Ông tên là Nguyễn Văn Hưởng, năm nay đã 71 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Lợi (xã Vĩnh Khánh, Thoại Sơn). Người dân nơi đây quen gọi là ông Năm với lòng kính trọng. “Tôi nghĩ sinh ra trên đời ai cũng có quyền được chết một cách đàng hoàng, nhưng với một số người, cái chết tươm tất đôi khi cũng không có được. Cũng vì suy nghĩ này mà tôi trở thành “người xây nhà” chuyên nghiệp bất đắc dĩ ở bến biệt ly, nơi con người giã từ cõi sinh, đi về bến tử. Miễn còn sức khỏe, tôi sẽ mãi làm thợ xây “mái ấm” cho những phận nghèo xấu số” – ông Năm trầm tư.
Ông Năm vẫn âm thầm làm việc thiện
Quê ông Năm Hưởng nguyên ở phường Bình Đức (TP. Long Xuyên), từng vào tù ra khám của chế độ cũ khi tham gia cách mạng. Năm 1979, ông về sinh sống ở phường Mỹ Hòa trong cảnh nghèo khó, con cái nheo nhóc. Đến năm 1993, ông dắt đàn con 10 người về tá túc ở ấp Vĩnh Lợi làm đủ nghề để sinh nhai và hơn 10 năm sau mới có được căn nhà lành lặn như ngày nay. Vốn thạo nghề trong ngành xây dựng, từng làm thợ chính cho nhiều công trình lớn, nhưng vì cám cảnh chuyện một người nghèo ở địa phương khi chết không mua nổi quan tài nên ông trở thành thợ chuyên nghiệp “xây nhà” cho người quá cố. Ông Đỗ Văn Mẫn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Vĩnh Khánh và cũng là một “đồng nghiệp không chuyên” của ông Năm, bộc bạch: “Cùng với ông Năm còn có vài người khác thường đi xin cây, ván về đóng sẵn quan tài đưa vào kho, mỗi năm xuất ra bình quân từ 25 - 35 chiếc cho người quá cố nghèo khó, không chỉ ở địa phương này mà còn cho nhiều nơi khác. Gần 10 năm tham gia, ông Năm đóng khoảng 300 quan tài. Ngoài công việc trên, ông còn là người thường xuyên đi vận động, cho ra đời trên 20 bộ cột bê tông/năm. Khi địa phương phát động giặm, vá các tuyến lộ nông thôn, cầu xuống cấp, nhất là các hoạt động từ thiện, sửa chữa, cất mới nhà cho người nghèo đều có sự tham gia tích cực của ông…”.
Nhận xét về ông lão đã ngoài tuổi thất tuần nhưng vẫn siêng làm việc thiện, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khánh Nguyễn Văn Lãm nói: “Ông Nguyễn Văn Hưởng là một tấm gương sáng về thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, đặc biệt là chuyện lo tang sự đối với người quá cố. Việc làm của ông đã góp phần tạo cho diện mạo làng quê ngày thêm khởi sắc. Ghi nhận những đóng góp trên, ông đã được UBND tỉnh An Giang tặng Bằng khen; UBND huyện Thoại Sơn, các ban, ngành, địa phương tặng Giấy khen, biểu dương và hơn hết, ông được bà con dành cho nhiều tình cảm yêu thương, quý trọng. Đó là phần thưởng không dùng tiền mua được”.
Bình luận (0)