Sau khi lang thang khắp các tỉnh, thành trong cả nước, tôi mới sực nhớ mình chưa đi Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Mà nhớ cũng vì vô tình nghe được bài "Hà Tiên" của nhạc sĩ Minh Kỳ xưa thật là xưa qua giọng hát ngọt ngào của danh ca Thanh Tuyền: "Tôi nhớ hoài một chiều dừng chân ghé qua thăm miền ước mơ/Hà Tiên mến yêu đẹp như xứ thơ…". Bài hát nhắc đến lăng Mạc Cửu, Thạch Động, bến Tô Châu lả lướt trên nền nhạc boléro nghe sao mà vấn vương, da diết. Thế là tôi "search Google" để cập nhật kiến thức về xứ sở này rồi lên đường.
Núi Tô Châu bên dòng sông Giang Thành, một trong những thắng cảnh của Hà Tiên
Hà Tiên chỉ còn tam, tứ cảnh!
Hà Tiên từng là nguồn cảm hứng để các văn sĩ Tao Đàn Chiêu Anh Các cho ra đời hơn 300 bài thơ xướng họa về "Hà Tiên thập cảnh". Tiếc rằng bây giờ Hà Tiên chỉ còn tam, tứ cảnh thôi.
Tôi đến Thạch Động trước tiên vì đây là một trong thập cảnh trứ danh của Hà Tiên và còn vì tò mò chuyện liên quan đến… Thạch Sanh! Thật háo hức khi nhìn từ xa đã thấy một khối đá y hệt cái đầu quái dị trên Thạch Động. Kể ra cũng giống đầu đại bàng tinh mà dân gian đồn rằng đã bị Thạch Sanh chặt và nhét trong núi.
Bước vào động, không khí mát lạnh và ánh sáng mờ ảo như lạc vào truyện cổ tích. Tương truyền ngày xưa, đại bàng tinh bắt công chúa Nguyệt Nga thả vào động từ cửa hang "thông thiên" và Thạch Sanh đã theo miệng hang này vào giết đại bàng tinh cứu công chúa. Nhưng tìm mãi chẳng thấy cửa hang đâu, chỉ nghe người xung quanh chỉ trỏ đoán già đoán non. Chỗ nhìn thấy rõ ràng nhất là "đường xuống thủy cung của Thạch Sanh", giống miệng giếng bị lấp phân nửa, nằm sát vách núi. Chẳng thấy ghi chú gì xung quanh nhưng nhiều người cho biết trước kia nó là miệng hố rất sâu, thông ra tận biển.
Tóm lại, ngoài những thạch nhũ tạo nên nhiều hình thù lạ mắt thì chẳng thấy bóng dáng Thạch Sanh đâu cả. Hơi tiếc! Một hang động đẹp, có nhiều đặc điểm tự nhiên trùng khớp truyện cổ tích nhưng chưa được khai thác.
"Chỗ này là Tao Đàn Chiêu Anh Các mới khánh thành hồi đầu năm 2019 nè" - bác tài xe lôi nhiệt tình kiêm luôn vai trò hướng dẫn viên. Bác tài thao thao tiếp: "Ở xứ này, các di tích không xa nhau lắm, để chở cô đến đền Mạc Cửu, ông tổ của đất Hà Tiên nha". Khác với suy nghĩ của tôi, đền thờ của dòng họ Mạc lẫy lừng với bao công trạng khai phá, xây dựng nên vùng đất Hà Tiên trù phú, được nhà Nguyễn ban tặng cho 4 chữ "Khai trấn trụ quốc" mà lại… bình thường như bao ngôi đền khác. Nếu không ai hướng dẫn, chắc nhiều người sẽ bỏ qua di tích này khi đến Hà Tiên.
Lộc trĩ thôn cư (cảnh đẹp Mũi Nai) - một trong thập cảnh của Hà Tiên - đến nay vẫn thu hút du khách thích vẫy vùng cùng sóng biển. Đây là một trong 5 bãi biển đẹp và có thể tắm được ở miền Tây. Lợi thế này nếu khai thác mạnh hơn chắc chắn sẽ không thua gì các đảo Phú Quốc, Nam Du.
“Đầu đại bàng tinh bị nhét vào núi đá” ở Thạch Động
Thân thương mộ Bà Cô Năm
Một nơi không có trong Hà Tiên thập cảnh nhưng được người dân Hà Tiên khá quan tâm đó là mộ Bà Cô Năm - Mạc Mi Cô. Mạc Mi Cô là con gái thứ 5 của Mạc Thiên Tích. Tương truyền, tiểu thư Mạc Mi Cô là người hiếu thảo, nhân hậu nhưng chết trẻ nên rất hiển linh, thường giúp người hoạn nạn nên được người dân Hà Tiên tôn thờ và gọi bằng cái tên dân dã đầy trìu mến: Bà Cô Năm.
Công viên Văn hóa Bình San là nơi thờ Bà Cô Năm - Mạc Mi Cô rất uy nghi, rộng lớn. Hằng năm, nơi đây tổ chức ngày giỗ của Cô Năm, người dân Hà Tiên đến cúng bái rất đông. Nhưng ngày thường thì vắng vẻ, các tour du lịch đến Hà Tiên cũng ít quan tâm nơi này. Tôi lại thấy tiếc: Hà Tiên cũng có thể phát triển du lịch tâm linh qua câu chuyện về Bà Cô Năm như Côn Đảo có mộ Chị Sáu, để không chỉ có ngày giỗ mà lúc nào du khách cũng tìm đến viếng.
Bình luận (0)