xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Truy tìm nhóm giang hồ bắt và đánh người lao động

Theo THI HOÀNG - MINH HẢI (Lâm Đồng Online)

Đang làm việc tại cơ sở chế biến cà phê tươi Tâm Mười (Lâm Đồng) 2 thanh niên tại đây bị một nhóm giang hồ dùng xe ô tô bắt và đưa đi hành hung.

Công an TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho biết hiện đang tiến hành điều tra vụ việc đánh đập người lao động vừa xảy ra trên địa bàn TP thuộc khu vực giáp ranh với huyện Lâm Hà - một trong những địa bàn trọng điểm cà phê của tỉnh Lâm Đồng.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 13 giờ 15 ngày 13-11, một chiếc ô tô bốn chỗ ngồi chở 6 thanh niên với những khuôn mặt bặm trợn chạy đến dừng trước cổng cơ sở chế biến cà phê tươi Tâm Mười (xã Tà Nung, TP Đà Lạt). Chỉ trong chớp nhoáng, hai thanh niên bước xuống xe tiến vào cơ sở Tâm Mười túm áo hai người lao động của cơ sở này lôi lên xe rồi chạy thẳng.

Nỗi kinh hoàng của người lao động nhập cư

Trong các ngày từ 14-11 đến nay, nhận được tin báo của quần chúng về vụ việc lao động cà phê tại xã Tà Nung (Đà Lạt) bị một nhóm côn đồ dùng xe ô tô bắt và đưa đi hành hung, chúng tôi đã có mặt tại hiện trường để tìm hiểu vụ việc. Địa điểm xảy ra sự việc thuộc cơ sở chế biến cà phê tươi Tâm Mười, nơi đang có hàng chục lao động nhập cư làm việc. Khi chúng tôi có mặt, 4 lao động liên quan đến vụ việc đã không còn ở địa phương, duy nhất chỉ còn lại anh Nguyễn Văn Chung (SN 1977, quê Hậu Lộc, Thanh Hóa) là còn “trụ” lại để tiếp tục lao động.

Với vẻ mặt thất thần còn hiện rõ trên khuôn mặt, anh Chung bắt đầu kể lại đầu đuôi sự việc: Anh cũng như nhiều lao động đi làm thuê khác, vì muốn thoát khỏi cảnh đói nghèo nên đã khăn gói lặn lội nhiều nơi để mong tìm được một công việc ổn định nuôi gia đình, vợ con. Đi nhiều, làm nhiều nhưng anh và 4 người khác trong nhóm đã cùng nhau xác định làm ăn lâu dài với cơ sở chế biến cà phê Tâm Mười.

Tuy nhiên, do cà phê chỉ có một vụ trong năm nên cứ đến dịp cà phê chín rộ thì nhóm anh Chung mới khăn gói về Đà Lạt làm cho cơ sở trên; còn sau khi hết việc ở Tâm Mười, nhóm của anh lại đi tìm công việc khác. Đến hẹn lại lên, mùa cà phê năm nay, nhóm anh Chung lại quy về phụ việc cho cơ sở Tâm Mười, nhưng không ngờ lại xảy ra vụ việc khiến mọi người hoang mang bỏ đi.

Anh Chung kể tiếp: “Khi vào đầu vụ mùa cà phê, hàng nhiều, nên anh em làm việc bình thường, có thu nhập ổn định ở Tâm Mười. Nhưng sau đó, do cơ sở thiếu hàng sản xuất nên nhóm lao động chúng tôi đành phải tạm nghỉ để đi tìm việc khác”.

Ngay lúc đó, nhóm người lao động của anh Chung nghe được thông tin bên Công ty TNHH Ninh Thơm (xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) đang cần lao động thời vụ nên mọi người đã đề xuất với chủ cơ sở Tâm Mười được qua đó làm thêm để tăng thu nhập. “Khi được cơ sở đồng ý, chúng tôi đã hứa với ông bà Tâm Mười sẽ quay lại làm việc ngay khi cơ sở có hàng sản xuất” - anh Chung cho biết.

Vậy là nhóm anh Chung khăn gói lên đường và được ông Bùi Quang Diệu (phụ trách lao động của Công ty Ninh Thơm) nhận vào làm khoán, ăn theo sản phẩm, và không có bất kỳ hợp đồng lao động nào được ký kết giữa hai bên. Mọi việc diễn ra ổn thỏa, tại Công ty Ninh Thơm, nhóm lao động của anh Chung có việc làm và thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, đến khi cơ sở Tâm Mười có hàng sản xuất, nhóm anh Chung liền báo cho ông Diệu để xin nghỉ (báo trước hai tuần) và quay lại nơi làm việc cũ. Nhưng ngay sau khi trở về cơ sở Tâm Mười, khoảng 13h15 ngày 13-11, có một chiếc ô tô màu trắng chở 6 người dừng trước cổng, nơi nhóm anh Chung đang làm việc, và liền lúc đó có hai thanh niên bước xuống xe vẫy gọi anh Chung và Đông (trong nhóm 5 người làm việc tại công ty Ninh Thơm) ra xe.

Khi Chung và Đông ra tới cổng thì liền bị hai thanh niên kéo lên xe đưa về Công ty Ninh Thơm. Chưa đầu đuôi sự việc như thế nào thì ngay trên xe, hai anh Chung và Đông đã bị nhóm thanh niên này giựt tóc, đánh đập và thu điện thoại.

Khi về tới Công ty Ninh Thơm, anh Chung và Đông mới biết mình bị bắt và sau đó tiếp tục bị nhóm thanh niên dùng chân, tay đấm đá liên tiếp vào đầu và bụng. Sau một hồi, bà Nguyễn Thị Ninh (Phó Giám đốc Công ty Ninh Thơm) cản lại và nói: “Thôi đánh vậy đủ rồi, để chúng nó còn đi làm. Mấy thằng mày đi tìm bắt nốt 3 thằng còn lại về đây cho tao!”. Tuy nhiên, theo anh Chung thì nhóm thanh niên đó không bắt được 3 người còn lại vì chắc do họ sợ quá đã bắt xe đò bỏ trốn khỏi Công ty Tâm Mười .

Anh Nguyễn Văn Chung (bên phải) kể lại sự việc đánh đập vừa xảy ra

Anh Nguyễn Văn Chung (bên phải) kể lại sự việc đánh đập vừa xảy ra

Truy tìm nhóm giang hồ

Ngay sau khi nhận được tin báo về vụ việc, lực lượng Công an xã Gia Lâm, Công an huyện Lâm Hà và Công an TP. Đà Lạt đã nhanh chóng vào cuộc để điều tra. Cơ quan chức năng đã nhanh chóng triệu tập các đương sự liên quan, đồng thời cử nhóm trinh sát chia làm nhiều hướng truy tìm nhóm thanh niên manh động đã gây ra sự vụ trên.

Tại cơ quan điều tra, bà Nguyễn Thị Ninh đã phủ nhận toàn bộ thông tin “người nhà” của công ty bà đã đánh đập người lao động của Công ty Tâm Mười.

Chúng tôi đã tìm về Công ty Ninh Thơm để tìm hiểu vụ việc và được bà Ninh cho biết: Việc những lao động trên đến làm việc tại công ty bà không hay biết (?). Các lao động này được ông Bùi Quang Diệu (phụ trách lao động của Công ty Ninh Thơm) nhận về làm khoán theo sản phẩm, chứ không hề có hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi bà có biết sự việc 5 người làm cho bà bị bắt và đánh đập không thì bà Ninh lại nói: “Chiều 13-11, khi nghe tin ông Diệu báo có 5 lao động bỏ trốn, tôi đã trực tiếp gọi điện cho ông Tâm (Phan Khắc Tâm, công an khu vực) để nhờ tìm giúp, chứ làm gì có chuyện họ bị đánh”.

