Nếu không cùng quan hệ tình cảm với một cô gái trẻ, có lẽ P.V.T (sinh năm 1987, trú xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) và N.V.Tr sẽ chẳng biết nhau, càng không bao giờ phải đến tòa, người trở thành bị cáo, người với tư cách bị hại.
Thanh minh việc cầm dao đuổi đâm Tr., gây thương tích 28%, bị cáo T. cho biết, T. và chị N. chung sống như vợ chồng nhưng chưa đăng ký kết hôn. Vậy mà tối đó, T. đến phòng trọ thì thấy phòng khóa cửa trong, tắt đèn. T. gọi nhưng N. không chịu mở. Khi bị cáo xô cửa xông vào thì thấy bóng một người con trai chạy vào nhà tắm, còn cô vợ hờ thì chạy ra ngoài.
Bực tức do ghen tuông, T. vớ con dao để trong phòng, đâm liên tiếp vào Tr… Sau đó, T. còn quay lại phòng tìm N. hỏi về người thanh niên đó, nhưng N. chỉ bảo đó là cậu em nhỏ bạn. Câu trả lời càng khiến T. tức giận nên T. đã tát N., lấy đèn pin đánh vào đầu N., gây chảy máu. Giờ đây, bị cáo rất hối hận, hứa không bao giờ đánh N. nữa và xin lỗi Tr.
N. buồn bã thừa nhận chị có quan hệ tình cảm với T. và đã chung sống được gần 1 năm. Tuy vậy, chị rất mệt mỏi với mối quan hệ này và không muốn đăng ký kết hôn bởi cảm thấy không có tương lai. Nhưng chị lại không thể chấm dứt được vì biết rằng nếu nói chấm dứt, chắc chắn sẽ xảy ra chuyện. T. thường o ép, không cho chị giao du với người khác. Chị khẳng định lúc quen Tr., chị đã gần như chấm dứt quan hệ với T. Chị cũng thừa nhận đã không cho Tr. biết mình đang chung sống như vợ chồng với T. Sau khi vụ án xảy ra, chị vẫn cùng T. về quê và chung sống tiếp, hơn 1 tháng sau mới chấm dứt.
Trong khi đó, Tr. cho biết, anh mới có quan hệ tình cảm với N. nhưng không hề biết N. đang chung sống với người khác. Lần bị T. đánh cũng là lần đầu tiên anh tới phòng trọ của N.
Mẹ T. thì than thở, nhà chỉ có 1 mẹ 1 con, T. rất thương bà và cũng luôn nghe lời. Ngày thường T. đi làm phụ hồ, xưa nay chẳng gây hiềm khích với ai. Đúng thời gian đó, bà đi làm mướn trong TP. Hồ Chí Minh nên không hề biết T. ở nhà chung sống với N., càng không biết cơ sự xảy ra vậy.
Vị thẩm phán phân tích: Tình yêu bao giờ cũng cần sự tự nguyện từ hai phía. Bị cáo cần nghiêm khắc nhìn nhận cách yêu của mình. Quan hệ của bị cáo và chị N. trên mức bạn bè, nhưng không có nghĩa N. thuộc sở hữu của bị cáo và bị ngăn cấm mọi mối quan hệ. Nếu chị N. nói chia tay, T. phải chấp nhận để chị N. tự do có quan hệ khác. Đổ lỗi vì quá yêu, nhưng thực ra bị cáo đã ghen mù quáng, vì không chỉ đánh người đàn ông của N., bị cáo còn đánh cả người phụ nữ mình yêu. Bị cáo làm vậy, liệu còn ai dám gắn bó? Đó là chưa nói việc bị cáo chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Nhưng ngay cả chị N. cũng cần xem lại cách yêu đương. Trên 18 tuổi, chị hoàn toàn có quyền lựa chọn bạn trai cho mình, nhưng chị đã không dứt khoát và dễ dãi trong quan hệ tình cảm. Chính cách sống của chị khiến bị cáo tin rằng chị sẽ là vợ, và muốn kiểm soát chị. Chị nói không thể chấm dứt do bị o ép, trong khi chị hoàn toàn có thể báo chính quyền. Nếu chị dứt khoát hơn trong tình yêu, có lẽ đã không có vụ án này.
Rồi đây, trong tù, bị cáo T. sẽ có thời gian ngẫm nghĩ về cách yêu đương thiếu kiểm soát của mình, nhưng có lẽ đây cũng là bài học cho nhiều người khác trong việc chọn người yêu, cách yêu!
Bình luận (0)