xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xuống miền tây dỡ chà bắt cá

Theo Phú Thuận (Đồng Tháp Online)

Đối với cư dân vùng sông nước Cửu Long thì hình ảnh những đám chà được đặt trên sông, rạch để khai thác thủy sản đã trở nên quen thuộc. Từ lâu việc dỡ chà bắt cá cũng đã trở thành nét văn hóa đậm chất Nam bộ.

Được chú Tư Đuột - người hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề đặt chà cá ở phường 6, thành phố Cao Lãnh mời, tôi có dịp tháp tùng và thấy cảnh dỡ chà bắt cá của gia đình lão ngư này.
 
img
Cảnh dỡ chà bắt cá của gia đình ông Tư Đuột
 
Lúc đó là khoảng 2 giờ chiều, con nước đã bắt đầu ròng. Đám chà có chiều rộng khoảng 4m, dài khoảng 6m được gia đình chú Tư đặt cặp theo bờ sông Tiền tiếp giáp với đất nhà chú. Chú Tư Đuột và 5-6 “thợ chà” da đen nhẻm bắt đầu dùng 6-7 cây tầm vông cắm quanh đám chà làm trụ và dùng tấm lưới dài vài chục mét có gắn chì phía dưới bao quanh đám chà để đề phòng cá “thoát thân”.
 
Việc bao lưới hoàn tất, cánh “thợ chà” bắt đầu bỏ những thanh chà bằng tre, nhãn, xoài... ra ngoài vòng lưới. Thấy động chỗ ở, nhiều con cá mè vinh nhảy lên trên mặt nước, trong khi đó những con cá khác bắt đầu rút xuống đáy chà lẩn trốn.
 
Gió sông Tiền thổi lồng lộng, nước đã rút dần. Công đoạn gài đăng và thu lưới được chú Tư và cánh “thợ chà” thực hiện nhằm dỡ chà bó ra. Trong buổi dỡ chà, đây là thời điểm được coi là “hối hả” và “kịch tích” nhất.
 
Có nhiều kinh nghiệm nên chú Tư Đuột là người phụ trách gài đăng... Hụp lặn xuống đáy sâu nhiều lần nhưng chú Tư vẫn không thấy lạnh. Trước khi lấy làn hơi dài để lặn xuống đáy nước, chú Tư Đuột không quên nhắc nhở cánh “thợ chà” kéo miếng lưới đăng chà cẩn thận.
 
Các bó chà đã được chuyển ra ngoài, công việc khép miếng lưới đăng được bắt đầu. 5-6 “ thợ chà” cùng chú Tư cẩn thận khép miếng lưới đăng lại và khi miệng đăng vừa khép kín cũng là lúc cá to, nhỏ đua nhau phóng lên loạn xạ.
 
Cực nhọc gần 4 giờ đồng hồ, công việc thu hoạch cá cũng bắt đầu tiến hành. Cánh “thợ chà” dần di chuyển hết lên 2 chiếc ghe đục bắt đầu gạn dần tấm lưới để bắt cá. Tấm lưới được kéo lên từ từ, cá đã bắt đầu nhảy nhiều hơn.
 
Tay giữ chặt tấm lưới, chú Tư Đuột gọi các “thợ chà” dùng vợt xúc cá bỏ vào ghe đục. Có vô số cá: rô phi, cá mè vinh, tai tượng, cá ngát, cá chốt... nhảy xoi xói. Số cá được vớt lên hết, chú Tư Đuột nhẩm tính chừng 3 giạ cá, bán ra kiếm được khoảng vài triệu đồng. Dù không nhiều lắm nhưng đó là thành quả và là công sức của gia đình chú Tư Đuột trong gần tháng trời canh giữ và rải cám dụ cá đến ở.
 
Trong bữa tiệc chiêu đải cánh “thợ chà”, chú Tư Đuột tâm sự: So với cách đây khoảng 10 năm, lượng cá tôm thu được trong các buổi dỡ chà còn nhiều gấp 2-3 lần hiện nay, do tình trạng xiệt điện diễn ra khá phổ biến nên hiện tại kiếm được 1kg tôm là nhiều.
 
Tại thành phố Cao Lãnh, so với trước kia người đặt chà còn khá khiêm tốn, chú Tư Đuột là một trong những người còn giữ lại được cái nghề truyền thống, mang đậm nét văn hóa này.
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo