icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tiên tửu trên đất rượu

Theo Thanh Nam (Lào Cai Online)

"Tôi bán rượu với giá cao nhất bản, không chỉ đơn thuần bù đắp những vất vả sớm hôm để cất những giọt rượu làm ngất ngây lòng người mà quan trọng hơn đó là bảo vệ thương hiệu cho đặc sản có một không hai của "địa tửu" Bản Phố - Bắc Hà".

Bởi lẽ, nếu bán rượu với giá thấp, hoặc để giá lên xuống theo sự thất thường của thị trường thì đồng nghĩa với việc bán rẻ thương hiệu rượu ngô Bản Phố" - Đó là suy nghĩ của một lão nông đích thực, một người sống chết với nghề nấu rượu truyền thống của dân tộc mình.
 
img
Ông Giàng Seo Sẩu nấu rượu mới.

Mặc dù chỉ cách trung tâm xã gần 1 cây số, nhưng đoạn đường rải cấp phối đến nhà ông Giàng Seo Sẩu ở thôn Bản Phố 2a cũng trở nên khó khăn đối với những người chưa quen đường vùng cao. Từ đoạn đường cấp phối ấy, men theo bờ ruộng là đến nhà ông.
 
Ngôi nhà làm bằng gỗ, lợp fibrô xi măng trắng xóa của ông Sẩu dường như nổi bật, bởi xung quanh không có thêm một ngôi nhà nào như vậy. Chính vì vậy, khách lạ không khó để tìm được nhà ông. Làn khói trắng phảng phất pha lẫn hương nồng nàn của rượu ngô tỏa ra từ nhà ông Sẩu đã làm say nhiều người.
 
Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, bởi trên đường vào, gặp một số người lặn lội từ xa tìm đến nhà ông Sẩu chỉ vì muốn mua được rượu… giá cao. Trong lúc đợi ông Sẩu nổi lửa mẻ rượu mới, một vị khách tâm sự với tôi: Mặc dù, ở trung tâm huyện có bán rất nhiều rượu ngô Bản Phố, nhưng vẫn muốn vào tận địa tửu để được xem nấu rượu, để được gặp người bán "cắt cổ". Sẽ có người cho đó là khùng, nhưng có đến mới biết được nghệ thuật nấu rượu bí truyền của đất này, nên mua rượu với giá đắt cũng đáng lắm chứ, hơn nữa lại mua được rượu thật.
 
Mải mê tâm sự, chúng tôi - những kẻ rượu uống thì ít, mà "phải lòng" đất Bản Phố thì nhiều, không để ý sự xuất hiện của chủ nhà, ông Giàng Seo Sẩu. Ông chủ nhà năm nay gần bước vào tuổi lục tuần, nhưng trông già hơn tuổi rất nhiều. Mái tóc bạc, nước da sạm, mặt nhiều nếp nhăn, nhưng dáng vẻ rất rắn rỏi, nhanh nhẹn của một người vùng cao thứ thiệt, đặc biệt khả năng uống rượu của ông thì không cần bàn cãi.
 
Khi biết chúng tôi đến vì lý do ông là người luôn bán rượu với giá cao nhất trong xã, ông cười rất tươi. Ông Sẩu cho hay, ông tiếp rất nhiều người tìm đến để xem nấu rượu và mua rượu, nhưng hôm nay ông mới gặp những người đến vì lý do chẳng giống ai.
 
Bỏ qua chút ngạc nhiên, ông Sẩu dốc hết tâm sự với sự chân tình đúng chất của người vùng cao. Ông Sẩu nấu rượu từ năm 18 tuổi do bố mẹ truyền nghề, đến ông là đời thứ 3 trong gia đình có truyền thống nấu rượu. Trung bình một tháng, ông nấu được khoảng 200 lít rượu, thu nhập xấp xỉ 4 triệu đồng/tháng, trừ chi phí cũng được khoảng 500.000 - 800.000 đồng/tháng.
 
Nếu chỉ nấu rượu như ông Sẩu ở nơi được mệnh danh là "địa tửu" thì không có gì đáng nói, bởi ở đây có trên 300 hộ nấu rượu chuyên nghiệp, nhưng dường như ông Sẩu được biết đến không chỉ bởi nấu rượu ngon mà còn luôn bán với giá đắt nhất xã.
 
Giá rượu do ông "xây dựng" bao giờ cũng cao hơn từ 4.000 - 10.000 đồng (tùy theo loại rượu) so với các hộ khác trong xã. Hiện, ông bán 30.000 đồng/lít đối với loại rượu ủ trong hũ sứ để lâu, 25.000 đồng/lít đối với rượu ủ nhưng thời gian chưa dài và 20.000 đồng/lít đối với loại rượu vừa mới nấu xong.
 
Điều đặc biệt ở ông Sẩu chính là không bao giờ hạ giá bán rượu, thậm chí còn tăng giá để tương xứng với công lao động và giữ được thương hiệu. Nói gì thì nói, việc bán rượu giá cao của ông Sẩu không phải "thích thì làm", mà thực tế, để có hơn 20.000 đồng/lít, gia đình ông phải trả giá rất nhiều bằng sức lao động.
 
Theo ông Sẩu, nếu nấu rượu bình thường thì không quá vất vả, chi phí thấp, nhưng nấu rượu đặc sản như rượu ngô Bản Phố thì phải mất rất nhiều công đoạn, tốn thời gian, nhân lực và chi phí. Bởi, để nấu một mẻ rượu, phải có nguyên liệu là ngô, men hồng mi… Tuy nhiên, không phải loại ngô nào cũng có thể làm được, còn để có men hồng mi, gia đình ông phải trồng, chăm sóc, làm cỏ cho cây hồng mi trong một thời gian dài (từ tháng 5 - 9).
 
Ông Sẩu cho biết: Cây hồng mi trồng rất chậm lớn, một tháng gia đình phải làm cỏ 2 lần, nhưng không làm qua loa, mà phải dọn sạch cỏ, chăm bón. Hiện gia đình chỉ trồng được khoảng 100 m2 cây hồng mi, còn lại phải đi mua của người trong làng. Có được hồng mi, nhưng phải có bí quyết để chế biến thành bánh men - hồn cốt của rượu ngô Bản Phố.
 
Để làm men, gia đình ông đem những bông hồng mi vừa được làm sạch cho vào cối đá nghiền thành bột. Sau khi nghiền xong, bột hồng mi được đổ ra một chiếc mẹt rồi lọc lấy bột tinh khiết. Người Mông quan niệm, làm men không chỉ đòi hỏi kỹ thuật cao mà còn phụ thuộc vào cái duyên và số mệnh của từng người.
 
Nếu người nào đó làm men một, hai lần vẫn không được thì họ sẽ không bao giờ làm được, vì số mệnh không hợp. Có men hồng mi đã đành, nấu rượu mất rất nhiều thời gian, từ công đoạn ủ men đến ra lò khoảng 10 ngày mới xong một mẻ rượu. Trong khi nấu, phải thức khuya, dậy sớm, thay nước liên tục, giữ lửa đều thì mới có rượu ngon.
 
Thậm chí, có nhiều mẻ rượu do chính ông Sẩu (khi mới bước vào nghề nấu rượu ngô) nấu bị hỏng, vì thiếu kinh nghiệm, gây thiệt hại về kinh tế. Thành thử, phải bán rượu giá cao để bù đắp cho công sức lao động, hơn nữa để khẳng định với người mua: phải chấp nhận mua đắt để có rượu đặc sản Bản Phố chính hiệu - thứ tửu tiên.
 
Quả thực, chuyện ông Sẩu kiên quyết bán rượu ngô với giá cao nhất xã là hoàn toàn có cơ sở. Đó không phải sự tùy tiện tăng giá của cá nhân, mà chính là thước đo về giá trị của thương hiệu, về chất lượng và công sức lao động của người dân.
 
Ông Sẩu mong muốn các hộ nấu rượu trong xã đều giữ giá bán ổn định, bởi ông không muốn "một mình một giá", để rồi người khác cho rằng mình "chơi trội". Theo ông, người nấu rượu vốn chẳng sung sướng gì, đầu ra không ổn định, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của các loại rượu "nhái", đã làm ảnh hưởng đến thương hiệu rượu Bản Phố phải mất hàng trăm năm mới có được. Với ông, giữ giá bán là giữ thương hiệu, là bảo vệ nghề truyền thống của dân tộc mình.
 
Có lẽ, giờ nhiều người mới hiểu việc làm "bất thường" của ông Sẩu. Những người cho rằng ông "chơi trội" hay "cắt cổ" khách sẽ phải suy nghĩ lại, bởi việc làm của ông chỉ để khẳng định một điều: Phải giữ lấy thương hiệu cho rượu Bản Phố. Và không riêng gì tôi, nhiều người khác cũng muốn mua rượu với giá "cắt cổ" của ông Sẩu lắm chứ.
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo