Địa danh này cách trung tâm thành phố Thanh Hóa về phía tây bắc 80km. Suối cá thần Cẩm Lương (còn có tên gọi là Mó Ngọc) nằm ở bờ bắc sông Mã, thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.
Các du khách tham quan suối cá thần Cẩm Lương.
Suối có tới hàng nghìn con cá lớn, nhỏ; con bằng bắp chân, bắp tay, thậm chí còn to hơn nhiều, cỡ khoảng từ 2kg đến trên dưới 10kg; ấy là chưa kể, theo người dân địa phương, cá chúa còn to hơn nữa, nặng tới 30kg. Suối gồm các loài: Cá dốc thuộc bộ cá chép, cá trắm, cá chài…
Hình thù các loài cá này rất lạ, màu sắc phong phú như: Màu đỏ, xanh, hồng, đen... Lúc bơi, thân cá phát sáng nhiều màu, lấp lánh ánh bạc nom rất đẹp mắt. Suối không sâu, nước trong vắt, các loài cá ở đây thân thiện, dạn dĩ với người và rất phàm ăn, chúng có thể ăn bất kỳ thứ gì mà du khách đãi chúng, từ bim bim, ngô, các loại rau v.v...
Nhưng đặc biệt, chúng không đớp vào ngón tay người và cũng không cho sờ hoặc ve vuốt chúng. Bên cạnh suối cá thần, dân địa phương còn cho biết, xã Cẩm Lương hiện còn giữ được cả hệ thống rừng nguyên sinh với các loài động, thực vật quý đặc trưng của vùng rừng nhiệt đới.
Mật độ cá dày đặc, hình như chúng sống rất hòa thuận và đa số tập trung ở khu vực cửa hang. Nước suối không thấy mùi tanh hay rớt cá tiết ra. Người dân ở đây thường dùng nước suối này để nấu ăn hàng ngày. Họ còn tin rằng cá ở suối rất linh thiêng nên không ai bắt cả mà chỉ để chiêm ngưỡng và cầu may!
Sự sung túc của đàn cá trên dòng suối là biểu tượng của sự bình yên no ấm cho cuộc sống của bà con các dân tộc trong khu vực. Vì thế người dân địa phương truyền đời nhau cùng gìn giữ; khi mưa lũ, cá có thể bị cuốn ra khỏi suối nhưng hễ ai thấy là lập tức đưa về thả trả lại dòng suối!
Suối cá thần Cẩm Lương bắt nguồn từ trong lòng núi! Nghe nói, đó là cả một hệ thống hang động rất rộng. Cá sinh sống bằng những cánh suối ngầm, ngày chui ra ngoài cửa hang chơi, tối chui vào lòng núi để ngủ.
Ngay những người sống lâu nhất ở Cẩm Lương cũng chịu, không biết cá sinh sống ở đây từ bao giờ? Cá sống và sinh sản chủ yếu bằng thức ăn rong, rêu và các loại lá cây hai bên bờ suối rụng xuống như lá dâu da xoan, lá bạng, lá cây long lạnh, thậm chí cả lá bưởi, lá lim (một loài lá rất độc).
Nếu ai có thời gian chờ đợi sẽ có điều kiện chứng kiến đàn cá lũ lượt nối đuôi nhau chui ra khỏi cửa hang lúc mờ sáng, hay ngược lại, cá vào hang lúc xâm xẩm tối hàng ngày.
Người dân ở đây cho rằng, ai dám bắt và ăn thịt các loại cá trên dòng suối này đều bị coi là có hành động xúc phạm đến thần linh, chẳng những gây ra tai họa cho mình mà còn cho cả cộng đồng. Không những thế, dân làng còn lập bàn thờ bên suối để thờ cúng. Hằng năm, hội tế thần núi, thần sông, thần cá bên bờ suối được mở từ ngày 8 đến 15 tháng Giêng âm lịch…
Hiện nay, để du khách có thể qua lại tham quan dễ dàng suối cá thần, tỉnh Thanh Hóa đã làm đường cầu treo nối bờ nam sang bờ bắc tại khu vực này.
Bình luận (0)