Ngoài ra, bà Ninh còn bảo rằng: “Đông làm lái xe cho tôi mà! Trưa nay, nó còn lái xe ở đây, giờ đi đâu không biết”. Nói xong, bà Ninh lấy điện thoại gọi cho Đông, giọng khá ngọt ngào: “Con ở đâu? Về làm cho u, chứ con bỏ đi ai làm cho u đây?”.

Theo như lời thoại giữa bà Ninh và anh Đông thì anh Đông đã lên Đà Lạt và bảo “sợ” không dám về. Bà Ninh còn biết anh Đông có người yêu tên Tâm ở Đà Lạt. Như vậy, lúc đầu bà Ninh nói không hề biết, nhưng sau đó lại “biết”? Câu hỏi này chúng tôi xin dành cho cơ quan chức năng điều tra trả lời...

Trở lại cơ quan điều tra, ông Đặng Quang Thắng, Phó Công an xã Gia Lâm cho biết: “Khi phát hiện ra vụ việc vào đầu giờ chiều 13-11, các cơ quan chức năng đã cùng nhau phối hợp mời anh Chung và anh Đông cùng bà Ninh lên cơ quan xã làm việc. Bước đầu, chúng tôi đã lấy lời khai của các bên đương sự, đồng thời lập tức cho hai anh Chung và Đông tiến hành nhận dạng đối tượng đã hành hung. Đến gần 12 giờ cùng ngày, người bị hại đã nhận dạng được một người trong nhóm 6 người”.

Ngay lập tức, nhóm trinh sát đã tỏa đi nhiều hướng và xác định được Nguyễn Huy Thanh (biệt danh Thanh Cổ Ngỗng, SN 1978, ngụ tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà) đưa về trụ sở làm việc.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, Thanh là một người nghiện ma túy, đã từng có tiền án và đã được đưa đi cải tạo. Thanh đã ly dị vợ và hiện không có công việc ổn định, suốt ngày lang thang lêu lổng.

Việc xác định được Thanh là một trong số người đã đánh đập người lao động của Công ty Tâm Mười sẽ giúp cơ quan chức năng nhanh chóng tiếp tục truy tìm các đối tượng còn lại. Riêng về phần 5 lao động liên quan đến vụ việc, do đều là người ngoại tỉnh, nên sau khi xảy ra sự việc, 4 người đã bỏ đi khỏi nơi làm việc vì quá lo sợ.

Cần có biện pháp chấn chỉnh

Hằng năm, cứ đến vụ thu hoạch cà phê thì tình trạng người lao động bị bắt, đánh, nhốt lại diễn ra thường xuyên ở Lâm Đồng. Vấn đề quản lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động thời vụ đang là một thách thức với cơ quan chức năng của tỉnh này. Riêng tại huyện Lâm Hà, với trên 40.000 héc ta cà phê, hằng năm thu hút gần 10.000 lao động tự do từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước đến làm thuê theo mùa vụ. 70% trong số này đến Lâm Hà thông qua các dịch vụ môi giới của các công ty giới thiệu việc làmcung ứng lao động.

Do vậy, việc quản lý số lao động theo mùa vụ này là một thách thức lớn của cơ quan chức năng, đặc biệt là đối với những đối tượng có lệnh truy nã, số gây án từ nơi khác đến địa bàn trà trộn vào số lao động tự do để ẩn náu. Do vậy, vấn đề đặt ra là cần phải xây dựng kế hoạch hướng dẫn các công ty giới thiệu việc làm và cung ứng lao động chấp hành nghiêm túc việc đăng ký tạm trú cùng các thủ tục khác theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần tích cực kiểm tra và quản lý chặt đối với các công ty giới thiệu việc làm và cung ứng lao động, cần bố trí lực lượng công an chính quy phối hợp cùng công an các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra các chủ trang trại, các hộ gia đình có sử dụng lao động làm thuê về công tác khai báo tạm trú, lưu trú tại địa bàn.

Việc quản lý chặt số lao động tự do, kịp thời phát hiện những sai phạm trong môi giới, giới thiệu việc làm, làm tốt công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu sẽ là định hướng mà các cơ quan chức năng sẽ hướng đến để góp phần hạn chế các vụ việc tương tự như trên.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo