Võ sư Ngô Bông được giới võ thuật cả nước biết đến với tư cách ông là võ sư duy nhất phục dựng toàn bộ bài võ Hùng Kê quyền của Nguyễn Lữ- người em út của Nhà Tây Sơn. Đây là thế võ dựa vào các miếng đánh của gà chọi và “nâng cấp” lên thành một trường phái trong các thế võ cổ truyền.
Võ sư Ngô Bông
Mỗi tướng lĩnh của Tây Sơn đều sở hữu một thế võ, Nguyễn Lữ sở hữu bài Hùng Kê quyền. Miếng đánh “song túc tề phi” (hai chân cùng bay) này đã góp phần không nhỏ trong những lần chinh Nam dẹp Bắc của quân Tây Sơn, nhất là lần tiến quân ra Thăng Long vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 đại phá 29 vạn quân Thanh.
Nhà Tây Sơn sụp đổ, bài Hùng Kê quyền cùng “chủ nhân” của nó cũng thất lạc luôn, để 200 năm sau, có một võ sư trên đất Quảng Ngãi đã phục dựng toàn bộ bài võ độc đáo này và được Liên đoàn Võ thuật Việt Nam xác nhận Ngô Bông là “truyền nhân” của bài võ ấy.
Việc phục dựng toàn bộ bài Hùng Kê quyền là cả một “truyền kỳ” như chính cuộc đời của lão võ sư Ngô Bông vậy. Cho đến khi tạ thế, võ sư Ngô Bông cũng không nhớ đích xác là mình cầm tinh con gì! Giờ ông chỉ dựa vào thẻ căn cước để khai tuổi (1928) nhưng những bậc cao niên ở thôn Điền Chánh quê ông thì bảo Ngô Bông sinh năm 1926, cầm tinh con hổ.
Cha mẹ mất sớm từ khi ông lên một tuổi, Ngô Bông được các người cậu của ông cưu mang. Ông ngoại Ngô Bông vốn là một nghĩa quân Nhà Tây Sơn, binh pháp tinh thông, võ nghệ cao cường. Ông truyền dạy cho những người con trai của ông (tức cậu ruột Ngô Bông) nhiều thế võ, trong đó có Hùng Kê quyền cùng bài thiệu về thế võ này. Ngô Bông được ba người cậu vừa dạy võ vừa “truyền” luôn bài thiệu của Hùng Kê quyền mà ông không hề biết ý nghĩa thiêng liêng của nó.
Khi đã thành một chàng trai vạm vỡ, các thế võ của cậu đã hết, Ngô Bông mang túi lên đường vô Phú Yên- nơi có một võ đường lừng danh mang tên Cưu Vàng, để tầm sư học võ. Một chiều nọ, nhân giải lao giữa buổi tập, Ngô Bông chợt thốt lên hai câu đầu của bài thiệu: “Lưỡng kê giao nạp thủy tranh hùng/Song túc tề phi trảo thượng xung” ( Dịch nghĩa: Hai con gà chọi nhau để tranh hùng/Hai chân cùng bay, móng chân đâm hất lên”.
Võ sư Cưu Vàng giật thột, hỏi: “Con học ở đâu bài thiệu này?”. Ngô Bông thưa: “Dạ thưa, từ những người cậu của con đó thầy”. Võ sư Cưu Vàng lâu nay đã cất công đi tìm bài thiệu này nhưng lại không biết tìm đâu mặc dù thế võ thì ông khá tường tận.
Ông vỗ vai cậu học trò: “Con gắng giữ, đừng bao giờ quên bài thiệu này. Đó chính là bài Hùng Kê quyền của Đông Định Vương Nguyễn Lữ mà bao lâu nay ta tìm kiếm”. Ngô Bông tạc dạ lời thầy dặn rồi trở lại quê nhà.
Thời cuộc đổi thay, đất nước tao loạn, ông mướt mồ hôi với áo cơm nhưng không thôi nuôi khát vọng sẽ có ngày trình làng Hùng Kê quyền cùng bài thiệu. Năm 1989, nhân giải võ cổ truyền tại Bình Định, Ngô Bông đã biểu diễn bài quyền này trước sự thán phục của giới võ thuật miền đất võ nhưng các võ sư Bình Định cũng không biết được rằng đó chính là Hùng Kê quyền vì Ngô Bông không tiết lộ bài thiệu kèm theo.
Mãi đến năm 1993, tại giải võ cổ truyền toàn quốc tổ chức ở TP HCM, ban tổ chức yêu cầu mỗi bài quyền biểu diễn phải kèm theo xuất xứ, Ngô Bông mới trình làng bài thiệu Hùng Kê quyền. Lập tức, viên ngọc võ thuật đã vùi lấp 200 năm chợt bùng lên. Người thổi bùng ngọn lửa ấy chính là Ngô Bông. Liên đoàn Võ thuật Việt Nam công nhận Ngô Bông là “truyền nhân” của bài võ độc đáo này.
Cũng từ đấy, ông mang Hùng Kê quyền đi khắp năm châu. Ở đâu, giới võ thuật cũng tấm tắc dành cho lão võ sư những lời thán phục về một thế võ vô cùng độc đáo này. Cuối năm 2010, tại Milan, nước Ý, bộ phim “Đời võ” nói về Ngô Bông đã vượt qua 400 phim cùng thể loại để đoạt giải quán quân nhân Liên hoan Điện ảnh Truyền hình thể thao quốc tế. Ngô Bông đã dành trọn đời mình cho võ thuật. Và chỉ có một tình yêu chung thủy như thế, Hùng Kê quyền mới lộ sáng sau 200 năm quên lãng.
Từ bây giờ, trên các đường làng của Quảng Ngãi sẽ vắng bóng một ông già, qua tuổi bát tuần mà vẫn đi xe máy để chữa bệnh bong gân cho mọi người, bên dòng suối nơi cầu Xóm Xiếc quê ông, lại vắng đi hình ảnh của lão võ sư vẫn thường cắm ngọn thương mỗi sáng để luyện nhãn pháp. Xin vĩnh biệt ông, một tượng đài của võ thuật dân tộc!
Bình luận (0)