Sinh ra ở mảnh đất Nhân Hậu, Lý Nhân (Hà Nam), khi 18 tuổi, ông Trần Hữu Tri cũng như bao chàng thanh niên khác đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, xung phong nhập ngũ. Năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ông Tri lại cầm cuốc, cầm xẻng lên Tây Bắc xây dựng vùng kinh tế mới.
Từ 10 cành chanh giống đến vườn chanh 1.000 gốc
Mảnh đất mà ông Tri và gia đình chọn làm nơi an cư lạc nghiệp là thôn Nậm Dù, xã Xuân Quang (Bảo Thắng). “Ban đầu tôi khai hoang đất rừng để trồng ngô, sắn, nhưng trồng được bao nhiêu ngô, sắn cũng chỉ đủ ăn qua ngày. Đến năm 1980, tôi về quê lấy vài chục hom cây mía Đại Đường lên trồng thử nghiệm và đạt được thành công ngoài mong đợi” - Ông Trần Hữu Tri kể lại những ngày đầu lập nghiệp ở vùng đất mới.
Từ 10 cành chanh, nay vườn chanh của ông Trần Hữu Tri đã phát triển lên 1.000 gốc.
Nhờ cây mía mà gia đình ông Tri có “của ăn, của để”. Mọi người trong thôn, trong xã đến xin giống mía về trồng. Về sau, cây mía Đại Đường phát triển ra nhiều nơi, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Ai cũng nghĩ, ông Tri sẽ gắn bó với cây mía đến trọn đời, tuy nhiên, điều mà mọi người không thể biết là ông không bao giờ thỏa mãn với những thành công trước mắt, mà trong ông luôn muốn tìm đến những khó khăn, thử thách mới. Thế rồi, năm 1990, ông Trần Hữu Tri quay sang trồng chanh, bỏ hẳn trồng mía trong sự ngỡ ngàng của hàng xóm, bạn bè.
Nhiều người còn bảo ông là bị điên, họ cho rằng trồng chanh vào thời điểm đó thì “có ma nào ăn”, với lại cây mía đang cho thu nhập cao và ổn định. Bỏ qua những lời đàm tiếu, ông Trần Hữu Tri cuốc bộ ra thị trấn Phố Lu mua vé tàu về quê lấy giống chanh. Khi đưa giống chanh lên thôn Nậm Dù, một lần nữa ông Tri lại làm mọi người bất ngờ bởi chỉ mang lên có 10 cành chanh. “Nhiều người tỏ ra nghi ngờ khả năng thành công, vì họ bảo 10 cành chanh thì phát triển kinh tế kiểu gì, lúc đầu tôi cũng hoang mang, nhưng vẫn quyết tâm trồng bằng được, vì nếu cứ trồng mía thì vất vả lắm ” - Ông Tri nhớ lại.
Bằng kinh nghiệm và tâm huyết, 10 cành chanh được trồng, phát triển tốt và trở thành 10 cây chanh. Hơn 2 năm sau, cây chanh cho những quả đầu tiên. Từ đây, ông Trần Hữu Tri bước vào giai đoạn chiết cành, nhân giống. Đến nay, trong vườn chanh của ông đã có trên 1.000 gốc cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm. Không chỉ vậy, người dân ở khắp nơi còn đến mua cành chanh về trồng, phát triển thành một vùng rộng lớn đến hàng chục ha.
Chanh quý không gai
Ông Trần Hữu Tri nói với tôi một chuyện thật như đùa, rằng cây chanh nhà ông là cây chanh không có gai. Thấy tôi tỏ vẻ thắc mắc vì cho rằng chanh nào mà chẳng có gai, ông Tri liền dẫn tôi ra vườn để “mục sở thị”. Quả thật, đúng như lời ông Tri nói, suốt từ gốc đến ngọn, tôi không hề tìm thấy một cái gai nào trên cây chanh. Trước sự bất ngờ và tò mò của tôi, ông Tri giải thích “Đây là loại chanh quý dùng để tiến cho vua chúa ngày xưa. Đặc điểm của cây chanh là không có gai, vị quả thơm, ngon và không chua gắt như các loại chanh khác, mỗi năm chỉ cho thu hoạch 1 vụ và chỉ thích hợp với một số vùng khí hậu, thổ nhưỡng nhất định”.
Cũng chính vì là loại chanh đặc biệt, nên nhiều người tìm đến vườn chanh của ông Tri để đặt giống về trồng. Tuy nhiên, cũng có nhiều người trồng giống chanh này bị thất bại bởi yếu tố thổ nhưỡng và khí hậu. Theo ông Tri, có nơi chỉ cách nhà ông một quả đồi, nhưng khi lấy giống chanh về trồng, cây phát triển tốt nhưng lại không đậu quả, có nơi sắp đến ngày thu hoạch quả chanh lại bị rụng...
Ngoài yếu tố thổ nhưỡng, việc trồng và chăm sóc cây chanh cũng cần đến sự tỉ mỉ, có kỹ thuật và sự kiên nhẫn. Ông Trần Hữu Tri cho biết: Trồng cây chanh cũng không quá khó, quan trọng nhất là khâu chăm sóc. Khi cây trưởng thành cần thường xuyên tỉa cành, khi cây bắt đầu ra hoa thì phải phun thuốc bảo vệ thực vật và sau thu hoạch xong phải bón phân. Khi trời mưa thường xuất hiện các loại côn trùng cắn, chích gốc chanh dẫn đến cây chanh bị chết khô, nên phải thường xuyên phát dọn gốc chanh sạch sẽ, phát hiện có côn trùng thì phun thuốc diệt trừ ngay.
Cũng vì thế mà ông Tri ngày đêm nghiên cứu và đã tìm ra cách “đối phó” với các loại côn trùng. Bằng kiến thức sinh học từ thời còn học phổ thông và kinh nghiệm thực tế, ông Tri đã cấy ghép thành công mầm chanh lên thân cây bưởi. Những cây chanh được ghép theo cách này có thể chống chọi với các loại sâu bệnh, năng suất cũng rất cao, ước tính khoảng 10 kg/gốc.
Nhờ trồng thành công loại chanh quý, cùng với các loại hoa quả như ổi, na, vải, chuối... mỗi năm gia đình ông Tri có thu nhập từ trồng cây ăn quả được gần 100 triệu đồng. Vì lẽ đó, biệt danh “vua chanh” hoàn toàn xứng đáng với ông.
Bình luận (0)