay làm “chui” phá giá. Năm nay, tôi bị vuột mấy mối làm ăn kiểu như vậy. Mình thành lập doanh nghiệp, phải đóng thuế trong khi những người làm “chui” đâu phải đóng khoản tiền gì cho Nhà nước, làm sao cạnh tranh giá lại với họ” – ông Tuấn giãi bày.
Theo lời ông, quan trọng nhất trong khâu định giá di dời công trình là tính toán thời gian hoàn thành. “Công thợ di dời nhà 200.000 đồng/người, phải lo ăn uống luôn cho họ. Ví dụ, công trình huy động 15 người, mỗi ngày phải tốn 4 – 5 triệu đồng chi phí. Khi lãnh công trình, tôi thường tính sát giá theo thời gian hoàn thành. Sau khi trừ chi phí, đóng thuế, chỉ còn lời chút đỉnh. Nếu hạ giá bằng với những người làm “chui” vừa lỗ vốn, vừa không đảm bảo chất lượng” – ông Tuấn phân tích.
Theo ông Huỳnh Phú Tới, Phó Trưởng ban Nhân dân ấp Long Hòa 1, số lượng cơ sở dời nhà “chui” rất khó kiểm soát, bởi họ không treo bảng hiệu, không đăng ký kinh doanh với cơ quan chức năng. Những hộ này thường làm ruộng rẫy, làm thuê hoặc mua bán nhỏ gần nhà, khi có mối dời công trình thì mới tập kết thiết bị, nhân lực đi làm.
“Họ thường quan sát mối làm ăn của các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh, rồi chào giá thấp hơn để lôi kéo khách hàng. Nếu không có cách quản lý chặt lực lượng này như bắt buộc đăng ký, đóng thuế thì các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng khó cạnh tranh nổi” – ông Tới phân tích.
Làng “thần đèn” cù lao Ông Chưởng nổi tiếng gần xa không chỉ vì tính độc đáo của công việc, mà còn bởi tính phóng khoáng những “kỹ sư nông dân” Nam Bộ chính hiệu (dù không bằng cấp). Nếu vẫn để tồn tại tình trạng cạnh tranh không lành mạnh theo kiểu phá giá nhau mà không chú trọng chất lượng công trình, danh tiếng làng “thần đèn” có thể bị mai một trong tương lai.
Phó Chủ tịch UBND xã Long Điền A Võ Văn Tính cho biết, làng “thần đèn” hiện có 25 cơ sở đăng ký kinh doanh, giải quyết việc làm thường xuyên khoảng 500 lao động. Tư Lũy là người khởi xướng nghề “thần đèn”, sau đó những “đệ tử” của ông phát triển sự nghiệp riêng. Công việc này hầu như không cần quảng cáo, khách hàng tìm đến bởi “tiếng lành đồn xa”…
Bình luận (0)