xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thăm những ngôi chùa Nam bộ

Theo Diên Thốn (Thừa Thiên-Huế Online)

Những ngày này, tất cả chùa chiền, tự viện và bà con phật tử xứ Huế đều đang hân hoan chuẩn bị đón mừng Phật Đản PL 2555. Không khí ấy khiến tôi chợt bâng khuâng nhớ về những ngôi chùa miền Tây Nam Bộ mà mình vừa có duyên ghé thăm cách đây chưa lâu...

“Lạ lùng” chùa Xiêm Cán
 
Từ thị xã Bạc Liêu theo đường về Vĩnh Châu (Sóc Trăng) chừng 6 cây số, trên một khu đất thoáng rộng thuộc xã Hiệp Thành (Bạc Liêu) nổi lên một cụm công trình kiến trúc mang đậm phong cách Khmer gồm các nhóm chùa, tháp, mộ táng... với nhiều hoa văn, phù điêu, hoạ tiết tỉ mỉ và màu sắc rực rỡ, đó là chùa Xiêm Cán.
Thượng toạ trú trì Dương Quân giới thiệu với chúng tôi, chùa Xiêm Cán được xây dựng vào năm 1887. Sở dĩ có tên Xiêm Cán là do vị sư khai sơn ngược theo đường sông tiến sâu vào bên trong đất liền để chọn đất dựng chùa. Tiếng Khmer Xiêm Cán có nghĩa là “sông sâu”. Chùa tu theo hệ phái Nam tông (Theravada).
Như nhiều ngôi chùa Khmer khác, chánh điện của chùa Xiêm Cán được xây dựng quay mặt về hướng đông, bởi theo quan niệm của người Khmer, con đường tu hành để đạt chánh quả của Phật đi từ Tây sang Đông. Đối diện chánh điện là trụ biểu với hình tượng mãng xà vương 5 đầu, nơi đây dùng để thắp nến vào những ngày lễ với ngụ ý Phật pháp soi sáng cho nhân loại, giúp mọi người sống hướng thiện như chính loài rắn dữ đã được Đức Phật hoá duyên, giác ngộ.

img

Chánh điện chùa Xiêm Cán
 
Chùa được xây dựng mang kiến trúc Angkor của người Campuchia, thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang. Bên trong chánh điện (hay còn gọi là sala) phản ánh tính thẩm mỹ rất cao của người Khmer với những hoa văn độc đáo. Tại vị trí trung tâm trên nóc sala trang trí hình ảnh đền Angkor Wat – nơi khởi nguồn của phong cách kiến trúc Khmer. Trên những hàng cột là phù điêu các tiên nữ và những quái vật -hình ảnh ngụ ý những thử thách đối với phật tử trên bước tu tập...
 
Ngoài chánh điện, trong khuôn viên chùa còn có nhiều am cốc, nhà ở các sư sãi, mộ táng, 2 lò thiêu, đặc biệt là có rất nhiều tháp đựng tro cốt. Lúc chúng tôi đến, có một lò thiêu đang nổi lửa. Thân nhân của người quá cố đang ngồi chờ để nhận tro cốt. Lò thiêu ở đây vận hành theo lối thủ công, đốt bằng củi, thời gian từ lúc đưa vào cho đến lúc nhận tro cốt chừng hai tiếng rưỡi.
 
Một ống khói cao chừng chục mét dựng lên từ giữa lò thiêu nhả khói đen nghi ngút khiến chúng tôi không khỏi ái ngại cho những ai đang phải sống ở phía dưới ngọn gió. Một đồng nghiệp ở báo Bạc Liêu cho hay, đám tang của người Khmer thường để chừng 3 ngày, sau đó đưa vào chùa thiêu.
 
Ngôi chùa đối với người Khmer có ý nghĩa về mặt tinh thần vô cùng sâu đậm. Họ thường có câu “Sống vào chùa gửi thân, chết vào chùa gửi cốt”. Thế cho nên, gia đình nào có người quá vãng cũng cố để được thiêu và gửi tro cốt người thân ở chùa. Bắt chuyện với Thạch Ân, người đàn ông Khmer đang đứng bày vẻ cho mấy vị sư trẻ hoàn tất những công đoạn cuối cùng của một tháp đựng tro cốt, ông cho hay, ai có nhu cầu cứ vào xin với chùa, sẽ được cho đất để làm tháp đựng tro cốt của gia đình.
 
