xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thánh địa Cao Đài, mười hai cái cổng

Theo TRẦN VŨ (Tây Ninh Online)

Nhiều người Tây Ninh từng biết, từng đi dự lễ hội đạo Cao Đài ở trong khuôn viên Toà thánh Tây Ninh, ít ra mỗi năm cũng có hai dịp rất đông vui là lễ vía Đức Chí Tôn mùng 9 tháng Giêng và lễ hội yến Diêu trì cung ngày rằm tháng 8 (âm lịch). Thế nhưng nếu hỏi về 12 cái cổng của Toà thánh thì chắc hẳn nhiều người sẽ lắc đầu.

Để đi và thấy cả 12 cái cổng ấy, ít ra phải làm một vòng quanh con đường ngoại vi Toà thánh dài khoảng 4km. Bởi Toà thánh tiếng là rộng 1 km2 nhưng mặt bằng không phải hình vuông, mà là một hình thang. Cạnh ngắn ở về phía cặp đường Cách Mạng Tháng 8 về hướng Bắc. Còn cạnh dài ở về hướng cổng 6, 7, 8 ở hướng Nam.
 
Hai cạnh dài hơn nữa và tương đương nhau là nằm ở các hướng Đông, Tây. Những cái cổng được nhiều người biết đến nhất là cổng Hoà Viện, thẳng tới đường Điện Biên Phủ đi về phía núi Bà. Sau nữa là cổng số 2, đều nằm trên trục lộ nối liền đường chính Thị xã là Cách Mạng Tháng 8.

img

Cổng số 2 không có mái che
 
Đối diện với 2 cổng nói trên là cổng 7 và cổng 6 ở mặt hướng Nam, cũng là những nơi quen thuộc, bởi qua các cổng ấy là tiến về trung tâm thị trấn Hoà Thành có chợ Long Hoa sầm uất vào bậc nhất tỉnh Tây Ninh.
 
Hai cổng số 3 và số 4 ở phía Tây Toà thánh cũng được nhiều người biết đến vì nằm trên tuyến đường có mật độ giao thông đông đảo.
 
Chiếc cổng được coi là cổng chính, hoành tráng nhất cũng nằm bên trục đường phía Tây, là cổng Chính môn. Tiếc rằng cổng ấy quanh năm không mở, nên cũng ít người đi qua hay lui tới.
 
Những cổng bên phía Đông thành ra heo hút nhất, hầu như chỉ có tín đồ từ các vùng lân cận ra vào làm công quả hay dự lễ, đấy là các cổng mang số 9, 10, 11.
 
Còn cổng số 12 cũng đi ra đường lớn, nhưng vẫn ít người đi vì nó đi vào khu nhà phụ trợ ở phía sau của Đền thánh Cao Đài.
 
Nhất định sẽ có người thắc mắc rằng sao không thấy cổng số 1 và cổng số 5. Xin trả lời ngay về cổng số 1. Đấy chính là cổng Hoà Viện, theo cách gọi đã thành quen thuộc của người địa phương, vì ngoài cổng này từng có một cơ quan tên gọi là Hoà Viện (theo cách phân chia và gọi tên 9 viện: Nông, Công, Y, Lễ, Hoà… của đạo Cao Đài).
 
Hoà Viện vốn được coi là cổng đầu tiên, dù nó được xây sau, vào năm 1961. Từ cổng số 1 này, cứ đi vòng quanh theo tường rào ngược chiều kim đồng hồ là sẽ tới các cổng số 2, Chính môn, cổng số 3, cổng số 4 v.v…
 
Cổng số 5 không có đã làm cho nhiều người thắc mắc. Một vài chức sắc ở Toà thánh khi được hỏi cũng không biết rõ vì lý do gì, chỉ trả lời chung chung là do các bậc bề trên quyết thế nào, thì theo thế. Nhưng câu hỏi này đã được ngài Tổng giám Công viện trả lời thật giản dị: - Chẳng qua là Thánh địa Cao Đài có 12 cổng, chia ra 4 cạnh thì mỗi phía chỉ có 3 cổng mà thôi. Mà tường phía Tây đã đủ cả ba cổng rồi (tính cả cổng Chính môn), nên không có cổng số 5 là vậy!
 
