Thời gian qua mau, có nhiều phương tiện đánh bắt ra đời, nguồn cá đồng dồi dào mà thiên nhiên hào phóng ban tặng dần ít đi. Nguồn tôm, cá ít, việc chất chà trên sông cũng bị cấm do làm cản trở giao thông và ảnh hưởng đến dòng chảy, dân chuyên dỡ chà thất nghiệp, chuyển nghề khác mưu sinh. Nghề chà dần chỉ còn trong ký ức người lớn tuổi.
Ông Bảy Lưới - sống với nghề chà gần hết cuộc đời
Tôi gặp ông Bảy Lưới (tên thật là Trần Văn An, 55 tuổi) ngụ khóm II, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười -Đồng Tháp. Ông kể, ông làm nghề dỡ chà thuê từ khi 15 tuổi cho đến bây giờ. Ở Mỹ An, người làm nghề cùng thời với ông còn có ông Năm Đen, ông Ba Bộ và nhiều người khác nữa.
Quê tận Rạch Ruộng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, ông vào lập nghiệp ở Tháp Mười đã 30 năm. Khi ấy vùng Tháp Mười còn nhiều tôm cá. Mê dỡ chà, ông theo mấy người chuyên dỡ chà học nghề. Ban đầu, chỉ làm chuyện vặt như nắm phụ mành lưới, vác chà, dần về sau học được nghề, ông tích góp mua tấm lưới để bước chân vào nghề.
Nghề chà suốt ngày lặn hụp dưới sông. Những khi tiết trời ấm, việc dỡ chà là một cái thú. Nhưng khi tiết trời chuyển mùa, gió lạnh thấu xương, người dỡ chà tay chân trắng bệt, môi thâm vì gió lạnh, vẫn lặn hụp, bởi đó là công việc thường ngày. Ông Bảy chia sẻ: “Làm nghề riết rồi quen, nhìn đống chà là biết đống này dỡ bao lâu, cá nhiều hay ít, lặn riết cũng quen mắt. Gặp những đống chà sâu 9m, 10m khi trồi lên nghe lâng lâng đầu óc, lổ tai lùng bùng. Làm có tiền cũng ham, vậy mà không biết sao lại không giữ được, tiền trôi theo dòng nước, già lại mang bệnh hậu”.
Hôm về ghé qua nhà ông, nhìn xuống bờ sông, phía sau căn nhà nhỏ nơi ông đang ở thấy những mành lưới cũ, ông dùng nó thả cá nuôi hàng ngày như lời ước nguyện với lòng. Dù ông nghèo thật, nhưng đi học nghề chứ không bán nghề, bao năm làm nghề vẫn còn mê, lòng chỉ buồn khi những con cá đồng giờ bỏ đi đâu mất...
Bình luận (0)