Không có điều kiện bắt buộc, tuỳ hỷ, cúng bao nhiêu cho chùa cũng được. Hỏi một ngôi tháp như vậy giá xây dựng bao nhiêu. “Như ngôi này làm kép công, giá cỡ ba chục triệu”-ông Thạch Ân trả lời. Một ngôi tháp có thể được chia làm nhiều tầng, chứa được hàng chục bộ tro cốt của gia tộc, so với giá xây một ngôi mộ (chỉ cho 1 người) ở Huế giá có khi lên tới vài chục, thậm chí cả vài trăm triệu, thấy dễ chịu hơn nhiều.
 
Chùa Xiêm Cán không chỉ là nơi thờ Phật mà còn như mái nhà chung của dân chúng trong vùng. Tại chùa có trường dạy chữ Khmer, chữ Ba-li, kinh Phật .... Ngoài ra còn là nơi diễn ra các lễ hội truyền thống của người Khmer như Ok Om bok (cúng trăng-tháng 11), tết Chol Chnam Thmay (14-16/4), Đôn Ta (30-8 theo lịch Khmer, đây là lễ cúng, tưởng nhớ, cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà... tương tự như rằm Vu Lan của Phật giáo Bắc tông vậy)...
 
Thời điểm chúng tôi đến đang là tiết thanh minh, các gia đình kéo đến chùa tảo mộ rất đông. Tảo mộ xong, bà con thiết cỗ bàn để cúng rồi cùng ăn uống rất rộn ràng, thân mật. Có điều, ngay trong khuôn viên chùa, người ta vẫn bày cúng thịt, cá...Người Huế không hiểu sẽ thấy rất lạ, nhưng với người dân miền Tây và với Phật giáo Khmer thì đó là điều hết sức bình thường...

img

Thượng tọa Dương Quân, Trụ trì chùa Xiêm Cán - tiếp đoàn Báo Thừa Thiên- Huế
 
Tăng chúng trong chùa Xiêm Cán hiện có 35 vị; tín đồ là người Khmer khoảng 2.000 gia đình, ngoài ra còn có cả phật tử là người Hoa, người Việt. Năm 2001, chùa được công nhận là Di tích kiến trúc, nghệ thuật văn hoá cấp tỉnh-một địa chỉ du lịch-tâm linh của Bạc Liêu được nhiều người biết đến.

Bâng khuâng chùa Dơi

Trong lúc đó, người bạn láng giềng ở phía Bắc của Bạc Liêu là Sóc Trăng cũng lại có một ngôi cổ tự thuộc hệ phái Phật giáo Khmer nhưng còn có phần nổi tiếng hơn nữa, đó là chùa Dơi. Đây là ngôi chùa 400 năm tuổi và được đánh giá là điển hình nhất trong hơn 600 ngôi chùa của đồng bào Khmer với quần thể kiến trúc đẹp.

Chùa Dơi là tên gọi dân gian, còn tên chính thức của chùa là chùa Mã Tộc, hay chùa Wathsêrâytecho Mahatup. Sở dĩ người ta gọi là chùa Dơi bởi ngôi chùa này từ cách đây rất lâu bỗng có rất nhiều dơi tìm đến trú ngụ. Không phải dơi... nhi đồng như chúng ta vẫn thường thấy mà là loài dơi khổng lồ-gọi là dơi quạ- với sải cánh từ 1-1,2m, lại có những con lớn có sải cánh lên tới 1,5m. Người ta ước tính, lúc cao điểm, đàn dơi tại chùa Mã Tộc có đến cả triệu con.
 
“Nhưng đó là trước kia, còn bây giờ, đàn dơi tại đây còn chỉ cỡ 1/10 hoặc hơn hơn một chút”-Phó Tổng biên Báo Sóc Trăng, anh Ba Xuân nói với chúng tôi bằng giọng buồn buồn. Nguyên nhân là bởi nhiều người rất khoái thịt loài dơi này, cho nên tìm cách bẫy, bắn. Thịt dơi quạ nay được xem là đặc sản có giá tới hơn 200.000đ/kg. Dù đã bị cấm, nhưng nếu có... nhu cầu thì vẫn có nguồn đáp ứng. Với đà này, nếu không xoay chuyển nhận thức của mọi người, không có những giải pháp chế tài quyết liệt thì cái tên “Dơi” của chùa sẽ không mấy chốc mà trở thành hoài niệm...
 
