Những ngày qua, chị Đỗ Thị Lanh (24 tuổi, ngụ Trà Vinh) liên tục phải bế con trai gần 9 tháng tuổi suốt trên tay vì bé luôn quấy khóc, khó chịu do mắc bệnh sởi. Trước đó gần một tháng, con chị bị tiêu chảy, nôn ói, sốt và đã được điều trị khỏi.
Nguy cơ bùng phát sởi, ho gà
Cách đây 5 ngày, bé lại bị bệnh tiếp với biểu hiện sốt, ói. Nghĩ con bị rối loạn tiêu hóa, chị đưa đi khám tiêu hóa thì mới phát hiện mắc bệnh sởi. Tại Khoa Nhiễm - Thần kinh - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), bé được chẩn đoán có thêm biến chứng viêm phổi. "Tôi dự định khi con đủ tháng sẽ đưa tiêm vắc-xin ngừa sởi nhưng chưa kịp tiêm thì con mắc bệnh. Dự kiến sau khi bé khỏe sẽ đưa đi tiêm ngừa để có kháng thể phòng bệnh" - chị Lanh rầu rĩ.
Theo BSCK2 Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh - Bệnh viện Nhi Đồng 1, từ đầu năm đến nay khoa tiếp nhận 5 trường hợp mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh nào. Đáng chú ý, cả 5 trường hợp đều chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh.
Trẻ nhập viện do sởi sẽ được cách ly tại khu vực riêng nhằm tránh lây nhiễm chéo bởi sởi là bệnh với khả năng lây nhiễm cao, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não - màng não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc... thậm chí tử vong. Đặc biệt, những đối tượng có nguy cơ cao biến chứng như trẻ mắc bệnh nền (tim bẩm sinh, thận mạn, tiểu đường...). "Trong khi đó, bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin mà những ca nhập viện đều chưa được chủng ngừa. Điều này khiến chúng tôi rất lo ngại vì tỉ lệ bao phủ vắc-xin chưa đủ và đây cũng là năm chu kỳ sởi quay lại (5 năm/lần)" - bác sĩ Quy nhấn mạnh.
BSCK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), cho biết từ đầu năm đến nay bệnh viện tiếp nhận 14 trường hợp mắc sởi. Tình trạng trẻ mắc sởi bắt đầu xuất hiện trong những tuần gần đây. Dự báo sắp tới số ca bệnh có nguy cơ tăng vì trẻ quay trở lại trường học đón năm học mới. "Trẻ tựu trường có nguy cơ lây lan sởi. Do đó, để phòng tránh bệnh, cha mẹ nên cho trẻ tiêm vắc-xin. Mũi đầu của vắc-xin sởi được tiêm khi trẻ được 9 tháng và mũi 2 khi trẻ được 18 tháng. Bên cạnh đó, cha mẹ cần phòng bệnh bằng biện pháp đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ môi trường thông thoáng, không tiếp xúc với người nghi mắc bệnh" - bác sĩ Tiến nói.
Theo các chuyên gia, dù số ca bệnh truyền nhiễm trong 6 tháng đầu năm 2024 của khu vực phía Nam không cao nhưng không được chủ quan, cần có những giải pháp phòng ngừa từ sớm. Đặc biệt, sự xuất hiện trở lại của một số bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin như sởi, ho gà, dại đang trở thành mối lo ngại mới. Đây là những bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin nhưng hiện tỉ lệ bao phủ vắc-xin thấp, nhiều trẻ chưa hoặc không được tiêm chủng gây ra "khoảng trống miễn dịch".
Khẩn trương tạo miễn dịch cộng đồng
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết tính đến hết tháng 4-2024, tỉ lệ trẻ tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi đối với lứa trẻ sinh năm 2018, 2019, 2020, 2021 trên địa bàn TP HCM lần lượt là 93,2%; 90,1%; 91,7% và 93,6%. Mức bao phủ này đạt chỉ tiêu tối thiểu theo yêu cầu của Bộ Y tế nhưng chưa đạt chỉ tiêu của TP HCM đề ra là trên 95%. Đây là mức bao phủ cần thiết để có thể tạo miễn dịch cộng đồng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tại TP HCM có sự xuất hiện trở lại của các ca bệnh ho gà và sởi. Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận có 30 ca bệnh ho gà và 16 ca mắc sởi. Theo điều tra dịch tễ, có 90% trẻ mắc ho gà dưới 5 tuổi, trong đó có đến 12 trẻ chưa đủ 2 tháng tuổi để tiêm mũi 1. "100% trẻ mắc ho gà chưa được gia đình đưa đi tiêm phòng vắc-xin hoặc chưa rõ tiền sử tiêm chủng" - bác sĩ Châu lo ngại và nhận định nguyên nhân khiến một số bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin quay trở lại là do xuất hiện các "khoảng trống miễn dịch". Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều trẻ không được tiêm chủng vắc-xin đầy đủ và đúng lịch, nhiều quận, huyện độ bao phủ vắc-xin thấp.
Lo ngại dịch bệnh có thể lây lan rộng không chỉ ở TP HCM mà còn cả khu vực phía Nam, TS Châu kiến nghị triển khai ngay chiến dịch tiêm vắc-xin sởi ở các vùng có nguy cơ bùng phát dịch. Đồng thời, chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cần bảo đảm nguồn cung ứng vắc-xin để khẩn trương tiêm bù cho trẻ, tạo miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh vắc-xin uốn ván nên tiêm bổ sung vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà cho thai phụ.
"Nhiều trẻ mắc bệnh ho gà trước khi tới tuổi tiêm chủng, rất cần miễn dịch truyền từ mẹ. Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết vùng khu vực phía Nam, nhất là trong phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp rà soát tiêm chủng cho trẻ ở các khu vực giáp ranh giữa các địa phương; các địa phương cần chủ động nguồn thuốc, vật tư y tế phòng, chống các bệnh truyền nhiễm" - lãnh đạo ngành y tế TP HCM nhấn mạnh.
Chủ động phòng ngừa
Trước nguy cơ của dịch sởi, ngành y tế TP HCM đang đẩy mạnh tiêm bù, tiêm vét vắc-xin phòng bệnh cho trẻ nhỏ tại các trạm y tế. Sở Y tế đang tham mưu UBND TP ban hành kế hoạch chủ động phòng chống bệnh sởi trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào phát hiện sớm các ca sốt phát ban nghi sởi, lấy mẫu huyết thanh xét nghiệm, điều tra dịch tễ và khoanh vùng... Các bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Nhi Đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới chịu trách nhiệm thu dung điều trị bệnh sởi, bảo đảm kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây lan trong cơ sở y tế.
Bình luận (0)