Nhìn chung, trừ cổng Chính môn ra, thì có thể phân ra hai loại cổng của Toà thánh Cao Đài. Loại có mái và loại không có mái. Dù loại nào, thì cấu trúc mặt bằng cũng khá giống nhau, theo kiểu tam quan ở các đình, chùa truyền thống Bắc và Trung bộ. Nghĩa là, bao giờ cũng có 4 trụ xây, chia ra thành 3 lối ra vào.
 
Hai trụ giữa lớn và cao hơn, cách khoảng rộng hơn 6 mét làm cổng chính. Hai bên là cổng phụ rộng chỉ khoảng hai mét rưỡi, vừa đủ cho một xe hơi khéo léo đi vào. Loại không có mái che được xây sớm nhất là cổng số 2 có cấu trúc và trang trí cực kỳ đơn giản. Đây chính là chiếc cổng đầu tiên, được xây từ năm 1926 (theo con số khắc trên đỉnh cổng) nhưng có lẽ chính xác phải là năm 1927, năm mà các chức sắc đạo đã mua được phần đất làm thánh địa, từ ông quan Kiểm lâm người Pháp.
 
Sau này có một số cổng vẫn xây theo kiểu cổng số 2, nghĩa là không có mái, chỉ có một tấm tường bắc ngang giữa các trụ, dùng để đề chữ số và biểu tượng. Nhưng các cổng xây sau đã được bổ sung thêm một số chi tiết trang trí đắp vữa xi măng tinh xảo hơn, như ở cổng số 11, 12 v.v…
 
Chiếc cổng xây tiếp theo sau đó, có lẽ là cổng số 4, ghi năm xây dựng là 1960, đã là cổng có mái che cẩn thận. Nghĩa là trên ba khoảng cổng ra vào ấy, đã có thêm ba mái ngói, mỗi mái hai tầng cách nhau một khoảng kiểu chồng diêm. Mái đều cấu trúc kiểu 4 tấm, góc có đầu đao hình hoa lá, nhưng kiểu dáng bay lên như một dáng rồng.
 
Trên nóc chính giữa, nơi cao nhất có tượng Tam bửu, gồm ba món đồ tượng trưng cho 3 tôn giáo chính: ở giữa có bình Bát vu, tượng trưng cho Phật; bên phải (nhìn từ ngoài vào) là cây phất chủ, tượng trưng cho đạo Lão, còn bên trái là cuốn kinh Xuân Thu của Khổng Tử, tượng trưng Khổng giáo. Ba tôn giáo nói trên chính là nền tảng của giáo lý Cao Đài, theo quan niệm “Tam giáo quy nguyên”.

img

Cổng số 10 đã có khác hơn
 
Phần dưới mái chính, trên tấm tường bắc ngang là 6 chữ đắp nổi, sơn đen bằng Hán tự và cả bằng chữ Việt, là “Đại đạo Tam kỳ phổ độ”. Trên hai trụ chính, có đôi câu đối nêu bật lên ý nghĩa của giáo lý Cao Đài: 

- Cao thượng Chí tôn, Đại đạo hoà bình dân chủ mục.

- Đài tiền sùng bái, Tam kỳ cộng hưởng tự do quyền.

Tạm dịch nghĩa là: Đấng Chí Tôn ở cao hơn hết, đã mở ra nền đạo lớn hoà bình, hướng tới nền dân chủ. Tôn thờ đấng Cao Đài đã mở ra kỳ tôn giáo thứ ba, đem đến quyền tự do cho mọi người chung hưởng.
 
Ở mỗi thời kỳ, lối xây cổng xem ra cũng khác. Như cổng số 2 đơn giản và mộc mạc, thậm chí không có cả đôi liễn đối nhưng lại rất ưa nhìn. Các cổng xây đầu thập niên sáu mươi như cổng số 4 (1960) và cổng Hoà Viện (1961) có lối mái ngói “thượng thu hạ sách” trông vẫn còn nhiều nét đẹp, phảng phất chùa xưa miếu cũ. Đến những cổng xây năm 1968 đã có cái được phá cách, xây kiểu mái dài hai tầng, làm mất đi chút ít đường cong nên trông có vẻ cứng hơn.
 
Người Cao Đài có truyền thống bảo tồn những cái gì của các bậc tiền nhân tạo dựng. Vì thế, có thể tin những cái cổng kia cũng sẽ còn mãi mãi với Toà thánh Tây Ninh- Thánh địa đạo Cao Đài.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo