Tôi chả nhớ về sau tôi viết bài báo gì về Liên Vị chuyến ấy, mà chỉ nhớ: Cạnh bếp có mấy cái lồng dộng tôm, cá. Tôi hỏi một chàng trai đang nhấc dộng tôm, anh ta nhoẻn cười: Lấy tôm để làm món tôm bò. Những con tôm nhỏ hơn ngón tay út người lớn trong dộng được nhấc nhô lên khỏi mặt nước, chúng nhảy rào rào. Anh ta lấy một cái đĩa sắt tráng men to - đĩa để đựng ấm chén, xúc lấy, dễ đến gần 2kg tôm, rồi nhanh tay phủ lên đó một mớ lồng bồng rau lóng chuối lẫn với rau thơm, “để tôm nó không nhảy ra khỏi đĩa”.
Những con tôm không ngừng cựa mình lục bục, tanh tách dưới lớp rau sống ấy. Chiếu trải trên tầng hai ngôi nhà xây ngoài đầm, ngó qua cửa sổ nhìn rõ một khoảng đầm rộng, sóng gợn lăn tăn lấp loá nắng, gió mơn man thổi. Giữa chiếu là đĩa tôm to nọ, những con tôm vẫn lục bục cựa mình dưới lớp rau sống. Một bát nước chấm to, có những lát ớt tươi đỏ au thái vát chéo, mỏng. Một bát khác cũng to không kém, nước đục lờ, màu hơi xanh. Đó là bát nước me. Một can rượu 20 lít, màu trắng. Trước mặt mỗi người là hai cái bát ăn cơm. Rượu trắng trong can rót đầy tràn một bát. Chủ nhà xởi lởi: Chẳng mấy khi các nhà báo ra thăm đầm, xin nâng bát rượu, uống hết, mừng buổi gặp mặt: “Mời!”. Chủ nhà ực cạn, nghiêng bát, không còn giọt rượu nào nhỏ xuống. Tôi có một kinh nghiệm uống rượu, nếu trong trường hợp không đừng được, phải uống hết thì càng “ực” nhanh càng dễ uống. Tôi nốc nhanh và nghiêng bát. Mọi người trong mâm cũng lần lượt nghiêng bát.
Duy có anh bạn đồng nghiệp đi cùng ngập ngừng, ai nấy ngồi chờ, chăm chú nhìn. Cuối cùng anh cũng nghiêng được bát. Vài giọt rượu rơi xuống chiếu. Bụng tôi đã nóng ran. “Bây giờ thì mời các anh ăn tôm!”. Chủ nhà vén lớp rau sống, nhón một con tôm, nó vẫn co mình bật pạch pạch giữa hai ngón tay anh. Nhanh nhẹn, anh cấu bỏ đầu, bóc nhanh lớp vỏ ở thân, ngắt đuôi, rút sợi chỉ đen chạy dọc, bỏ vào bát (“cấu đầu rút ruột” - lòng tôi khe khẽ cười). Xong anh lấy hai tay gỡ lấy một nhúm rau sống trên chốc đĩa tôm chấm vào bát nước chấm, bỏ tiếp vào bát, tiếp đó là bỏ ớt, rồi múc chút nước me tưới vào, cuối cùng là và vào miệng. Tôi bắt chước làm theo. Khởi sự thấy chua, cay, thấy rõ thịt tôm đang bị vỡ ra lựt bựt, thoảng chút vị tanh của tôm, nhai kỹ dần thấy bùi, ngầy ngậy. “Nào! Lần này thì nửa bát!”.
Vị chủ nhà đã đưa bát rượu lên rồi. Anh đặt xuống, bát rượu đã vơi đi một nửa. Mọi người lại lần lượt làm theo, nâng lên, đặt xuống, thảy mọi bát rượu đều đã vơi đi... Lại thấy có người ăn tôm chẳng “cấu đầu rút ruột”. Anh ta cuốn tròn con tôm vào trong nhúm rau sống, chấm vào bát nước chấm cho tất vào mồm, rồi chiêu chút nước me pha ớt đã vắt sẵn trong bát. “Anh cứ ăn thử kiểu này xem, cũng hay đấy!”. Tôi thử ăn theo lối của anh. Con tôm vẫn giãy giãy trong miệng. Dư vị cuối cùng là phải nhai kỹ, hòng cho vỏ tôm nát ra. Ô! Chúng mắc vào kẽ răng rồi! Lại chiêu một ngụm rượu to. Thấy tôi tò mò, một người ngồi cạnh hướng dẫn một cách ăn khác: Anh ta bóc bỏ vỏ, rút ruột, để nguyên đuôi và đầu. “Mắt, râu và đuôi tôm rất quý. Vị thuốc đấy!(?)”. Ăn, cũng thấy lạ lạ, dậy mùi nồng nồng của bọng phân ở đầu tôm, cuối cùng là râu tôm, đuôi tôm nhạp nhạp. “Bây giờ thì em mời bác! - vị chủ nhà lên tiếng với anh bạn đồng nghiệp của tôi - Bát rượu đầu bác uống không cạn hết, còn để rượu nhỏ xuống chiếu. Thế là bác không vui mừng trọn vẹn với chúng em rồi”. Chẳng để cho anh bạn của tôi kịp phân bua, anh ta đã nghiêng bát.
Mọi người vỗ tay tán thưởng và ngồi chăm chú nhìn anh bạn, chờ. Chắc là rượu đã ngấm, lần này anh nhanh nhẹn ực, nghiêng bát, khà một tiếng to: “Uống xong khà một tiếng mới thích!”. Mọi người cùng vỗ tay, nâng bát, rồi cùng khà lên một lượt. Tất cả vui vẻ cười. Chuyện đã nở như ngô rang. Câu chuyện tiếu lâm cô nàng nướng vụng tôm, để cái đấu trong lòng, nướng được con nào bỏ vào đó thì lại bị anh chồng nấp sẵn trên gác bếp thò xiên xuống chọc, thó mất, lúc ngó xuống chẳng thấy tôm đâu, quay ra hành hạ “nó” được đem ra làm câu chuyện mở đầu, khiến ai nấy cười nghiêng ngả, tán thêm rất nhiều, bữa ăn trở nên rôm rả.
Thành ngữ “đắt như tôm tươi” cũng được đưa ra lạm bàn. Chẳng biết nghĩa bóng thì như thế nào, cứ nghĩa đen thì nó đã rất đắt rồi. Lại còn thành ngữ “phi cua tắc bớp” lần đầu tiên tôi được nghe thấy: Trong những đó đơm tôm thường thấy có cua hoặc cá bớp, chúng theo vào để bắt tôm. Con cá bớp đen trũi, nần nẫn, chắc khoẻ, tên nó lại trùng với chuyện cô gái bán hoa mà dân gian thường gọi, gợi ra một hình ảnh liên tưởng rất loằng ngoằng, thành ra chuyện “không cua thì bớp” người nghe nhớ dai. Một con, rồi hai con tôm thoát khỏi lớp rau sống chặn, chúng bật tách, nhảy phắt ra khỏi đĩa, rơi xuống chiếu, và... chúng bò. “Tôm bò!?”, tôi reo lên thích thú. “Vâng! Tôm bò đấy! Món này gọi là Món tôm bò...” - vị chủ nhà lên tiếng.
Cả mâm chợt lặng đi, chăm chú nhìn hai chú tôm khó nhọc bò trên chiếu. Một con bò được một lúc thì nó co mình bật tách lên, rơi nghiêng lại chiếu, giãy giãy vài cái lật mình lại được, tiếp tục bò. Bỗng ai đó cất tiếng: “Ồ! Thế nào nhỉ! Sao bỗng tự nhiên im ắng thế! Nào, tất cả ta nâng bát, ta mừng tôm bò...”. Can rượu 20 lít nhấc lên rót xem ra đã dễ dàng. Một người trong mâm đã say, anh ta bò lổm ngổm đến với lấy cái điếu cày. Mọi người trông thấy thế cười ngặt nghẽo. “Ăn tôm bò người bò mới thích”, ai đó nói lên hay như một câu ca...
Nhưng tôm bò kể trên rõ là con tôm nó bò ở chiếu khi bật bắn ra khỏi đĩa, nên gọi là Tôm Bò. Có đúng vậy không? Thì, nhớ có lần đọc một bài bút ký của anh Như Thắng, phóng viên Đài PTTH Quảng Ninh đăng trên báo Hạ Long, anh tả có một loại tôm, khi bị bắt đổ vào rổ cùng những con tôm khác, chúng bị đè, thì bao giờ chúng cũng tìm cách bò để ngoi lên phía trên cùng. Chúng khác với những con tôm khác ở chỗ vỏ của chúng sáng màu hơn, nhìn có vẻ mềm mại hơn, bấy hơn. Một rổ tôm như thế, loại tôm này không nhiều, người ta gọi những con tôm ấy là Tôm Bò. Và chúng mới là thứ tôm các cụ nhà anh Thắng dùng để ăn gỏi.
Bình luận (0)