Rắn ri voi được nuôi trong bồn xi măng.
Xã An Long hiện có hàng chục hộ nuôi lươn trong hồ xi măng. Đây là địa phương có nhiều người nuôi lươn theo mô hình này và được xem là “làng nuôi lươn” của huyện Tam Nông. Trung bình, mỗi đợt nuôi trên dưới 12 tháng, nông dân xã An Long xuất bán hàng chục tấn lươn thương phẩm, thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng!
Năm 2010, anh Bùi Rô Bi xây một cái hồ trên diện tích 384m2, bên trong hồ anh phân chia làm 19 cái bồn- mỗi bồn 16m2 và thả nuôi 38.000 con lươn giống. Nguồn thức ăn cho lươn chủ yếu được anh Rô Bi sử dụng là cá tạp nấu chín trộn với bột gòn và thức ăn viên công nghiệp có nhiều độ đạm… Lúc đầu, anh thả lươn giống vào một bồn ương nuôi. Một tháng sau, anh tuyển chọn những con lươn khỏe mạnh thả đều khắp vào 19 cái bồn để nuôi đại trà và tăng lượng thức ăn lên theo quá trình tăng trưởng của lươn.
Anh Rô Bi còn thường xuyên phòng ngừa dịch bệnh cho lươn, chăm sóc đàn lươn nuôi thật chu đáo và định kỳ 1 tuần một lần, anh thay nước hồ và trộn bổ sung vitamin vào thức ăn để cho lươn ăn nhằm tăng sức đề kháng cho lươn. Sau gần 12 tháng nuôi, anh Rô Bi cho tát hồ và thu hoạch được hơn 3.500kg lươn thương phẩm, bán giá từ 108.000- 120.000 đ/kg, thu nhập hơn 175 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, anh Rô Bi còn lãi hơn 150 triệu đồng!
Anh Rô Bi hiện đang nuôi 48.000 con lươn trong 24 bồn xi măng cạnh nhà. Đàn lươn nuôi của anh đang được gia đình chăm sóc cẩn thận và lươn đang tăng trưởng tốt, hứa hẹn một vụ nuôi lươn nữa bội thu… Anh Rô Bi cho biết: “Con lươn rất dễ nuôi, ít bị bệnh. Nguồn thức ăn cho lươn rất dễ tìm, tỷ lệ hao hụt thấp. Nếu áp dụng đúng khoa học kỹ thuật mà tài liệu hướng dẫn thì lươn phát triển tốt. Thả giống thì 1m2 khoảng 50 con”.
Còn ông Phan Văn Lâm (xã Phú Thành A) là người đầu tiên của huyện Tam Nông nuôi cá bống tượng ghép cá chình trong bè thành công! Với chỉ một cái bè 16m2, vào đầu năm 2010, ông Lâm thả hơn 100 con cá bống tượng giống. Nuôi gần 1 tháng thì tiếp tục thả 50kg cá chình giống vào bè nuôi ghép.
Trước khi thả cá giống, ông Lâm đã vệ sinh bè sạch sẽ bằng vôi bột và ngâm bè dưới mặt nước nhiều ngày. Thức ăn cho cá ăn là các loại cá, tép... được đánh bắt ngoài tự nhiên hoặc cá biển xay nhuyễn trộn với bột gòn. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, cá bống tượng và cá chình lớn, ông Lâm tăng dần lượng thức ăn lên theo quá trình tăng trưởng của cá. Trung bình cứ đầu tư từ 8- 10kg thức ăn sẽ cho ra 1kg cá bống tượng và 1kg cá chình thương phẩm.
Ông Lâm thường xuyên theo dõi, chăm sóc đàn cá nuôi ghép này thật chu đáo và phòng ngừa dịch bệnh cho đàn cá nuôi kịp thời theo đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn của cán bộ thủy sản huyện để giúp cá tăng trọng nhanh, hạn chế dịch bệnh tấn công… Đến cuối tháng 11/2011, ông Lâm cho cất bè và thu hoạch được 320kg cá bống tượng thương phẩm và trên 425kg cá chình thương phẩm, bán giá bình quân 400.000 đ/kg, thu nhập được gần 300 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí đầu tư và công chăm sóc ông Lâm còn lãi hơn 110 triệu đồng!
