xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xóm Mồ Côi

Theo Thùy Trâm (Cà Mau Online)

Từ xã Tân Hưng Tây, theo con lộ đal cặp bờ kinh, nín thở leo lên mấy cây cầu cao nhỏ xíu mới đến được ấp Kiến Vàng A, xã Việt Thắng. Từ đây, chúng tôi tiếp tục cho xe bò chầm chậm theo con đường đất đen ngoằn ngoèo non cây số, theo bờ vuông mới đến được xóm Mồ Côi – một xóm nhỏ chỉ có 14 hộ dân thuộc ấp Kiến Vàng A, xã Việt Thắng, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Thật may vì trời không mưa…

Đón chúng tôi tại nhà ông Võ Hùng Anh (Sáu Anh), cựu chiến binh của ấp, anh Lê Hoàng Minh, Chủ tịch UBMTTQ xã Việt Thắng, kiêm Bí thư Chi bộ ấp Kiến Vàng A, cho biết: Con lộ này dân trong xóm mới ban được chừng 6 tháng nay vì nghe huyện, xã hứa sẽ cho xây dựng đường vô xóm.
 
Ông Võ Hùng Anh tiếp lời: Con đường đất đen chỉ giải quyết một phần nỗi khổ mà dân xóm Mồ Côi phải chịu mười mấy năm qua.
 
Không đường thoát nước
 
img
Cứ mỗi lần ra thăm lú, ông Võ Hùng Anh lại thẫn thờ vì chẳng có con tôm, con tép nào mặc dù đang con nước xổ tôm.
 
Theo ông Sáu Anh, cái tên Xóm Mồ Côi đã có từ thời dân mới vào đây khai phá đất, vì hồi ấy chỉ có vài căn nhà được dựng lên giữa vùng đầy sậy và lức. Thời đó người dân còn sống bằng nghề nông. "Vùng đất này làm lúa rất trúng, nhà nào cũng có trên dưới 1 ha đất sản xuất nên cuộc sống rất khấm khá, nhà cửa xây dựng khang trang. Thế nhưng, từ khi thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất đến nay, hộ nào cũng bao ví đất lại để nuôi tôm. Không có đường thoát nước nên tôm nuôi gần đây không thu hoạch được gì”, ông Sáu Anh cho biết.
 
Dẫn chúng tôi ra vuông tôm của mình, chỉ xuống dòng nước vàng quánh màu phèn, xa xa là những mảng rêu xanh, ông thở dài: “Nước có ra vô gì được đâu. Lâu lâu tôi xổ đại ra con kinh trước mặt nhà, rồi hỏi xin những hộ nuôi tôm khác cho lấy nước vào. Vui thì họ cho, buồn thì không cho, cũng đành chịu”.
 
Ông dở một cái lú cho tôi xem thử, chẳng có con tôm nào mặc dù đang con nước. “Mấy năm đầu mới chuyển dịch, nuôi tôm còn trúng, cuộc sống người dân còn dễ thở. Hai, ba năm nay nguồn nước nhiễm phèn nặng quá, không cải tạo được, tôm chết liên miên, một con nước thu được hai, ba trăm ngàn đã là mừng”.
 
Cũng vì cuộc sống quá khó khăn, 2 trong 14 hộ đã bỏ nhà đi xứ khác làm ăn. 12 hộ còn lại phải đi làm thuê kiếm sống. Xóm Mồ Côi ban ngày nhà nào cũng vắng tanh, chỉ còn phụ nữ và con nít ở nhà, đàn ông , thanh niên, người thì đi Bình Dương, người thì đi đào đất, sên vuông mướn, chiều tối mới về.
 
Với diện tích đất nuôi tôm hơn 2,4 ha, mỗi năm thu hoạch trên dưới 10 triệu đồng (?) nên cuộc sống 7 nhân khẩu của gia đình ông Võ Hùng Anh khá chật vật. Vì thế, cũng như đa số hộ dân ở đây, con gái út của ông phải đi tìm việc làm ở tận Bình Dương, con trai thì đi đào đất mướn mới đủ sống.
 
Gia đình anh Đặng Văn Thanh Hồng cũng lâm vào cảnh tương tự. Với 1,3 ha đất nuôi tôm, tháng nào anh cũng thả từ 5.000-7.000 con giống nhưng gần như không thu hoạch được gì. Anh thở dài ngao ngán: Mùa nước mặn, nhờ nước trong các vuông tôm xung quanh thấm qua nên còn thu được chút ít, chớ cỡ tháng này trở lên vô mùa mưa rồi là chịu thua.
 
Không đường kinh thoát nước, nuôi tôm không hiệu quả, đa số hộ dân trong xóm phải cố gắng duy trì cuộc sống bằng cách đào ao nuôi cá, trồng rau xung quanh nhà để phục vụ bữa ăn hằng ngày. Họ không còn trông chờ vào con tôm nữa mà đành chấp nhận một nghịch lý là dù đất đai cò bay thẳng cánh lại phải nai lưng đi làm thuê kiếm sống.
 
Nhiều hệ lụy
 
Hầu hết con em trong xóm Mồ Côi không được học hành tới nơi tới chốn. Học sinh đi học phải dậy từ tờ mờ sáng, men theo bờ vuông tôm, càn trong sậy mà đi. Mùa mưa, nhiều em đến lớp với quần áo, tập vở lấm lem vì té ngã đọc đường.
 
Nhọc nhằn nhất là học sinh tiểu học, cha mẹ các em phải cõng đến trường, rồi ngồi chờ đến khi tan học để rước về, bỏ cả công việc gia đình. Nhiều em dù rất ham học và học hành rất giỏi cũng đành dang dở chỉ vì đường sá đi lại khó khăn, gia đình không khả năng lo nổi.
 
Vợ chồng anh Đặng Văn Thanh Hồng dù đã cố gắng hết sức cũng chỉ lo cho con trai học hết lớp 11, đến đây thì anh không còn khả năng lo nữa, đành phải cho nghỉ học đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình. Cuộc sống của gia đình giờ chỉ dựa vào số tiền làm thuê bữa có bữa không của hai cha con anh.
 
Em Võ Thị Diễm My, cháu ông Võ Hùng Anh, hiện là học sinh lớp 7, Trường THCS Tân Hưng Tây. Năm học vừa qua em được chọn đi thi học sinh giỏi môn văn nhưng khi trường tổ chức ôn thi vào ban đêm, em không đi được do nhà xa, đường khó, cuối cùng em đã thi trượt trong kỳ thi đó.

img
Nguồn nước ô nhiễm như thế này nên tôm nuôi không thể nào sống nỗi
 
Không có đường đi không chỉ ảnh hưởng chuyện học hành của các em nhỏ mà còn kéo theo bao nhiêu hệ luỵ. Có được con tôm, con cua muốn mang đi bán dân trong xóm phải lội ra tận đầu kinh Lung Lá ngồi chờ lái đi ngang, có khi mất cả buổi. Cực nhất là khi nhà có đám tiệc, muốn đi chợ phải hỏi xin những chủ vuông rồi kéo xuồng qua hai con đập mới ra tới kinh. Người dân nơi khác khi được mời đến đây dự đám cũng ngán ngại không muốn đi. Chưa nói khi trong xóm có người bệnh muốn đưa đi bệnh viện vô cùng vất vả. 
 
Ông Hùng Anh nói vui: Cũng may nhà cửa dân ở đây đã cất cơ bản từ lâu, chớ mai mốt hư hỏng phải sửa chữa, cất mới không biết làm sao vận chuyển vật liệu đây. Mà nói thiệt, với cảnh sống bấp bênh như hiện nay, không ai dám nghĩ tới chuyện này.
Lẽ nào ngành chức năng “bó tay”?
 
Anh Lê Hoàng Minh cho biết: Nguyện vọng tha thiết nhất gần 13 năm nay của người dân Xóm Mồ Côi là có được con kinh thủy lợi để tháo nước cải tạo vuông tôm, cải thiện cuộc sống. Rất nhiều đơn được gởi đến các ngành chức năng xã, huyện, tỉnh; nhiều cuộc họp dân, tiếp xúc cử tri, dân đều kiến nghị, mong chờ… Nhiều lần xã, huyện đến khảo sát, tìm cách để giải quyết nhưng bao năm trôi qua vẫn chưa thay đổi được gì.
 
Chuyện con kinh thoát nước cho Xóm Mồ Côi xem ra đã “bó tay”. Người dân cũng không còn sức để yêu cầu, kiến nghị gì nữa, vì quá nhiều lần họ hy vọng, mong chờ, thất vọng, rồi lại hy vọng…, giờ phải đành chấp nhận cảnh sống hiện tại và chia nhau đi làm thuê đắp đổi. Thế nhưng, trong lòng mỗi người vẫn đau đáu một nỗi niềm…
 
Mặc dù hiện tại so với chuẩn quy định dành cho hộ nghèo, 12 hộ dân Xóm Mồ Côi đều chưa rơi vào diện nghèo, nhưng thật sự họ đang từng ngày đối mặt với khó khăn. Và ai dám chắc họ sẽ không nghèo khi sản xuất không hiệu quả tiếp tục kéo dài?
 
Cơn mưa giữa mùa bắt đầu nặng hạt. Trên con đường về phải xắn quần lội bộ  lần dò theo con đường mới đắp, đất cứ quện chặt bàn chân, tôi càng thấm thía cảnh sống khắc khoải của những hộ dân Xóm Mồ Côi… 
 
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo