Sau phố cổ và ngoại ô, sau người Hà Nội chính gốc và ngụ cư, tôi muốn tìm đến người trí thức như một vùng sống quan trọng cho ta hiểu cái gọi là thanh lịch - nét riêng hoặc nói đúng hơn, nét nổi đậm của Hà Nội.
Ảnh: hải bá
Trí thức Hà Nội trong lịch sử từng mang tên gọi chung là sĩ phu Thăng Long hoặc sĩ phu Bắc Hà, đã làm nên cốt cách và tinh hoa của đất nước. Chuyển sang thời hiện đại, cũng người trí thức trong chiều dài hơn một thế kỷ, kể từ “Vĩnh - Quỳnh - Tố - Tốn” được gọi là “Tứ hổ Tràng An” làm nên gương mặt tinh thần cho một chuyển đổi lớn của lịch sử. Trên mọi lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, khoa học, người trí thức trong đích đến là Cách mạng Tháng Tám 1945 gần như tất cả đều quy tụ xung quanh Chính phủ Hồ Chí Minh, để cùng toàn dân làm nên một cuộc đổi đời của dân tộc và góp phần tạo nên gương mặt của đất nước sau 1945.
Làm giàu cho vốn văn hóa dân tộc, trên nhiều lĩnh vực - không kể các lĩnh vực khoa học - xã hội và tự nhiên, đó là những tên tuổi hàng đầu trong nền văn học hiện đại, như: Nguyễn Tuân hay Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng hay Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng hay Tô Hoài... Rồi tiếp đến là cả mấy thế hệ viết nối tiếp nhau sau 1945. Chính họ qua tác phẩm đã góp công phát hiện, đồng thời cũng là người lưu giữ một biểu tượng rõ nét thế nào là giá trị, là phẩm chất, là tinh hoa - gồm cả nét thanh lịch của người Hà Nội.
Nhưng là nghệ sĩ - họ lại là những con người rất khác nhau và do khác nhau nên sự sống mới hiện lên đa dạng đến thế. Và xét về nguồn gốc thì dường như số lớn trong họ là người “ngụ cư”, không phải có gốc gác lâu đời ở Hà Nội. Họ đến Hà Nội, rồi trở thành người Hà Nội bởi nghề nghiệp của họ chỉ có thể phát triển và thành tài ở Hà Nội. Bởi nếu không ở Hà Nội, nếu không có bầu không khí và môi trường văn hóa ở Hà Nội, như một đối tượng để quan sát và nghĩ ngẫm, sẽ không có những trang viết nói với ta vừa là cái thanh lịch vừa là những gì chung quanh nó, làm nên nó, bồi đắp cho nó, để đem lại một dấu ấn riêng, đặc trưng riêng của Hà Nội, trong phân biệt với nhiều nơi.
Vậy là, sự thanh lịch, cũng như bất cứ phẩm chất nào khác là một khái niệm động, bởi Hà Nội đang phát triển và mở rộng trên mọi mặt, mọi quy mô của sự sống vật chất và tinh thần; bởi Hà Nội hội đủ những gì có trong cả nước. Khó có một nội hàm xác định. Và khó có sự xác định cho một lần. Ở góc nhìn của khoa học, cần những dữ liệu, những điều tra theo kiểu xã hội học; cần những đối chiếu, phân tích, bác bỏ hoặc xác minh. Ở góc nhìn của nghệ thuật, cần tìm đến sự kết tinh của nó trong các thành tựu và tên tuổi của văn chương, hội họa, âm nhạc, kiến trúc, sân khấu, nhiếp ảnh, điện ảnh... Mở rộng ra thì thật là mênh mông, khi đi vào hội họa của Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn, Dương Bích Liên...; vào âm nhạc của Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Đức Toàn...; vào sân khấu với Thế Lữ...; vào kiến trúc với Nguyễn Cao Luyện...; vào nhiếp ảnh với Võ An Ninh...
Cho đến bây giờ, trên tổng số hơn 1.000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì có ngót 500 người sống và viết ở Hà Nội. Dẫu đến từ nhiều nguồn, nhiều nơi, vẫn không thể không gọi họ là cư dân của Hà Nội; những người đã được hưởng những gì Hà Nội có và có đóng góp ít nhiều cho Hà Nội.
Cuối cùng, xin được trở về với hai chữ “thanh lịch”. Chiết tự ra thì “thanh” gợi nghĩ sự thanh tú, thanh nhã, thanh cao, thanh tao, thanh đạm, thanh khiết... Còn “lịch” là kinh lịch, là lịch thiệp, lịch duyệt, lịch lãm... Gợi nghĩ thì nhiều nhưng vẫn có một lõi cốt, một trung tâm, đó là cách ứng xử bao dung và lịch thiệp; không địa phương, không cục bộ, không gây mặc cảm, không tỏ ra kỳ thị; là sự coi trọng các giá trị văn hóa, tinh thần và rộng ra là coi trọng con người; là một quan niệm rộng rãi cho tự do và chính kiến cá nhân... Nếu không có những cái đó sẽ không có Hà Nội với nhiều thời hưng thịnh rực rỡ như xưa nay đã có và như Hà Nội hôm nay. Chính với cách ứng xử như thế mà ai được sống ở Hà Nội, ai trở thành cư dân Hà Nội cũng đều tìm được một khí hậu, một không gian sinh tồn; và trong bươn chải của muôn mặt đời thường, có vất vả, cực khổ đến mấy, con người vẫn có thể sống với nhau trong một không gian đáng tự hào là không gian Hà Nội.
Những gì cả nước có, Hà Nội đều có. Hà Nội không cô lập mà gắn bó với cả nước. Người Hà Nội không phải là một loại đặc chủng, đứng riêng hoặc đứng ra ngoài cộng đồng người Việt Nam nhưng do khả năng tiếp nhận và gạn lọc kỳ diệu (hoặc vĩ đại) của nó, Hà Nội vẫn có một gương mặt riêng, được thu gọn trong hai chữ “thanh lịch”, để được gọi là NGƯỜI HÀ NỘI.
Bình luận (0)