Ông Lâm cho biết: “Tôi nuôi năm nay trên dưới 20 năm rồi. Theo kinh nghiệm tôi thấy, con cá chình nuôi chung con cá bống đạt hiệu quả. Lý do là con cá bống bị con bọ vắt đeo; còn con cá chình thì bị con bọ rùa… Khi nuôi chung, con cá chình nó ăn con bọ vắt, con cá bống nó ăn con bọ rùa… nên mấy năm nay tôi nuôi đạt… Đàn cá đang phát triển rất tốt. Nguồn thức ăn thì lúc trước tới mùa cá đồng, tôi cho ăn cá linh; hết mùa cá linh tôi cho ăn cá biển, cá nục chuối…
Hồi lúc thả vô, cứ 3- 4 ngày tôi mới cho nó ăn. Bây giờ, trong khi con cá nó sành rồi thì cách một ngày tôi cho ăn một lần, lượng mồi khoảng 2,5 kg/ngày. Thường thường, tôi cho ăn vào đầu con nước lớn, cách một ngày cho ăn một lần. Tôi thấy hai thứ này nuôi chung nhau có phù hợp hơn. Nuôi riêng chưa chắc hay bằng nuôi chung…”
Ông Phan Văn Lâm hiện đang tiếp tục nuôi hơn 100 con cá bống tượng và 75 con cá chình giống trong cái bè cũ cạnh nhà… nhằm tăng thu nhập cho gia đình, góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi trong nông nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển…
Rời nhà ông Lâm, chúng tôi đến trang trại nuôi rắn ri voi trong bồn xi măng của anh Mai Minh Mẫn (xã Phú Thành A). Với 40m2 mặt nước của 4 bồn xi măng, anh Mẫn thả nuôi 100 con rắn ri voi giống. Nguồn thức ăn cho lươn chủ yếu được anh Mẫn sử dụng thức ăn là cá tạp và ếch còn sống… Lúc đầu anh thả rắn giống vào một bồn ương nuôi. Một tháng sau, anh tuyển chọn những con rắn đực và rắn cái khỏe mạnh thả đều khắp vào 4 cái bồn để nuôi đại trà và tăng lượng thức ăn lên theo quá trình tăng trưởng của rắn.
Việc phòng ngừa dịch bệnh cho rắn cũng được anh Mẫn thực hiện kịp thời theo đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn của cán bộ thủy sản huyện. Anh Mẫn còn thường xuyên thay nước bồn nuôi rắn ri voi (mỗi tuần 3 lần) và chăm sóc đàn rắn nuôi thật chu đáo để giúp đàn rắn tăng trọng nhanh, hạn chế dịch bệnh tấn công và sinh sản tốt…
Nuôi ghép cá bống tượng và cá chình giải quyết được vấn đề “ký sinh trên mình cá”.
Đến nay, sau hơn 6 năm nuôi, anh Mẫn đã xuất bán 4 đợt, với hơn 2.000 con rắn ri voi giống và rắn ri voi thương phẩm. Giá bán bình quân 600.000 đ/kg rắn ri voi thịt và từ 80.000- 100.000 đ/con rắn ri voi một tuần tuổi. Bán được trên 300 triệu đồng, trừ các khoản chi phí đầu tư và công chăm sóc, anh Mai Minh Mẫn còn thực lãi hơn 120 triệu đồng. Hiện đàn rắn ri voi của anh nuôi không đủ để bán.
Anh Mẫn vui vẻ: “Rắn lứa đẻ theo rắn lứa từ 7- 10 con. Rắn nuôi được 1- 2 năm trở lên thì đẻ bình quân 25 con và tăng lên vào những năm sau. Khi con rắn mẹ già, nó đẻ khoảng 30 con và đẻ ra con chứ không đẻ trứng. Con rắn này nói chung rất dễ nuôi, có thể nuôi trong thùng mốp, lu, khạp hoặc xây bồn… Có nuôi cá trê, ếch Thái rồi bắt ếch con cho nó ăn…”
Hiện anh Mẫn đang nuôi hàng trăm con rắn ri voi trong 4 bồn xi măng cạnh nhà. Đàn rắn ri voi nuôi của anh Mai Minh Mẫn đang được gia đình anh chăm sóc cẩn thận và rắn đang tăng trưởng tốt… hứa hẹn sẽ tiếp tục có nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình…
Nhiều nông dân trong và ngoài huyện Tam Nông hiện đang thuần dưỡng và nuôi nhốt loài rắn ri voi, vừa đem lại nguồn lợi nhuận kinh tế cho gia đình vừa góp phần bảo tồn loài động vật hoang dã cũng như cung cấp nọc rắn để làm dược liệu bào chế thuốc trị bệnh cho mọi người. Đây là mô hình độc đáo đang được các ngành chức năng nghiên cứu phát huy và nhân rộng để giúp người dân nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống và từng bước khá giàu, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển…
Toàn huyện hiện có trên 3.000 hộ nuôi hơn 1.200ha mặt nước ao hầm, lồng bè nuôi tôm, cá, lươn, rắn, ếch các loại... Hàng năm, nông dân Tam Nông thu tổng sản lượng hàng chục ngàn tấn thủy sản các loại. Đây là thế mạnh thứ hai sau cây lúa của huyện đang được khuyến khích phát triển...
Bình luận (0)