Cũng theo anh Ba Xuân, thức ăn chính của đàn dơi chùa Mã Tộc là các loại trái cây. Vậy nhưng có một điều lạ mà không ai lý giải được là trái cây trong vườn chùa khá nhiều, thế nhưng đàn dơi không hề đụng tới. Cứ mỗi tối, chúng lại rủ nhau bay đi kiếm ăn đâu tận Bạc Liêu, Cà Mau... Tờ mờ sáng lại kéo nhau về vườn chùa, treo lơ lửng và vùi vào giấc ngủ trên tít những ngọn cây.
Không chỉ có dơi, trong chùa Mã Tộc nghe nói còn có những bộ kinh, luận của nhà Phật được viết trên lá thốt nốt, những pho tượng tứ linh long-lân-quy-phượng... được xem như những bảo vật của chùa mà không phải ai cũng có duyên để được nhìn thấy.

img

Tượng Phật ở chùa Vĩnh Tràng
 
Khuya ngày 15-8-2007, một sự kiện gây chấn động dư luận trong và ngoài nước: Một cây đèn cầy bị ngã đổ đã gây nên một trận hoả hoạn lớn thiêu rụi chính điện ngôi chùa. Hầu như mọi thứ đều bị ngọn lửa “hoá thân”, duy chỉ còn bức tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đá, cao chừng 1,6m thờ ở giữa chính điện là còn sót lại.
 
Ngay sau đó, được sự đầu tư của nhà nước, các cấp chính quyền, chánh điện chùa Dơi đã được phục dựng lại như nguyên bản cũ với tổng số kinh phí trên 2,8 tỷ đồng. Nhà chùa và các phật tử cũng quyên góp thêm để xây dựng một số hạng mục khác, tôn tạo thêm cảnh quan và không gian sinh hoạt của chùa...
 
Cũng giống như Đại nội hay Thiên Mụ của Huế, chùa Dơi từ lâu đã là một điểm đến không thể bỏ qua đối với bất cứ ai có dịp về Sóc Trăng.
Ấm áp Vĩnh Tràng
 
Bên cạnh những ngôi chùa Khmer thì chùa Vĩnh Tràng ở Tiền Giang lại là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở miền Tây Nam bộ theo hệ phái Phật giáo Bắc Tông (hay còn gọi là Phật giáo Đại thừa).
 
Chùa tọa lạc trên một khu vườn rộng gần 2 ha, thuộc làng Mỹ Hóa, nay là xã Mỹ Phong, Tp.Mỹ Tho (Tiền Giang).Từ xa, khách đã có thể nhận ra chùa bởi 2 bức tượng Phật khổng lồ, trắng tinh khiết, sắc diện hết sức thanh thoát, thiền vị. Đó là tượng A Di Đà ở hoa viên phía trước cao 24m, khởi công và hoàn tất năm 2007.
 
Và tượng Di Lặc ở công viên bên trái chánh điện cao 20m, dài 27m, nặng khoảng 250 tấn được xây dựng và an vị trong năm Kỷ Sửu (2009-2010). Khởi thuỷ, chùa chỉ là một thảo am do vị Tri huyện có tên Bùi Công Đạt dựng nên vào khoảng đầu thế kỷ XIX để làm nơi di dưỡng tinh thần sau khi về hưu.
 
Sau khi Tri huyện Bùi Công Đạt qua đời, Hòa thượng (HT) Thích Huệ Đăng ở chùa Giác Lâm (Gia Định) đã về đây nhậm chức trụ trì và tổ chức vận động tín đồ phật tử chung tay xây dựng thành ngôi đại tự và hoàn thành vào năm 1849, đặt tên là chùa Vĩnh Trường- tên chùa được nhiều người phỏng đoán là do xuất phát từ câu đối “Vĩnh cửu đối sơn hà/Trường tồn tề thiên hạ”.
 
Về sau, không hiểu vì sao và từ lúc nào, chùa lại bị đọc chệch thành Vĩnh Tràng và được chấp nhận cho tới nay. Kế vị HT Thiện Đăng trụ trì chùa Vĩnh Tràng là sư đệ Thích Thiện Đề. Đến khi HT Thiện Đề viên tịch, chùa dần rơi vào tình cảnh hương tàn bàn lạnh.

img

Gian bên hữu chính điện chùa Vĩnh Tràng thờ tượng Ngọc Hoàng
 
Năm 1890, chúng phật tử đã đến chùa sắc tứ Linh Thứu thỉnh HT Trà Chánh Hậu về trụ trì. Năm 1895, ngài đã tổ chức xây lại ngôi chùa. Thế nhưng không lâu sau đó, một trận bão lớn năm 1904 lại tàn phá ngôi chùa. Ba năm sau- 1907 -với sự góp công góp của của phật tín đồ, chùa lại được trùng tu phần chánh điện. HT Chánh Hậu trụ trì được 33 năm (1890-1923) thì viên tịch. Năm 1930, HT Tâm Liễu Minh Đằng (Đàn?) cho tiến hành một cuộc đại trùng tu toàn diện, xây cổng Tam Quan, nhà thờ Tổ... và chùa có được diện mạo như ngày nay.

Đập vào mắt du khách khi đến viếng chùa là vẻ đẹp của chiếc cổng tam quan với nghệ thuật ghép sành sứ hết sức tinh xảo, tạo nên những bức tranh với màu sắc hài hòa, minh họa những sự tích Phật giáo, những đề tài tứ quý, tứ linh, hoa lá.... Nghe nói, cổng do những nghệ nhân xứ Huế thực hiện vào năm 1933.

Chùa được xây theo dạng chữ Quốc của Hán tự gồm 4 gian: tiền đường, chánh điện, nhà Tổ, nhà hậu nối tiếp nhau. Mặt tiền chùa trang trí theo kiểu kết hợp đặc điểm kiến trúc cả Á lẫn Âu. Ở đây có những hoa văn theo kiểu thời Phục hưng, vòm cửa theo kiểu La Mã, bông sắt của Pháp, gạch men của Nhật Bản... chữ Hán viết theo lối chữ triện cổ kính, còn chữ quốc ngữ lại viết theo lối chữ Gô-tích. Từ xa trông vào, du khách có thể hình dung ngôi chùa như Ăngco có 5 tháp.
 
Người dân địa phương truyền tụng, đó là do HT Minh Đằng đã từng sang thăm xứ Chùa Tháp và tiếp thu những nét đẹp của kiến trúc từ những ngôi chùa bên ấy mang về, kết hợp thêm với những nét đẹp của kiến trúc phương Tây mà dựng nên chùa.

img

Các sư tăng chùa Xiêm Cán tham gia hoàn thiện một tháp đựng tro cốt của Phật tử
 
Ở chính điện có các bao lam được chạm trổ công phu, trong đó có bộ phù điêu Bát tiên cưỡi thú do các nghệ nhân tại địa phương thực hiện vào khoảng năm 1907-1908. Trong chùa có khoảng 60 bức tượng quý được tạo tác bằng các chất liệu gỗ, đồng, đất nung và đều được thếp vàng rực rỡ. Bộ tượng cổ nhất của chùa là bộ Tam Tôn (Di Đà, Quan Âm, Thế Chí) được làm bằng đồng. Tượng Ngọc Hoàng cũng bằng đồng to bằng người thật...
 
Không chỉ là một địa chỉ tín ngưỡng, kiến trúc nghệ thuật, trong hai cuộc kháng chiến, chùa còn là nơi che giấu nhiều nhà yêu nước và cung cấp hậu cần cho cách mạng. Vì vậy, chùa Vĩnh Tràng đã được công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hoá cấp Quốc gia.
Đến chùa Vĩnh Tràng, vào thăm chánh điện, thấy gian giữa thờ Phật Thích Ca, hầu 2 bên là tượng của 2 vị HT Chánh Hậu-Minh Đằng... Gian bên phải thờ tượng Ngọc Hoàng và rất nhiều ảnh tượng Quan Âm Bồ Tát... Hai bên tường là bàn thờ Thập Điện Minh Vương, Thập Bát La Hán...
 
Chắc hẳn, không ít phật tử sẽ phải tự hỏi, không hiểu tại sao mà chánh điện chùa Vĩnh Tràng lại thờ... “lung tung bát nháo như vậy”. Chẳng phải trong phép tam quy nhà Phật mà hàng ngày những người theo Phật vẫn thường tụng niệm có câu “Quy y Phật bất quy y thiên thần quỷ vật” (Theo Phật thì không theo trời thần quỷ vật). Vậy sao ở đây lại thờ cả Ngọc Hoàng thượng đế ở vị trí quan trọng thứ hai trong chánh điện?!! Tôi cũng từng băn khoăn như vậy, mang hỏi, trao đổi với các vị đại đức, thượng toạ mà mình quen biết; rồi lại ngồi tự ngẫm. Cuối cùng tự... lý giải cho riêng mình: Miền Tây là vậy. Đất mới, người dân đến khẩn hoang ai cũng thuần hậu, chất phác và kính sợ đủ thứ.
 
Trước khi đạo phật truyền tới thì Trời, Thần... đã là những chỗ dựa tinh thần để họ cảm thấy an tâm mà làm ăn nơi vùng đất mới. Phật giáo đến, muốn “vào” với dân trước hết cũng phải biết hoà đồng với tín ngưỡng nguyên thuỷ của bà con, rồi sau đó dần dần mà “giáo hoá”. Phải chăng, đó chính là phương cách “tuỳ duyên hóa độ” của nhà phật, và nó hiện để lại dấu ấn khá rõ nơi chùa Vĩnh Tràng...
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo