Ở TP Hà Nội, phố Quang Trung (quận Hà Đông) trước đây được biết đến là phố "đổi tiền lẻ". Mỗi dịp giáp Tết, tại đây thường tập trung hàng chục quầy đổi tiền, kéo dài từ khu vực Bưu điện Hà Đông đến ngã ba Ba La, với đủ mệnh giá từ 500 đồng đến 20.000, 50.000, 100.000 đồng. Tỉ lệ đổi tiền phổ biến là "10 ăn 8", "10 ăn 9" tùy mệnh giá, tương đương đổi 100.000 đồng nhận được 80.000 - 90.000 đồng tiền mới.
Chợ mạng nhộn nhịp
Những năm trước, khoảng 10 - 15 ngày trước Tết âm lịch, các quầy đổi tiền tấp nập khách hàng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, ngày 30-1, trên đường Quang Trung (quận Hà Đông) không còn diễn ra hoạt động đổi tiền như mọi năm. Tại một số tuyến đường khác xung quanh khu vực hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm), dịch vụ đổi tiền mới cũng dần vắng bóng.
"Hiện nay, mạng xã hội phát triển hơn trước, nên hoạt động đổi tiền được chuyển lên các trang mạng, giao dịch cũng khá thuận tiện" - một người làm dịch vụ đổi tiền nhiều năm cho biết.
Tại Fanpage của cư dân một chung cư ở quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) với hàng chục ngàn thành viên, tài khoản Facebook L.N đăng bài quảng cáo đổi tiền mới với lời rao hấp dẫn: "Đổi sớm, phí đang cực tốt". Theo đó, mức phí đổi tiền mới mệnh giá 200.000 đồng là 2%, mệnh giá 100.000 đồng là 3%. Với tiền mệnh giá nhỏ hơn như 50.000, 10.000 và 5.000 đồng, phí đổi tiền sẽ cao hơn, ở mức 6% - 7%. Trong vai người có nhu cầu đổi tiền, chúng tôi liên hệ với chủ tài khoản L.N thì được người này cho biết năm nay, tiền mới khan hiếm nên chỉ những người đổi sớm mới có phí thấp như thông báo. Càng cận Tết - khi nguồn tiền mới ngày càng cạn, phí đổi sẽ cao hơn nữa.
Một số hội nhóm rao đổi tiền lẻ, tiền mới và ship tận nơi với điều kiện người có nhu cầu phải đặt cọc 20% - 50% số tiền cần đổi. Tuy nhiên, do e ngại bị lừa nên không nhiều người chọn dịch vụ này. "Để yên tâm, tôi tìm người quen, bạn bè hoặc cư dân ở cùng khu chung cư để gặp mặt trực tiếp và đổi tiền, hạn chế rủi ro" - chị Nguyễn Thu Hà (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho biết.
Tương tự, liên hệ một số dịch vụ chuyên đổi tiền mới và tiệm vàng ở TP HCM, chúng tôi cũng nhận được thông tin nguồn tiền mệnh giá nhỏ ít hơn và phí đổi cao hơn mọi năm. Mức phí phổ biến năm nay là 3% - 15% tùy mệnh giá, riêng mệnh giá 20.000 đồng có phí đổi cao nhất.
Ngân hàng cũng có ít tiền lẻ mới
Cũng trong ngày 30-1, tại chi nhánh của một ngân hàng (NH) thương mại ở quận 1 (TP HCM), chị H., khách hàng thân thiết của NH này, đang chờ đổi tiền mới. Mang theo 35 triệu đồng, chị có nhu cầu đổi tiền mệnh giá 10.000, 20.000 và 50.000 đồng. Tuy nhiên, nhân viên NH cho hay chỉ có duy nhất tiền mệnh giá 50.000 đồng nhưng số lượng cũng ít, không có tiền các mệnh giá nhỏ hơn. Riêng tiền mệnh giá lớn hơn như 100.000, 200.000 đồng... thì còn nhiều. "NH hỗ trợ khách hàng đổi tiền lẻ mới để mừng tuổi dịp Tết, hoàn toàn miễn phí. Các năm trước có đủ tiền mệnh giá nhỏ nhưng năm nay đặc biệt hiếm tiền mệnh giá 20.000 đồng" - nhân viên chi nhánh NH này giải thích.
Đáng chú ý, ngay cả tiền mệnh giá 100.000 đồng năm nay cũng không dồi dào. Chị H. cho biết đồng nghiệp mấy ngày nay đã liên hệ nhiều chi nhánh NH khác nhưng đều không đổi được tiền mệnh giá này nên chị sẽ đổi giúp đồng nghiệp ở chi nhánh này.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhân viên nhiều NH cho biết NH chỉ có tiền mới mệnh giá 200.000 đồng, 500.000 đồng để đổi cho khách, rất khó hỗ trợ khách đổi tiền mệnh giá nhỏ hơn. "Bản thân tôi cũng chỉ đổi được 5 tờ 50.000 đồng" - nhân viên một NH than.
Theo giám đốc chi nhánh một NH thương mại tại TP Thủ Đức (TP HCM), năm nay hầu như không có tiền mới mệnh giá 10.000 - 50.000 đồng nên không thể hỗ trợ khách hàng đang gửi tiết kiệm tại NH đổi để lì xì Tết. "Nhu cầu đổi tiền mệnh giá 50.000 đồng là lớn nhất nhưng NH không có tiền mệnh giá này. Ngay cả nhân viên NH đã đăng ký từ gần 1 tháng trước mà đến giờ cũng chưa đổi được" - giám đốc chi nhánh này cho hay.
Đổi tiền hưởng chênh lệch là trái phép
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NH Nhà nước - Chi nhánh TP HCM, xác nhận nhu cầu thanh toán, lưu thông hàng hóa - tiền tệ dịp cuối năm thường tăng cao do quy luật khách quan. Do đó, NH Nhà nước luôn chỉ đạo kịp thời các NH Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiền mặt - cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng.
"Chỉ có NH Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng mới được phép thu - đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Mọi hành vi thu - đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức khác nhằm hưởng chênh lệch; rao đổi tiền trên mạng đều vi phạm pháp luật và phải được ngăn chặn, xử lý nghiêm minh" - ông Lệnh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Lệnh, để đáp ứng nhu cầu tiền cho thanh toán, lưu thông hàng hóa - tiền tệ, NH Nhà nước cung ứng đủ số lượng, bảo đảm chất lượng và cơ cấu tiền; chỉ đổi tiền cũ, rách không đủ tiêu chuẩn lưu thông để lấy tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông.
Cẩn trọng đổi tiền trên mạng
Giao dịch đổi tiền thông qua dịch vụ trên không gian mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đã có trường hợp khách chỉ nhận được vài tờ tiền mới ở phía ngoài cọc tiền, còn bên trong là tiền cũ nát, thậm chí tiền giả.
Tại Nghị định 88/2019 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và NH, cá nhân có hành vi đổi tiền nhằm hưởng phần trăm chênh lệch, thu lời có thể bị xử phạt 20 - 40 triệu đồng. Mức phạt dành cho tổ chức, đơn vị vi phạm sẽ cao hơn.
Bình luận (0)