Kẻ mất nhân tính
Kẻ cầm đầu băng cướp là Hoàng Ngọc Thịnh (SN 1992, ở xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). 5 tên còn lại cùng trú tại huyện Vĩnh Thạnh gồm: Huỳnh Văn Lập (SN 1991), Nguyễn Ngọc Vương (SN 1992), Đinh Văn Dũ (SN 1994, dân tộc Bana), Nguyễn Cao Duy (SN 1995), Nguyễn Công Thạnh (SN 1992).
Thịnh không nghề nghiệp, lang bạt lên Kon Tum từ năm 2008. Năm 2009, y dùng mã tấu chém một người bị thương; năm 2011, giật túi xách có đựng 55 triệu đồng của một phụ nữ. Tháng 4-2012, bị CA huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum khởi tố, truy nã về tội “cố ý gây thương tích”, “cướp giật tài sản”, thì đến tháng 7-2012, Thịnh trốn đến Vĩnh Thạnh và làm quen, kết bạn với Lập, Duy, Dũ, Thạnh, Vương - cũng là những đối tượng không nghề nghiệp, siêng chơi nhác làm.
Với bản tính “yêng hùng” sẵn có, Thịnh đã lôi kéo, kích động được nhóm thanh niên trên liều lĩnh tham gia các phi vụ cướp của trên địa bàn trải dài từ Quy Nhơn lên thị xã An Khê (Gia Lai). Từ ngày 26 đến ngày 28-10-2012, chúng dùng 2 con dao Thái Lan, 2 con dao phay, 1 bình xịt hơi cay thực hiện 6 vụ cướp. Thịnh đều là kẻ cầm đầu, trực tiếp kề dao đe dọa lấy tiền, đâm nạn nhân. Trong 3 nạn nhân Thịnh đâm, 1 người chết, 1 người bị thương tổn hại sức khỏe 50%.
Khoảng 4 giờ sáng 26-10-2012, tại khu vực Ẹo Bà Nho (phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn), thấy ông Trương Thường (SN 1971, ở phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn) đi hướng ngược chiều, Thịnh ra hiệu cho đồng bọn chặn xe, dọa lấy tiền. Ông Thường chưa có phản ứng gì vẫn bị Thịnh đâm một nhát thủng ngực (tổn hại 50% sức khỏe), rồi cùng Dũ thản nhiên lục lấy 500 ngàn đồng và 1 điện thoại di động.
Sau đó, trong khoản thời gian từ 4 giờ đến 5 giờ 30 phút ngày 28-10-2012, chúng liên tiếp cướp 3 vụ, dùng dao kề cổ, bắt nạn nhân đưa tiền. Chủ tọa phiên tòa nói: “May mà các bị hại này đưa tiền ngay, chứ chống cự thì bị đâm chết rồi. Nếu băng cướp này không bị bắt sớm, sẽ còn nhiều người bị chết và bị thương nữa”.
Nạn nhân bị đâm chết là anh Phan Văn Hữu (SN 1972, ở Bình Tường, Tây Sơn). Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh, vợ anh Hữu kể lại: “Khoảng 5 giờ 30 phút ngày 28-10-2012, anh Hữu chở tôi đi mua cá từ Quy Nhơn về thì gặp một nhóm người đi ngược chiều. Chúng quay lại, ép xe vợ chồng tôi vào lề, xịt hơi cay, hỏi tiền. Chồng tôi nói tiền mua cá hết rồi. Tôi nói để tôi đưa. Khi tôi rút tiền ra đưa họ, quay lại đã thấy ảnh bị đâm rồi. Vợ chồng người anh đi sau cũng bị chúng dừng xe hỏi tiền, không có chúng đánh túi bụi rồi bỏ chạy”.
Chủ tọa hỏi Thịnh: “Vợ người ta đã đưa tiền rồi, sao còn đâm anh Hữu?”. “Vì lúc đó anh Hữu la “cướp, cướp” nên bị cáo sợ bị bắt”. “Sao không đâm chỗ nào mà lại đâm vào ngực?”. “Vì trời tối bị cáo đâm bừa”.
Đại diện gia đình bị hại Phan Văn Hữu.
Đền tội
Khi nghe đại diện Viện KSND thực hành quyền công tố tại phiên tòa đề nghị Thịnh mức án tử hình, y chỉ cúi gằm mặt một vài giây, rồi ngẩng đầu. Khi được nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án, Thịnh khẩn khoản xin HĐXX chiếu cố đến hoàn cảnh của y: “Cha mẹ ly hôn khi bị cáo 4 tuổi. Sau khi bố lấy vợ đã bỏ rơi bị cáo. Bị cáo sống lang bạt nhiều nơi, làm nhiều nghề để sống, không ai dạy dỗ. Bị cáo biết mất một người thân là đau khổ vô cùng nên không chủ ý làm chết người…”.
Cha của bị hại Phan Văn Hữu bức xúc: “Con tôi trên 40 tuổi vẫn đi khuya về sớm mua bán kiếm từng đồng. Còn các bị cáo là thanh niên khỏe mạnh mà không chịu làm việc, chỉ muốn kề dao vào người khác cướp của là sao? Trong vòng một buổi sáng đâm chém đến mấy vụ, nếu không xử nghiêm minh, khi ra tù bọn chúng lại tiếp tục làm hại nhiều người lương thiện khác”.
Kiểm sát viên Đỗ Tấn Phước, đại diện Viện KSND tỉnh giữ quyền công tố tại phiên tòa nhận định: “Trong vụ án này, điều đáng sợ nhất là Thịnh không chỉ kích động, lôi kéo những người khác phạm tội cùng mình, mà còn lạnh lùng chém người nào có biểu hiện chống cự, xem mạng người như cỏ rác. Và, dưới sự kích động, lôi kéo của Thịnh, những bị cáo khác hùa theo, sẵn sàng phạm tội miễn sao có tiền để tiêu xài”. Trước đó, ngày 20-10, 6 tên cướp này cùng với những người khác vô cớ đánh gãy tay, gãy chân một thanh niên khác trên địa bàn huyện Tây Sơn.
HĐXX nhận định giá trị tài sản cướp được tuy không lớn (6 điện thoại di động, 3,7 triệu đồng tiền mặt, 1 nhẫn trị giá 5 triệu đồng) nhưng hành vi của băng cướp hết sức manh động, dã man, cần phải được xử lý nghiêm minh để làm gương, nhất là trong tình hình thanh thiếu niên phạm tội đang gia tăng.
Tổng hợp hình phạt hai tội “giết người” và “cướp của”, cùng với mức án TAND huyện Tây Sơn đã tuyên trước đó (về tội “cố ý gây thương tích” trong một vụ án khác), HĐXX TAND tỉnh đã tuyên phạt Hoàng Ngọc Thịnh mức án tử hình; Nguyễn Công Thạnh: 28 năm 3 tháng tù, Đinh Văn Dũ: 17 năm 9 tháng tù, Nguyễn Cao Duy: 17 năm 6 tháng tù, Huỳnh Văn Lập và Nguyễn Ngọc Vương cùng mức án 23 năm tù. Ngoài ra, tòa còn tuyên buộc các bị cáo bồi thường thiệt hại cho gia đình anh Phan Văn Hữu 124 triệu đồng.
Nghe tòa tuyên án tử, Thịnh vẫn bình tĩnh, ráo hoảnh. Chỉ có điều ánh mắt y luôn sục sạo ngang, dọc quanh khán phòng như tìm kiếm một ai. Mới 21 tuổi đời, Thịnh đã gây ra quá nhiều tội lỗi. Lỗi đó, một phần từ những người thân đã bỏ mặc, để hắn sống như cỏ dại.
Bình luận (0)