Hội nghị lãnh đạo TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL về liên kết phát triển bền vững, trong khuôn khổ Diễn đàn Kết nối du lịch TP HCM - ĐBSCL, đã diễn ra ngày 5-9 tại TP HCM.
Xây dựng thương hiệu cho cả vùng
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết TP HCM có những lợi thế trong kết nối du lịch vùng, là địa bàn hoạt động của 1.200 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành.
"Độ dài bình quân một chuyến đi của khách du lịch đến Việt Nam là 12,07 ngày, trong đó thời gian lưu trú bình quân tại TP là 4,98 ngày. Năm 2018, khách quốc tế đến TP là 7,5 triệu lượt. Nếu 2/3 số lượt khách này lựa chọn các hành trình là sản phẩm liên kết giữa TP và ĐBSCL, kéo dài độ dài lưu trú, chi tiêu bình quân... sẽ tạo sự chuyển biến tích cực cho sự phát triển của du lịch toàn vùng" - Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhận định.
ĐBSCL đang thiếu một chiến lược phân vùng và liên kết du lịch, quy hoạch hạ tầng các điểm đến gắn với cơ chế, chính sách cụ thể thu hút đầu tư, tạo ra một chuỗi du lịch đa dạng toàn vùng. Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương nhìn nhận sự kết nối du lịch giữa ĐBSCL và các vùng du lịch khác trong cả nước, nhất là TP HCM, chưa được quan tâm xứng đáng, thiếu các cơ chế thúc đẩy.
Nhằm thúc đẩy liên kết phát triển du lịch TP HCM với ĐBSCL, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đề xuất thành lập Hội đồng Phát triển du lịch ĐBSCL và TP HCM, mà đại diện gồm lãnh đạo các địa phương, sở du lịch cùng trao đổi, đánh giá tình hình và xây dựng một chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025.
Để chuẩn bị cho quá trình thành lập hội đồng phát triển du lịch vùng, Bí thư Thành ủy TP HCM đề nghị các doanh nghiệp (DN) đề xuất giải pháp, từ đó lãnh đạo ngành du lịch các địa phương cùng trao đổi nhằm cụ thể hóa giải pháp thực hiện. Nếu trong tháng 9-2019, các DN lữ hành ngồi lại với nhau thì trong tháng 10-2019, chính quyền 14 tỉnh, thành sẽ có phiên thảo luận đầu tiên về chương trình hợp tác.
"ĐBSCL có rất nhiều di tích, di sản văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia có thể hỗ trợ thúc đẩy phát triển du lịch. Đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) nghiên cứu xây dựng đề án chuẩn hóa các di tích lịch sử văn hóa của vùng đã được công nhận. Và mỗi địa phương khi giới thiệu, xúc tiến du lịch cũng quảng bá cho các di tích này để du khách lựa chọn" - Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đề xuất.
Ngoài ra, theo Bí thư Thành ủy TP HCM, ngành du lịch ĐBSCL cần xây dựng, định hướng xây dựng thương hiệu du lịch để quảng bá chung cho cả vùng. Bởi mỗi nơi xây dựng thương hiệu riêng, sẽ khó quảng bá và khiến du khách, nhất là du khách nước ngoài, không nhớ nổi. Bộ VH-TT-DL có thể hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu này một cách rộng rãi. Đồng thời, các bộ, ngành khác cũng cần hỗ trợ như có chính sách kết nối du lịch và hàng không cho ĐBSCL.
Lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL và TP HCM ký kết liên kết về du lịch. Ảnh: TẤN THẠNH
Giải bài toán "trùng lắp"
Đồng tình với quan điểm này, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương đề nghị cần có ban chỉ đạo, ban điều phối liên kết du lịch vùng mà đứng đầu là Bí thư Thành ủy TP HCM và bí thư tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành ĐBSCL, với sự hỗ trợ nghiên cứu tư vấn cơ chế chính sách từ cơ quan liên quan.
Trên thực tế, dù tốc độ tăng trưởng khách du lịch đến ĐBSCL thời gian qua đạt mức 2 con số nhưng so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước vẫn còn khá khiêm tốn. Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện nhận xét ĐBSCL còn rất nhiều dư địa để phát triển du lịch.
Mục tiêu của ngành du lịch đến năm 2025 đón 32 triệu lượt khách quốc tế và 110 triệu lượt khách trong nước, nguồn thu đạt 65 tỉ USD. Với mục tiêu này, việc hợp tác phát triển du lịch giữa TP HCM với ĐBSCL là rất cần thiết. Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, từng địa phương phải xác định, xây dựng được sản phẩm đặc thù cho địa phương mình, từ đó tạo ra các sản phẩm du lịch của cả vùng nhằm giải quyết tình trạng sản phẩm na ná nhau.
"Bản thân các tỉnh, thành cũng cần có cơ chế đồng hành, thúc đẩy DN lữ hành khai thác sản phẩm du lịch đặc thù đó. Có thể kêu gọi những tập đoàn du lịch lớn tham gia để tạo sự đột phá, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn. Gần đây, nhiều địa phương bứt lên về du lịch nhờ sự tham gia đầu tư của một số tập đoàn lớn" - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng tình sáng kiến thành lập Hội đồng Phát triển du lịch vùng TP HCM và ĐBSCL và đánh giá đây là ý tưởng tốt. Bộ VH-TT-DL sẽ đồng hành, những vấn đề gì hội đồng vùng kiến nghị thuộc thẩm quyền của nhà nước, liên quan trực tiếp các ngành du lịch và lĩnh vực khác sẽ được ban chỉ đạo nhà nước về du lịch, Chính phủ ghi nhận, giải quyết.
"Để du lịch phát triển cần sự đồng bộ của các ngành, các cấp từ quảng bá, xúc tiến trong nước và quốc tế; đến thủ tục xuất nhập cảnh, hạ tầng, giao thông, nguồn nhân lực. Cần kết hợp chặt chẽ phát huy di sản văn hóa, con người... để có sản phẩm du lịch riêng" - Phó Thủ tướng đề nghị.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến kế hoạch phát triển du lịch thông minh tại TP HCM, thông qua việc số hóa các nguồn tài nguyên du lịch và chuẩn hóa cách tiếp cận để du khách dễ dàng tìm kiếm. Từ năm 2021, TP có thể chia sẻ, liên kết với các địa phương cùng phát triển du lịch thông minh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ đang được giao đề xuất về số hóa, mà lĩnh vực đầu tư đầu tiên là du lịch, sẽ khởi động dự án số hóa các di sản văn hóa.
Bình luận (0)