Những nỗ lực cảnh báo của công luận dường như không đủ sức nặng để thức tỉnh các nạn nhân. Những cụm từ như "nhẹ dạ", "cả tin" cũng dường như không còn thích hợp với họ nữa. Trên địa bàn cả nước hiện có hàng trăm "con mồi" sập vào chiếc "bẫy" ..."Tây lừa tình", trong đó có Hải Phòng.
Nếu như trước kia, lừa đảo qua mạng chỉ dừng lại ở việc hack tài khoản xã hội rồi nhờ mua thẻ điện thoại thì giờ đây các thủ đoạn lừa đảo đã trở nên tinh vi hơn rất nhiều. Sau khi lập tài khoản xã hội Facebook, Zalo…, những kẻ lừa đảo liền sử dụng hình ảnh người đàn ông ngoại quốc điển trai, ưa nhìn làm hình đại diện, sau đó "lùng sục" khắp Facebook, Zalo để "săn mồi", tìm tới những quý bà, quý cô đang cô đơn, muốn có người bầu bạn tâm sự…
Nhiều người đã mất trắng chỉ vì tin lời những người bạn ngoại quốc (ảnh minh họa)
Điển hình là trường hợp của chị Trần Thu T., trú tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Khoảng đầu tháng 6-2018, qua mạng xã hội Facebook, có một tài khoản tên "James Jerry" kết bạn với chị và giới thiệu bản thân sinh năm 1970, hiện sống tại Afganistan và làm việc tại Bộ Quốc phòng nước này.
Sau thời gian dài thường xuyên nói chuyện qua mạng, giữa chị T. và James nảy sinh tình cảm. Cách đây 2 tháng, để chứng tỏ tình cảm của mình, James Jerry nói muốn tặng chị 1 món quà giá trị và 500 USD.
Ngay sau đó, có một người tự xưng là nhân viên công ty chuyển hàng gọi điện cho chị T. thông báo về món hàng gửi qua đường hàng không từ Afganistan, nếu muốn nhận thì chị phải nộp nhiều khoản phí khác nhau.
Chắc mẩm tình yêu từ James Jerry, chị T. đã 3 lần chuyển tổng số 50 triệu đồng vào tài khoản khác nhau của các chi nhánh ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh và Vũng Tàu cho đối tượng trên. Sau khi nhận được tiền, bọn chúng tắt máy, khóa tài khoản Facebook và "bốc hơi" không còn dấu vết.
Cũng với phương thức, thủ đoạn tương tự như trên, gần đây nhất, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt của chị Đặng Thị Y., ở Thiên Lôi, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, số tiền 510 triệu đồng. Theo đơn trình báo của nạn nhân, vào tháng 12-2018, qua mạng xã hội Facebook, chị kết bạn với một người nước ngoài có tên là Jonh Rechad. Người ngày giới thiệu là quân nhân hiện công tác tại Sư đoàn 3 Bộ binh tại Afganistan.
Sau nhiều lần chat, nickname Jonh Rechad có nhờ chị Y. nhận hộ 1 túi vali tiền do anh ta gửi về Việt Nam theo đường hàng không. Để tạo sự tin tưởng, nickname Jonh Rechad còn hứa sẽ tặng quà cho chị Y. là 20% trên tổng số tiền có trong Gooler chuyển về.
Tin lời, chị Y. khấp khởi vui mừng và chờ đợi ngày nhận quà. Không lâu sau, Jonh Rechad điện thoại cho chị Y. thông báo là đã gửi tiền về Việt Nam. Liền sau đó, 1 nhân viên cảng hàng không (không nói rõ của sân bay nào) đã điện thoại cho chị Y. yêu cầu nộp 27 triệu đồng vào tài khoản 18021494802*** của chủ tài khoản tên là Nguyễn Tấn Vương (ngân hàng Eximbank) với lý do đóng phí kiểm định.
Nghe vậy, chị Y. đã đến ngân hàng Vietcombank trên đường Trần Nguyên Hãn làm thủ tục chuyển 27 triệu đồng vào số tài khoản trên. Cùng ngày hôm đó, số điện thoại +8436427*** tiếp tục gọi đến và yêu cầu chị Y. chuyển thêm 100 triệu đồng vào tài khoản mang tên Nguyễn Tấn Vương. Nhưng vì không thể có ngay số tiền lớn như vậy nên chị Y chần chừ chưa chuyển.
Vài ngày sau, Jonh Rechad nhắn tin cho chị Y và cung cấp một số tài khoản ngân hàng khác mở tại Vietcombank Vũng Tàu mang tên Nguyễn Hồng Minh Lý và bảo chị Y. chuyển tiền vào số tài khoản đó thì sẽ lấy được Gooler trên về.
Đâm lao thì phải theo lao, sau đó chị Y. tiếp tục 4 lần chuyển tiền theo yêu cầu của Jonh Rechad với tổng số tiền lên đến 510 triệu đồng nhưng chị vẫn chưa nhận đc vali tiền như đã hứa.
Nhiều khách hàng mất cảnh giác đã mất tiền oan sau khi kích vào đường link lạ
Thấy có dấu hiệu bất thường, chị Y đã liên lạc với John Rechad thì lại được anh ta yêu cầu chuyển thêm 200 triệu đồng nữa và hứa sẽ bay về Việt Nam để giải quyết dứt điểm. Nghi ngờ mình bị lừa đảo, chị Y. đã đến cơ quan công an trình báo sự việc.
Ngoài 2 nạn nhân trên, chị Trần Thanh H, huyện An Dương và Nguyễn Thị G ở Thủy Nguyên bị các đối tượng sử dụng mạng facebook lừa đảo chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng.
Theo Cơ quan điều tra, phần lớn các đối tượng thường tạo các tài khoản mạng xã hội như: zalo, facebook, whatsap.., rồi đóng vai người nước ngoài, sống độc thân, có việc làm thu nhập ổn định, điều kiện kinh tế dư dả để làm quen, kết bạn với bị hại.
Sau một thời gian tạo được lòng tin, đối tượng đề nghị tặng, gửi các món quà có giá trị như: laptop, dây chuyền, trang sức, máy tính bảng, ngoại tệ hoặc đề nghị gửi tiền cho bị hại để làm từ thiện. Khi "con mồi" đã "say đòn", nhóm đối tượng ở Việt Nam cấu kết với nhóm nước ngoài sẽ vào vai cán bộ hàng không, hải quan hoặc nhân viên an ninh sân bay, nhân viên công ty chuyển phát nhanh gọi điện và đưa ra nhiều lý do khác nhau để yêu cầu nạn nhân nộp phí thông quan, nộp phạt vì trong gói quà có nhiều USD, thuê luật sư chứng minh gói hàng là hợp pháp...
Cũng theo cơ quan chức năng, so với trước đây, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng tinh vi hơn. Chúng thường sử dụng sim "rác" để thực hiện các cuộc gọi, đồng thời thuê sinh viên, những người lao động tự do để mở tài khoản tại nhiều ngân hàng.
Sau khi nhận được tiền của nạn nhân, chúng nhanh chóng chuyển, rút tiền lòng vòng qua nhiều ngân hàng khác nhau, gây khó khăn cho việc phong tỏa tài khoản…
Để ngăn chặn hành vi lừa đảo trên, công tác tuyên truyền vẫn cần được tăng cường trong thời gian tới và ngay từ tổ dân phố, đặc biệt là hội phụ nữ các cấp.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cần có sự trao đổi thông tin thường xuyên với cơ quan chức năng, kịp thời phong tỏa những tài khoản có dấu hiệu khả nghi trước khi chúng tẩu tán, chiếm đoạt.
Ngoài ra, người dân phải hết sức cảnh giác trong việc sử dụng mạng xã hội. Nếu phát hiện thấy hành vi không bình thường phải nhanh chóng báo tin cho cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, bắt giữ đối tượng phạm tội.
(Tên các nạn nhân đã được thay đổi)
Bình luận (0)