Trong hai ngày 19 và 20-3 (tức 29 tháng Giêng và mùng một tháng Hai âm lịch) tại chùa Bà (thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, Bình Định) đã diễn ra Lễ hội đô thị Nước Mặn.
Chùa Bà - nơi diễn ra lễ hội đô thị Nước Mặn.
Vào thế kỷ 18, khu vực An Hòa hãy còn là một vùng đầm lầy nước mặn, chưa có người dân sinh sống. Qua thời gian dài khai phá, vùng đất này dần trở thành một trong những thương cảng lớn ở xứ Đàng Trong khi ấy. Thương cảng Nước Mặn nhộn nhịp, sầm uất từng có tên trên bản đồ hàng hải của người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…
Thờ Thiên Hậu thánh mẫu tại chùa Bà.
Từ lúc đó, người dân vùng cảng thị Nước Mặn đã xây dựng ngôi chùa thờ các vị: Thiên Mẫu thánh hậu, bà Thai Sanh (12 bà mụ) và Thành hoàng làng… Hàng năm, người dân vùng này đều tổ chức lễ hội và duy trì cho đến ngày nay. Chùa Bà đã được UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử - văn hóa vào tháng 3-2011.
Phu khiêng kiệu
Lễ hội đô thị Nước Mặn là dịp gợi nhớ hình ảnh đô thị Nước Mặn thuở phồn thịnh. Phần lễ được tổ chức trang trọng với hơn 100 người tham gia gồm ban tế lễ là các cụ cao niên, đội nhạc lễ, đội lân, đội cờ và 16 phu kiệu (trong đó kiệu chính rước sắc; 4 kiệu còn lại rước các biểu trưng ngư, tiều, canh, mục).
Tế lễ nghinh thần rước sắc tại chùa Ông.
Đúng 15 giờ ngày 19-3, lễ nghinh thần rước sắc chính thức khởi hành. Đoàn hành lễ được đội lân dẫn đầu, tiếp đến là đội nhạc, ban hành lễ, rồi các kiệu và đội cờ. Tất cả hướng đến chùa Ông (cách chùa Bà chừng 300 m). Chùa Ông bị chiến tranh tàn phá hiện chỉ còn mảnh đất trống, người dân địa phương dựng tạm một miếu thờ ở đây. Tại đây, Ban hành lễ làm lễ rước sắc, rồi quay lại chùa Bà làm lễ nghinh thần nhập điện. Cúng lễ xong, đoàn hành lễ tiếp tục khởi hành đến các miếu thờ thần Hỏa, Thành hoàng làng, thần Hổ làm lễ cúng, rước nhập điện. Đến 17 giờ cùng ngày, lễ nghinh thần, rước sắc hoàn tất.
Lễ rước Thành hoàng làng.
Ngày 20-3, từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa, lễ tế đàn cầu an cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, buôn bán phát đạt, thuyền bè qua lại trên biển an toàn… diễn ra.
Ban tế lễ hành lễ.
Trong thời gian Lễ hội đô thị Nước Mặn diễn ra, trong4 ngày (từ ngày 19 đến 22-3), ngoài phần lễ, còn có phần hội với các trò chơi dân gian: Kéo co, cạp bưởi, đập ấm, múc nước đổ ly, đánh bài chòi cổ, múa lân, biểu diễn võ thuật, thi đấu bóng chuyền và hát bội, thu hút rất đông người dân tham gia.
Đông đảo du khách về dự Lễ hội đô thị Nước Mặn.
Bình luận (0)